Dẫu vật đổi sao dời, dẫu câu thơ “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” không còn là nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền thì câu “Vui như Tết” vẫn giữ nguyên giá trị.
Tết này vui bởi đất nước đã vượt qua một năm đầy thử thách, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%; Đội ngũ lãnh đạo đã cho thấy sự năng động trong chỉ đạo điều hành;
Các doanh nghiệp tư nhân đã có vị trí vững chắc trong nền kinh tế, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các vị lãnh đạo cấp cao nhất.
Ví dụ điển hình là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều đã đến thăm nhà máy sản xuất ô tô Vinfast,…
Sau hội nghị APEC tổ chức thành công tại Đà Nẵng cuối năm 2017, năm 2018, Việt Nam phối hợp cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF - World Economic Forum) tổ chức thành công Hội nghị WEF - ASEAN tại Hà Nội từ ngày 12-13/9/2018.
Chủ đề chính của Diễn đàn “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” cho thấy lãnh đạo Việt Nam và các nước ASEAN đã quan tâm thế nào đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Không phải ngẫu nhiên cha ông chúng ta khẳng định: “Có thực mới vực được đạo”, có một nền kinh tế mạnh mới tạo cơ hội cho dân chúng an cư, lạc nghiệp, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân vào ban lãnh đạo.
Chỉ một nền kinh tế mạnh mới đủ ngân sách chi cho quốc phòng, tạo uy lực răn đe, đưa ra được lời cảnh báo đanh thép cho các mưu đồ gặm nhấm biên cương, hải đảo.
Dù chưa có thông tin chính thức, dư luận quốc tế cho rằng trong năm 2019, Việt Nam sẽ là địa điểm lý tưởng cho cuộc gặp Trump – Kim lần thứ hai,…
Có thể khẳng định chưa bao giờ vị thế chính trị của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế như trong hai năm qua, đặc biệt là năm 2018.
Thể thao văn hóa cũng là lĩnh vực gặt hái nhiều thành công, Hoa hậu Việt Nam H’hen Niê tuy chỉ giành vị trí thứ 5 trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ quốc tế nhưng lại là người được cả thế giới yêu mến, được bình chọn là người đứng đầu danh sách Top 10 nhan sắc vượt thời gian trong cuộc bình chọn thường niên (từ năm 2004) do trang web chuyên về sắc đẹp Missosology tổ chức.
Môn bóng đá nam cho thấy dù tầm vóc, thể lực hạn chế song quyết tâm của lứa cầu thủ trẻ được đào tạo trong nước và vị huấn luyện viên Hàn Quốc thật đáng khen ngợi.
Giành chức vô địch AFF Suzuki Cup, là đội cuối cùng giành vé vào vòng 1/8 Asian Cup song tuyển Việt Nam lại là đội đầu tiên giành quyền vào vòng tứ kết.
Tuy dừng bước trước Nhật Bản song các chàng trai của chúng ta đã khiến thế giới phải thay đổi cách nhìn về bóng đá, về ý chí quyết tâm của con người Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình AFC giới thiệu đội tuyển Việt Nam. |
Thế giới sử dụng cụm từ “4 con rồng châu Á” gồm Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan để nói đến sự phát triển kinh tế thần kỳ của các quốc gia và vùng lãnh thổ này.
Trong video giới thiệu 24 đội tuyển tham dự Asian Cup 2019, mỗi đội bóng đều xuất hiện kèm theo biệt danh riêng. Đội tuyển Việt Nam được Liên đoàn bóng đã châu Á đặt biệt danh “Rồng vàng” (Golden Dragons).
Hy vọng tương lai không xa, “Rồng vàng” sẽ là cái tên thứ 5 trong danh mục “5 con rồng châu Á” về chính trị, kinh tế, ngoại giao…
Cùng với đồng bào cả nước, hơn 1.000 Việt kiều trên khắp thế giới – đại diện cho hơn 4 triệu Việt kiều đang sinh sống tại nước ngoài đã về dự cuộc gặp mặt “Xuân Quê hương 2019”. Đây là chương trình do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Khi xã hội và kinh tế ổn định, khi niềm vui nâng cánh, người Việt có thể làm được những điều khiến thế giới thán phục.
Đón xuân Canh Tý - 1961, Tố Hữu viết:
“Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau…”
Đón xuân 2019 này người Việt có suy nghĩ khác so với gần 60 năm trước.
Năm 2018 không phải là “đỉnh cao muôn trượng”, không phải là điểm cực đại trong biểu đồ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để từ đó nhìn ra bốn hướng, đơn giản đó chỉ là một cột mốc trên con đường đưa Tổ quốc Việt Nam tới hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Phía trước vẫn là núi cao, vực thẳm, vẫn là những thế lực mong muốn làm cho nước Việt yếu về kinh tế, quốc phòng, làm cho sức khỏe người Việt suy giảm, làm cho khối đoàn kết toàn dân trở nên mong manh nhằm phục vụ các mưu đồ địa chính trị, nhằm ngôi vị bá chủ khu vực và thế giới.
Con đường đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế hiện đại, văn hóa, khoa học tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này khác xa con đường mấy chục năm trước.
Đó không phải là con đường dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô, nhân công rẻ và vốn đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào trí tuệ, sự tự tin, nội lực của chính mình.
Những thành tựu trong quá khứ không thể đảm bảo thành công cho tương lai nếu người Việt vẫn giữ lối tư duy cũ.
Chúng ta đang đặt những bước chân đầu tiên cho một chu kỳ phát triển mới và nhiệm vụ cốt lõi trong chu kỳ này là làm trong sạch hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, xóa bỏ những yếu kém về quản trị đất nước, đổi mới đồng bộ cả thể chế chính trị và kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”,…
Giữ vai trò quyết định sự thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc là lấy lại niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách, vào cá nhân từng vị lãnh đạo.
