Lớp 8 GV nói có thể "cố" dạy tích hợp 3 môn, nhưng lớp 9 thì rất khó

19/12/2022 06:33
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho GV vừa dạy vừa học lẫn nhau, trường vẫn không tự tin để dạy tích hợp với kiến thức lớp 8,9.

Giáo viên phải biết 10, thậm chí biết 20, biết 100... dạy 1

Mới đây, tại Hội nghị Đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 diễn ra ngày 13/12, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ nhiều vấn đề khó khăn đã gặp phải.

Trong đó, có vấn đề liên quan đến giáo viên môn tích hợp, tình trạng thực tế tại các trường, hầu hết giáo viên hiện đều không được đào tạo chuyên sâu. Đặc biệt môn Khoa học tự nhiên nếu không được đào tạo chuyên sâu sẽ không dạy được.

“Chẳng hạn, các giáo viên gốc Lý, Sinh, Hoá có thể dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6,7 bởi đây là giai đoạn dạy hiện tượng nhưng lên lớp 8,9 các em sẽ học về bản chất thì chúng tôi rất lo” - một Giám đốc Sở trăn trở.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Hoàng Thu Trinh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Nhà trường cử giáo viên đi học chứng chỉ Khoa học tự nhiên, có thể dạy cho học sinh khối 6 và khối 7, còn đối với học sinh khối 8 và khối 9, có lẽ vẫn phải để 3 giáo viên của từng phân môn dạy đúng chuyên môn của mình chứ chưa thể tích hợp được.

Cô giáo Hoàng Thu Trinh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).

Cô giáo Hoàng Thu Trinh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).

Như năm học 2022-2023 hiện tại, nhà trường vẫn phân công một thầy cô có thể dạy tích hợp 3 môn, song song với đó, vừa dạy học sinh, vừa trao đổi và bồi dưỡng chuyên môn cho nhau. Bởi, kiến thức của các phân môn cũng ngày một khó lên, nên sẽ có những khó khăn nhất định, thời gian đầu tư cho một bài giảng sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường”.

“Qua một năm, các thầy cô đã dạy khối 6 từ năm học trước cũng có kinh nghiệm hơn, cũng tự tin hơn, tuy nhiên, đồng thời, các thầy cô cũng phải tiếp cận thêm với kiến thức của khối 7, nên cũng khá vất vả.

Và đối với việc giáo viên của các phân môn riêng lẻ tự đào tạo, bồi dưỡng lẫn nhau như hiện nay, tôi cho rằng chỉ có thể thực hiện được ở khối 6, khối 7. Vì đối với lớp 6, kiến thức “nhẹ” hơn và gần với thực tế hơn nên các thầy cô còn bồi dưỡng được cho nhau, nhưng lên đến lớp là kiến thức cũng đã khó hơn rồi.

Còn từ khối 8 trở đi, tôi cho rằng kiến thức “nặng” hơn rất nhiều, không thể “dạy chéo” phân môn được. Kiến thức của cả 3 phân môn Lý - Hóa - Sinh của khối 8,9 đều khó, giáo viên không chuyên ngành không thể dạy được, vì kiến thức rất sâu. Các thầy cô phải có bằng cử nhân Lý - Hóa - Sinh thì mới có thể đáp ứng được, chứ nếu chỉ là các thầy cô đang dạy theo chương trình cũ này, đưa đi bồi dưỡng vài tháng về cũng không thể dạy được. Giáo viên phải biết 10, thậm chí biết 20, biết 100, mà dạy 1 thì mới được, chứ nếu chỉ tập huấn mà dạy thì không được.

Vậy nên, năm tới, có lẽ nhà trường vẫn phải giữ nguyên phương án 3 giáo viên dạy chung một môn tích hợp” - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa chia sẻ thêm.

Năm học 2022-2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa là 52 người, trong đó, hợp đồng 23 giáo viên. “Giáo viên nhà trường hiện đang thiếu rất nhiều, nhưng không thấy được tuyển thêm giáo viên. Dự kiến năm tới, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến lớp 8, nhà trường cũng sẽ phải ký thêm hợp đồng, ít nhất là thêm 2 giáo viên cho môn tích hợp này” - vị Hiệu trưởng giãi bày.

Đánh giá về chất lượng học sinh năm học 2022-2023, cô giáo Hoàng Thu Trinh cho biết: “Kết quả bài thi giữa kỳ I vừa rồi cho thấy chất lượng không được tốt như các năm trước. Một phần vì cả thầy cô, nhà trường phải thích ứng với “cái mới”, một phần vì lứa học sinh này đã có 2 năm phải học online nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên nền tảng kiến thức ở bậc tiểu học không được tốt như mọi năm”.

