Lời giải nào cho tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học nghề?

30/05/2022 06:52
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN-Xã hội chúng ta xuất hiện tình trạng mới nảy sinh là “liên thông ngược”, câu chuyện cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp nghề ngày càng phổ biến.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ninh về thực trạng nhiều gia đình và học sinh chưa nhận thức đầy đủ về khái niệm “việc làm”, luôn có quan điểm tư tưởng là phải học đại học mới có việc làm.

Nhu cầu lao động tăng theo từng năm

Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, dân số toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 1.320.000 người, trong đó độ tuổi lao động chiếm trên 66%. Tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh là khoảng 735.000 người.

Hằng năm, lực lượng lao động tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung từ khoảng 15.000 đến 19.000 lao động và tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ - du lịch,….

Đến hết năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 46%.

Giai đoạn tới, nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh cần 798,28 ngàn lao động; năm 2030 cần 874,25 ngàn lao động; tốc độ tăng trưởng trung bình về nhân lực khoảng 18%/năm.

Nhu cầu về lực lượng lao động chủ yếu tập trung ở một số ngành như: công nghiệp chế biến chế tạo; vận tải, kho bãi; du lịch, dịch vụ.

Riêng chỉ với Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, nhu cầu tuyển dụng mới 2022 là 2.400 lao động và đến năm 2025 cần bổ sung 2.500 lao động.

Điều đó một lần nữa khẳng định rằng nhu cầu việc làm tại tỉnh Quảng Ninh là rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho học sinh của chúng ta tìm hiểu và lựa chọn.

Theo ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cho biết nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới là rất lớn (Ảnh: Phạm Linh)

Theo ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cho biết nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới là rất lớn (Ảnh: Phạm Linh)

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm, các cơ sở này tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người.

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, những năm qua, để tạo điều kiện cho các học sinh tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành hàng loạt những chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia học nghề tại địa phương.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách như: hỗ trợ học phí; hỗ trợ học bổng; hỗ trợ để mua đồ dùng cá nhân; hỗ trợ tiền ăn, đi lại và chính sách đối với người sau tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có Trường Cao đẳng Việt- Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV cũng đã xác định: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách”.

Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học nghề

Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Theo các nhà tuyển dụng trong và ngoài nước đánh giá thì lao động Việt Nam bao gồm cả các cử nhân đại học rất yếu về ngoại ngữ, yếu về kỹ năng mềm, đánh giá không đúng năng lực bản thân.

Do đó, hiện nay xã hội chúng ta xuất hiện một thực tiễn mới nảy sinh đó là “liên thông ngược” chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp nghề ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối”.

Theo đó, để khắc phục phần nào tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp lại quay lại học nghề đồng thời thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh xác định việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.

Đặc biệt, trong bối cảnh những năm gần, tỉnh Quảng Ninh có những bước phát triển vượt bậc, luôn nằm tốp đầu các tỉnh thành trong cả nước về thu ngân sách.

Thực hiện Kế hoạch số 1158/KH-LĐTBXH ngày 21/4/2022 của Sở Lao động, Thương binh và xã hội về việc tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Khắc phục phần nào tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Khắc phục phần nào tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực cho biết thêm: “Đào tạo nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn lao động sản xuất trực tiếp cho các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chủ yếu cho các doanh nghiệp.

Chất lượng đào tạo nghề nghiệp sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, của phụ huynh học sinh và quan trọng nhất là sự hợp tác của các em học sinh”.

Việc tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cho các em học sinh và các bậc phụ huynh nắm được các vấn đề quan tâm như việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với học lực, điều kiện của gia đình và nhu cầu việc làm của địa phương, của tỉnh trong những năm tới.

Bên cạnh đó, hạn chế thực trạng nhiều gia đình và học sinh chưa nhận thức đầy đủ về khái niệm “việc làm”, luôn có quan điểm tư tưởng là phải học đại học mới có việc làm.

Quá trình học đại học, nhiều em cũng chưa quan tâm đến trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Phạm Linh