Một khi dân tin vào công cuộc đổi mới (thể chế chính trị và kinh tế), vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trước đây nhiều bài viết, ý kiến về “Đổi mới thể chế kinh tế” đã được đăng tải song vẫn có sự dè dặt khi nói tới “Đổi mới thể chế chính trị”.
Gần đây tình hình đã thay đổi đáng kể, nhiều bài viết liên quan đến “Đổi mới thể chế chính trị” đã được đăng tải, chẳng hạn:
“Quyết tâm đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” [1]; “Quan điểm của Đảng về xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị trong thời kỳ đổi mới”;… [2]
Bài viết “Tiếp tục đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế” trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân có đoạn:
“Chất lượng của thể chế được đánh giá bằng hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, chất lượng của chính sách, pháp luật và thực thi trong đời sống xã hội, bảo đảm quyền tham gia trực tiếp và thực chất của người dân vào quản trị sự phát triển kinh tế - xã hội và khả năng kiểm soát tham nhũng…
Chính là thể chế kinh tế và thể chế chính trị do con người tạo ra là nguyên nhân căn bản cho sự thành công (hay không thành công) về kinh tế và xã hội”. [3]
Khẳng định “Thể chế kinh tế và thể chế chính là nguyên nhân căn bản cho sự thành công (hay không thành công) về kinh tế và xã hội” và phải tiếp tục “đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế” là bước đột phá lớn về nhận thức dẫn đến những thay đổi trong chỉ đạo của ban lãnh đạo sau Đại hội 12 của Đảng.
Năm 2019 - năm bứt phá và phương châm hành động của Chính phủ |
Đúng như một bài viết trên Vietnamnet.vn nhận định: “Đột phá về thể chế là thay đổi nội dung, nội hàm chứ không phải chỉ thay đổi hình thức, trình tự, thủ tục”. [4]
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích tư nhân đầu tư, bãi bỏ nhiều thủ tục “hành là chính” là những thay đổi mang tính cách mạng trong thể chế kinh tế.
Không khó để thấy nền kinh tế Việt Nam dù theo định hướng xã hội chủ nghĩa song lại tiệm cận một cách toàn diện với kinh tế thị trường hơn bao giờ hết.
Chính phủ đang giảm bớt vai trò sản xuất, kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý nhà nước.
Đổi mới thể chế kinh tế đã thay đổi tận gốc nền kinh tế tập trung, bao cấp, lạc hậu, đã mang lại động lực phát triển cho đất nước, được thế giới ghi nhận.
Nhờ đổi mới thể chế kinh tế đời sống vật chất của người Việt so với trước đổi mới (chính thức từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6, năm 1986) đã khác rất nhiều.
Tivi, tủ lạnh không còn là mơ ước xa vời của mỗi gia đình người Việt như có lúc cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng phát biểu.
Câu thành ngữ “Có thực mới vực được đạo” có thể tạm coi là đã đạt một nửa, tức là “có thực” vậy phải chăng bây giờ là lúc cần phải nói về “đạo”?
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng trăn trở với câu hỏi:
“Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”. [5]
Nguyên nhân nào khiến người đứng đầu Đảng, Nhà nước phải nêu câu hỏi này?
“Cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. [6]
Nhận diện được nguyên nhân đe dọa sự tồn vong của thể chế đã khó, khắc phục những yếu kém khó hơn gấp nhiều lần.
Khó đầu tiên là “đội ngũ tiên phong” nhiều nhưng chưa “tinh”, điều này đã được tổng kết trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản:
“Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên còn một số mặt yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới”. [7]
Thành công hay thất bại của công cuộc đổi mới nằm ở công tác cán bộ, nhìn vào đội ngũ kế cận sẽ biết người đứng đầu tài năng, liêm chính hay vẫn bị vòng kim cô “nhóm lợi ích” khống chế.
Bất kỳ đội ngũ lãnh đạo nào, bất kỳ thể chế chính trị nào nếu thỏa mãn tiêu chí “Của dân, do dân, vì dân” sẽ là hợp quy luật, hợp lòng người và sẽ được dân tin yêu, bảo vệ.
Những gì diễn ra trong năm 2018 tuy chưa đáp ứng mong hỏi của người dân cả nước song đó là tiền đề để chúng ta tin tưởng, rằng ban lãnh đạo đất nước đã nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của mình với quốc gia, dân tộc, rằng nước Việt chúng ta “Hào kiệt đời nào cũng có”.
Chào xuân mới, xin mời bạn đọc giải mã câu đối “lai căng” sau:
Son Sơn Tân Tuấn Thiện, Ba Nhường Mạ Thái Lai
Hoàng Hóa Cự Cang Cường, Vĩnh Nghĩa Hòa Tấn Tài
Hà Nội, Xuân Kỷ Hợi – 2019
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/38514302-quyet-tam-doi-moi-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri.html
[2]http://tcnn.vn/news/detail/39289/Quan_diem_cua_Dang_ve_xay_dung_hoan_thien_the_che_chinh_tri_trong_thoi_ky_doi_moiall.html
[3]http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-thuc-hien-nghi-quyet/tiep-tuc-doi-moi-dong-bo-the-che-chinh-tri-va-the-che-kinh-te/8904.html
[4] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/dot-pha-the-che-can-dot-pha-ve-tu-duy-502876.html
[5]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/sao-song-phe-phon-khi-nguoi-dan-vat-va-muu-sinh-502784.html
[6]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nhung-canh-bao-som-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-485040.html
[7] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2008/723/Nang-cao-nang-luc-lanh-dao-suc-chien-dau-cua-to-chuc.aspx