Giáo viên tự nghiên cứu bồi dưỡng là rất quan trọng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi mời các chuyên gia viết sách về để đào tạo cho đội ngũ giáo viên tích hợp của nhà trường. Chuyên gia cũng nói rằng, đối với lớp 6,7,8 thì có thể dạy được, nhưng với kiến thức lớp 9 thì quả thực cũng hơi chuyên sâu, lại phải tách ra để dạy riêng, tức là vẫn có 3 giáo viên dạy một môn tích hợp. Nhưng nếu làm như vậy sẽ lại không đúng tinh thần ban đầu của môn tích hợp.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương. Ảnh: Website trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương. Ảnh: Website trường.

Rất may, quận Hoàn Kiếm đã “đi trước, đón đầu”, mời giảng viên từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và mở lớp đào tạo chứng chỉ cho tất cả giáo viên dạy tích hợp trên toàn quận. Từ cuối tháng 8, đội ngũ giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý đều đi học vào các buổi chiều thứ Năm, chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ nhật. Trường Trung học cơ sở Chương Dương có 7 giáo viên Khoa học tự nhiên và 5 giáo viên Lịch sử và Địa lý đi học.

Nhà trường tạo điều kiện cho các thầy cô, không xếp tiết vào các buổi đó, để các thầy cô đi học. Dự kiến, khoảng 2 tháng nữa sẽ kết thúc khóa học.

Bởi vì, để “đón” kiến thức của lớp 8 sang năm học tới triển khai sẽ rất khó, nên phải chuẩn bị đội ngũ từ năm nay”.

“Về cơ bản, chất lượng ở thời điểm hiện tại là ổn. Bản chất một giáo viên dạy Hóa chẳng hạn, đã thi vào trường bằng các môn Toán - Hóa - Sinh, có nghĩa là bây giờ môn yếu nhất là Lý, thì nhà trường tổ chức cho các thầy cô tự dạy lẫn nhau, đào tạo nhau vào mùa Hè, “học thầy không tày học bạn”. Chúng tôi chia nhóm nhỏ để kèm nhau. Mặc dù còn có khó khăn, nhưng đến chương trình lớp 7 thì vẫn có thể dạy được” - cô Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ.

Nữ Hiệu trưởng cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, khi chưa có đội ngũ giáo viên tích hợp được đào tạo chính quy ngay từ đầu, thì giáo viên tự học hỏi lẫn nhau, tự bồi dưỡng để dạy là cần thiết.

“Giáo viên cũng đừng tự “làm khó” mình quá. Giáo viên đều sẽ mong mình phải biết 10 dạy 1, nhưng ở trong bối cảnh này, nếu mình biết 5, thì cũng có thể chia sẻ, rồi qua thời gian tích lũy từng năm, từng năm để đúc kết và bổ sung thêm... Tất nhiên, cũng không thể dạy chuyên sâu được như giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Chương Dương đi học chuyên môn Khoa học tự nhiên vào chiều thứ Năm, chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật hằng tuần để đáp ứng môn tích hợp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Chương Dương đi học chuyên môn Khoa học tự nhiên vào chiều thứ Năm, chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật hằng tuần để đáp ứng môn tích hợp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, các thầy cô dạy môn tích hợp của nhà trường cũng có phản ánh rằng có gặp khó khăn vì vừa dạy vừa học, nhưng vẫn có thể đáp ứng được. Còn đối với chương trình lớp 8, lớp 9, thì giáo viên cũng đã xem và nói rằng rất khó, nên bây giờ cần thiết nhất là quá trình tự đào tạo của giáo viên. Sau khóa học 6 tháng được cấp chứng chỉ, tôi cho rằng, nếu bản thân giáo viên thực sự để tâm, quyết tâm nghiên cứu để dạy, thì với kiến thức lớp 8, thầy cô vẫn có thể “cố” được. Còn với lớp 9, thì có lẽ sắp tới, nhà trường vẫn phải tách riêng để dạy” - vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương cũng chỉ ra: “Có một vấn đề là có thể giáo viên đang tự đặt cho mình một mục tiêu quá cao. Ở một số trường chuyên, những trường có học sinh giỏi, giáo viên chuyên môn này ngại dạy kiến thức môn khác là vì có thể có những kiến thức mà họ không chuyên sâu, mà học sinh hỏi đến, họ không biết phải giải đáp như thế nào, nên thầy cô sợ cảm giác không giải thích được hết các vấn đề một cách cặn kẽ, tường tận... Theo tôi, đây cũng là một tâm lý đúng”.

Mộc Trà