Lời tri ân và những kỷ niệm cũ hơn năm cũ

24/01/2020 06:47
Xuân Dương
(GDVN) - Từ trái tim xin ghi nhận tình cảm của bạn đọc, nhân dịp năm mới chúc mọi người và gia quyến an bình, hạnh phúc.

Cuối năm, người Việt dọn dẹp nhà cửa, bao sái bàn thờ, sắm cây vàng, cây bạc mới đặt cạnh bát hương với hy vọng năm mới phát tài, phát lộc.

Ngày đầu xuân, con cháu sum vầy tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ, họ hàng và những người có công với dân, với nước.

Theo nét truyền thống đó, xin dành đôi dòng tri ân bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đồng hành, cổ vũ người viết nhiều năm qua lạc vào sân chơi “Góc nhìn” của Giaoduc.net.vn, cũng là lời cảm ơn tờ báo đã góp phần lúc mài sắc, lúc nắn mềm ngòi bút Xuân Dương.

Bút danh Xuân Dương vừa gắn với tên các đấng sinh thành đặt cho từ thời giấy khai sinh viết bằng cả chữ nho và chữ quốc ngữ, nhưng cũng còn chút riêng tư bởi chữ Xuân mang hàm ý mùa xuân, còn chữ Dương hiểu là “Dê” hay “Mặt trời” đều đúng.

Có một điều xin bộc bạch cùng bạn đọc, nhiều người gán cho Dê (đực) thói xấu liên quan đến tình dục mà không biết trong thần thoại Châu Âu, Thần Thor cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi hai con dê, mỗi khi con người nghe tiếng sấm rền vang bầu trời, họ hiểu rằng thần Thor và cỗ xe của Ngài đang đến. [1]

Mừng xuân, mong ước một mùa vàng và lời tri ân bạn đọc
Mừng xuân, mong ước một mùa vàng và lời tri ân bạn đọc

Thần Thor là vị thần của sấm sét, giông bão và sức mạnh nhưng không hiểu sao dân chúng lại cho rằng Ngài là vị thần của nông dân?

Chòm sao Ma Kết được tìm thấy ở phía Nam trên bầu trời hoàng đạo và biểu tượng của chòm sao này có hình chữ “V”, vừa mô tả cặp sừng của dê đực (dê cái không có sừng)  cũng là hình ảnh hai ngón tay giơ cao ngụ ý chữ “V” trong từ Victory nghĩa là “Chiến thắng”.

“Trong Kitô giáo, hàng ngày các giáo dân thường cầu nguyện “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng tôi”.

“Chiên” trong lời cầu nguyên trên chính là Dê.

Hình ảnh con Chiên - con dê gánh tội “thực ra là hình ảnh của chúa Giêsu gánh nhận trên vai mọi tội lỗi của nhân loại, như lời tiên tri Isaia đã nói trước 700 năm: Người đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình”. [1]

Nói vậy nhưng nhiều người vẫn thích làm Mặt trời hơn là … Dê cụ.

Ngồi viết mấy dòng này, khi quy hoạch báo chí đã qua hạn chót 31/12/2019, không biết tên “Báo điện tử Giáo dục Việt Nam” sẽ tồn tại hay thay thành “Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam”?

Trước thời khắc thay đổi, người viết cảm thấy áy náy vì đã không trực tiếp đính chính lời bạn đọc trong các bình luận sau mỗi bài báo về cụm từ “Nhà báo Xuân Dương”.

Thực ra, như một lời nhắn gửi bạn đọc, người viết đã ghi: “Quy hoạch báo chí, suy nghĩ của người không phải nhà báo”. [2]

Không phải nhà báo nên thích gì viết nấy, chỉ có điều những lời khen được các vị “chính ngạch” khen hết mất rồi nên đành phải chọn cách chê với tâm niệm “chê đúng” chứ không phải nói cho sướng mồm.

