Lời thì thầm tháng 7 của người mẹ có con hy sinh nằm trong ống quyển

27/07/2019 09:24
Phương Độ
(GDVN) - Bác hy sinh vì bị bom trong một trận đánh ác liệt, cơ thể trai tráng của bác không còn nguyên vẹn.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Phương Độ người dân tộc Tày ở Hà Giang viết về bà nội của mình, mẹ liệt sĩ có con anh dũng hy sinh ở mặt trận phía Tây Nam.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Bà nội có mười người con nhưng tôi biết bà thương và nhớ ai nhất.

Bác tôi hy sinh đã lâu. Ngày bác mất, tôi chưa ra đời. Ngày bác mất nắng hay mưa tôi cũng không biết.

Lớn một chút năm nào gần đến ngày thương binh liệt sỹ, tôi cũng được bà nhờ đi mua một bao thuốc lá với gói kẹo.

Tôi cầm những đồng tiền bà nội đưa chạy đi mua các thứ ấy về cho bà, nội cầm lấy rồi mang đi cất.

Nhìn dáng bà lưng còn mắt lèm nhèm bước lụi cụi đi về buồng cất đồ, tôi chưa thể hiểu những gì bà chịu đựng.

Nội tôi thường chuyện với người con đã mất của mình, người có tên trong cái ống quyển ấy. (Nguyễn Toan)
Nội tôi thường chuyện với người con đã mất của mình, người có tên trong cái ống quyển ấy. (Nguyễn Toan)

Nơi tôi sinh ra là một trong những địa danh của đất nước này tiếng bom đạn dứt sau cùng.

Thi thoảng nội và bố mẹ có kể chuyện phải sơ tán tránh pháo, nhưng không nói sâu.

Những chiếc đầu bé nhỏ của bọn trẻ chúng tôi lúc ấy cũng chẳng hình dung nổi pháo dội nó kinh khủng thế nào.

Tôi chỉ nhớ có lần mưa bão, cả nhà đang ngồi bên bếp lửa một tiếng sấm dội xé trời vang lên. Nội bịt tai lại kêu lên “giặc lại bắn pháo tiếp rồi”.

Chúng tôi an yên lớn lên trong cảnh thanh bình của đất nước, chiến tranh chỉ biết qua lời kể của người già và phim ảnh.

Chúng tôi lớn lên với những buổi chơi trận giả khắp các bờ thấp bờ cao sau mỗi mùa gặt.

Chiến tranh là cái gì đó xa vời như các câu chuyện huyền thoại vậy.

Giấy báo tử và bằng tổ quốc ghi công có tên bác tôi được cất trong một ống quyển bằng nứa, lần cuối cùng tôi dở ra xem đã thấy mọt cắn nát bốn góc.

Tấm giấy báo tử không biết được mở ra bao nhiêu lần đã nhàu nát, chữ đã nhòe lắm rồi.

Nội giữ kỹ lắm nhưng thời gian vẫn thừa sức làm vật duy nhất kết nối nội và đứa con của người hỏng dần.

Nhiều lần rồi tôi nghe nội nói chuyện một mình trong buồng như người già lẩm cẩm vẫn hay làm.

Nhưng tôi biết nội đang nói chuyện với người con đã mất của mình, người có tên trong cái ống quyển ấy.

Những câu chuyện xa xăm mà chúng tôi chưa từng nghe đến, những câu chuyện của người mẹ nhắn nhủ đứa con xa.

Đám cưới đặc biệt cho 2 liệt sĩ sau gần 40 năm hy sinh trên đỉnh Pò Hèn
Đám cưới đặc biệt cho 2 liệt sĩ sau gần 40 năm hy sinh trên đỉnh Pò Hèn

Người già họ lạ lắm, ký ức trong họ được giữ gần như nguyên vẹn nếu như không bị các thứ bệnh làm nhiễu loạn, chỉ cần ta biết từ khóa để mở, họ sẽ tuôn ra chuỗi những kỷ niệm có cả đau buồn và hạnh phúc.

Khi con cháu hỏi về những ngày đã qua của mình, bà tôi nói không thôi, những câu chuyện của nội cứ thế nối nhau dài dằng dặc, có buồn thương và cũng rất hào hùng.

Nhưng dù kể câu chuyện nào của cuộc đời mình cuối cùng nội vẫn sẽ nhắc đến bác và thường khi ấy giọng nội run run.

Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 hằng năm đều có đoàn viên thanh niên đến giúp nhà mẹ liệt sỹ làm những công việc nghĩa cử, thi thoảng có người của tỉnh đến tặng quà.

Những hôm như vậy bà nội hay giục chúng tôi rửa ấm chén, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, hái hoa quả trong vườn về để mời khách.

Một vài lời hỏi thăm sức khỏe, một vài câu gợi nhắc chuyện xưa cũ đủ khiến nội rưng rưng. Rồi nội lại lụi cụi đi thắp hương cho con trai.

Tôi thường xem tin tức thế giới hễ nghe chuyện giao tranh ở đâu cũng đều xuýt xoa nhưng cũng chỉ là sự quan tâm hời hợt.

Bọn thanh niên như chúng tôi thừa năng lượng, lòng can đảm để không sợ hãi. Đấy là nghĩ thoáng qua vậy thôi, nhưng chắc chắn một điều sự thực nó khốc liệt lắm.

Bác tôi mất tại mặt trận phía Tây Nam, trong bãi tha ma của dòng họ không có mộ phần của bác.

Bác hy sinh vì bị bom trong một trận đánh, cơ thể trai tráng  không còn một mảnh nguyên vẹn. Vì vậy, bà rất xót xa, nhưng cũng luôn tự hào khi nhắc về con trai mình.

Một ngọn đèn dầu và những thẻ hương sẽ luôn được thắp trong một am nhỏ mà gia đình dựng cho người đã hy sinh.

Người mẹ lưng còng mắt mờ ấy sẽ đi đi về về để trông cho hương luôn cháy.

Tôi tin bà và những người mẹ liệt sỹ trên đất nước này luôn tự hào về những người con anh hùng và họ cũng ước nguyện sẽ không bao giờ có chiến tranh trên đất nước mình.

Phương Độ