Từng có lần mấy ông bạn “trà lá vỉa hè” thuộc diện xưa nay hiếm mắng thẳng tưng:

“Đã qua rồi thời Xuân Dương với “Màu đồng chí”, “Mây ảo vọng”, “Chúa trời và con đường đáy biển”, “Nhận diện nhóm lợi ích bán nước hại dân”,… Xuân Dương bây giờ “lặn không sủi tăm”, chiếc bánh rán đỏ au hay vàng rộm mà Xuân Dương mời bạn đọc thưởng thức phải bóc bốn năm lượt vỏ may ra mới thấy được chút nhân bé tẹo”.

Ca ngợi Tổ quốc, viết vạn trang sách vẫn chưa trọn vẹn
Ca ngợi Tổ quốc, viết vạn trang sách vẫn chưa trọn vẹn

Cũng có lúc cảm thấy ngơ ngác vì chiếc bánh chả có tí nhân nào lại kiếm được sáu, bảy nghìn “Like”, bánh có nhân lại chỉ thu được vài trăm, họa hoằn mới được ngót nghìn.

May mà được mấy ông cánh hẩu động viên, rằng viết cho những người cần đọc và thích đọc chứ làm sao vừa lòng cả những người không thích đùa.

Nhớ lại thời sinh viên sơ tán trên rừng Lạng Sơn vào năm 1966, dù viết bằng bút máy song chỉ vài tháng là ngòi cùn phải thay, tội đồ chính là loại giấy nứa nâu xỉn, thô ráp mà mỗi sinh viên một năm chỉ được mua mấy tập.

Hóa ra câu “Ngòi bút càng mài càng sắc” không phải lúc nào cũng đúng và câu “Có công mài sắt có ngày nên … dùi” lại không phải để cười.

Hơn chục năm trước, cầm sổ hưu sau mấy chục năm mài phấn trên giảng đường đại học với mức lương hưu tương đương cấp bậc đại úy, không biết buôn chổi đót, xe đạp, lại cũng không thể “làm thối móng tay” để kiếm cái biệt thự. Cũng không dám khoe cái học vị tiến sĩ Tây cấp để kiếm suất “Hội đồng” bởi sợ bị nhầm.

Có người khuyên thất thập cổ lai hy thì mọi thứ nên bỏ đi 50%, “cờ bạc, rượu chè, trai gái, ăn nhậu” cứ bỏ đi nửa trước, giữ lại nửa sau là OK.

Biết là lời khuyên rất hay song khó theo quá, thế là đành phải nghĩ đến chuyện buôn văn bán chữ bù cho khoản trà rượu, lương hưu để bà lão lo cho khoản cơm cháo.  

Học kinh nghiệm của mấy cô cậu học lực loại xoàng thi đại học chắc chắn trượt nên đăng ký thi vào Y Khoa, Bách Khoa,… Nếu sau này trượt bố mẹ cũng vớt vát chút sĩ diện vì con thi vào trường danh tiếng chứ không phải … Sư phạm.

Thế là liều gửi bài cho chuyên mục Tuần Việt Nam của Vietnamnet.vn, không ngờ được đăng. Lâu dần được một nhà báo kỳ cựu bên ấy đánh giá là “Cộng tác viên thân thiết của Tuần Việt Nam”. [3]

Mấy năm sau, thói “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung” khiến một số bài trượt từ vòng gửi xe nên giật mình, vừa lúc được ông bạn Trưởng ban bên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam rủ rê nghe bùi tai, thế là viết cho Giáo dục.

Bài cho báo Giáo dục thì phải viết về giáo dục, nhưng khổ nỗi thói “ngồi đáy giếng” đã ngấm vào … bàn phím nên mấy “ông trùm” bên tòa soạn dúi cho vào Góc … nhìn.

Đã chui vào “góc” mà lại cố “nhìn” nên mỏi đầu, mỏi cổ, hoa mắt, chóng mặt, không ít khi ba bốn ngày chỉ “nặn” được vài dòng.

Có lẽ đoán được khó khăn của chuyện mài sắt thành … dùi nên thi thoảng ông Tổng, ông Phó chuyển cho cái tin nhắn “ngon lành”, viết ù một ngày là xong.

Có điều, mấy ông không quên nhắn nhủ: “Ông trẻ ạ, phương châm là sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương các bậc tiền bối vĩ đại. Thế nên muốn chiến đấu thì phải sống cái đã, ngoẻo rồi thì chiến cái nỗi gì”.

Gần đây, chợt nhận thấy dù bánh có nhân hay bánh chay thì vẫn có một số bạn đọc ưu ái, vẫn gửi cho những cái “còm” đầy khích lệ. Trong số ấy người viết luôn nhớ những bút hiệu như Nguyễn Phú Chiến, Phương Nguyễn, Đinh Văn Tỉnh, Lê Tuấn, Tô quốc Q, Khai Nguyên và nhiều bạn đọc khác.

Từ trái tim (chứ không phải từ “đáy lòng”) xin ghi nhận tình cảm của bạn đọc, nhân dịp năm mới chúc mọi người và gia quyến an bình, hạnh phúc.

Một trong những bài viết của tác giả Xuân Dương được rất nhiều độc giả quan tâm, bày tỏ sự yêu mến
Một trong những bài viết của tác giả Xuân Dương được rất nhiều độc giả quan tâm, bày tỏ sự yêu mến

“Ôn cũ cảm ơn mới” nên không thể không nói lời cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhờ tờ báo này mà bạn đọc biết đến Xuân Dương.

Có một bài trên Giaoduc.net.vn từ năm 2016 đến cuối năm 2019 tòa soạn vẫn đăng bình luận của độc giả. Trong số 300 bình luận, bạn đọc Thiện Ngôn viết thế này:

“Trong tất cả các báo nhà nước mà tôi đã xem, chỉ có báo Giáo dục mới thực sự mạnh dạn nói lên những gì mà người dân mong muốn, góp ý và xây dựng cho xã hội phát triển tích cực hơn, giúp người dân nhận thức rõ hơn và nhất là thể hiện sức mạnh của ngòi bút sẵn sàng chiến đấu trước mọi bất công tiêu cực làm băng hoại xã hội cũng như truyền thống đấu tranh của dân tộc”. [4]

Lại có một “còm” của bạn Van Nam đăng ngày 26/07/2016  khiến người đọc vừa cảm động, vừa … bật cười:

“Bài viết hay đọc mà như có máu rỉ ở trong tim, mọi người ơi, có nghe Xuân Dương nói gì ko, huhu”. [4]

Không biết tới đây, cái góc nhỏ ấm áp trong “Góc nhìn” mà Giáo dục Việt Nam dành Xuân Dương sẽ thay đổi thế nào?.

Hy vọng chiếc bàn phím trên chiếc máy cổ lỗ vẫn còn được dùng thêm nhiều năm nữa dù tìm mãi vẫn chưa biết cách nâng cấp miễn phí Hệ điều hành.

Ngòi bút có thể uốn nhưng bàn phím thì không, nhất là với những người không trẻ, nếu cứ cố chấp thế liệu bạn đọc có thông cảm?

Đón năm Chuột Vàng, xin kính bạn đọc và tòa báo một ly “Quốc lủi”.

             Ngày 26 tháng Chạp năm Mậu Kỷ - Xuân Dương

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con_d%C3%AA_trong_v%C4%83n_h%C3%B3a

[2]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/quy-hoach-bao-chi-suy-nghi-cua-nguoi-khong-phai-nha-bao-1-post204748.gd

[3] https://kimdunghn.wordpress.com/2014/07/21/may-ao-vong/

[4] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/nhan-dien-nhom-loi-ich-ban-nuoc-hai-dan-post169682.gd

Xuân Dương