Năm thứ 2 triển khai môn tích hợp: tổ chức dạy, kiểm tra, đánh giá vẫn lúng túng

08/12/2022 06:38
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, triển khai kiểm tra đánh giá môn tích hợp chồng chéo khiến nhiều thầy cô băn khoăn.

Năm học 2022-2023 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 và lớp 7 (cấp trung học cơ sở). Các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đang gây nhiều băn khoăn, lúng túng đối với nhiều thầy cô.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Vũ Văn Thiệu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Đắk Lắk) cho biết, vì chưa có giáo viên tích hợp nên với môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý, trường tổ chức 2-3 thầy cô cùng dạy.

“Với các môn tích hợp, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi tiến hành dạy học song song. Vì vậy, việc sắp xếp thời khóa biểu rất phức tạp, 1 tuần thay đổi 1 lần. Về vấn đề kiểm tra, đánh giá các môn tích hợp cũng trải qua nhiều khâu, nhiều bước. 2-3 thầy cô cùng tham gia thực hiện một đề rồi 2-3 thầy cô cùng chấm và tiến hành nhập điểm. Chính vì vậy, để công tác này được diễn ra thuận lợi nhất, các tổ chuyên môn thường xuyên phải họp để thống nhất.

Học sinh nhà trường có tới 98,6% là người dân tộc thiểu số nên khi tiến hành áp dụng chương trình tích hợp, kiến thức nặng hơn, nhiều khi học sinh tiếp thu còn chậm”, thầy Thiệu nói.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Cùng bàn về việc tổ chức môn tích hợp, thầy Nguyễn Văn Trinh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ea HNin (Đắk Lắk) cho rằng, dù chưa phù hợp với tinh thần đổi mới, tuy nhiên, do điều kiện các trường chưa có giáo viên tích hợp nên bắt buộc phải tổ chức giảng dạy (2-3 giáo viên một môn) như vậy.

Là lãnh đạo nhà trường, thầy Trinh không ít lần nghe các giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trao đổi về những khó khăn của bộ môn. 2-3 thầy cô cùng dạy không tránh khỏi sự chồng chéo, lúng túng trong tổ chức.

Công tác kiểm tra, đánh giá cũng hết sức khó khăn vì là một môn học tích hợp nên chỉ có số lượng điểm giới hạn từng phân môn. Vì vậy, việc phân công giáo viên phụ trách đầu điểm như thế nào để thể hiện đúng nhất năng lực của học sinh là vấn đề các thầy cô giảng dạy bộ môn tích hợp luôn băn khoăn.

Ví dụ, một học sinh làm bài kiểm tra chỉ hoàn thành những câu hỏi của 2 môn, còn 1 môn không làm được thì lúc đó tiến hành đánh giá toàn diện như thế nào”, thầy Trinh thắc mắc.

Chưa kể, trang thiết bị phục vụ chương trình mới môn tích hợp chưa đảm bảo và chưa được cấp đủ. Vì vậy, gây hạn chế trong việc các em thực hành, đặc biệt ở bộ môn Khoa học tự nhiên.

Là người trực tiếp giảng dạy phân môn Hóa học trong bộ môn Khoa học tự nhiên, đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên (Trường Trung học cơ sở Lê Đình Trinh, Đắk Lắk), cô Nguyễn Thị Hường nhận xét, tổ chức môn học này thuận lợi thì ít mà khó khăn thì nhiều.

Thứ nhất, kiến thức của chương trình nặng so với các em học sinh tầm tuổi lớp 6, lớp 7. Cụ thể, bài “Sơ lược bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học” là kiến thức của lớp 9 chương trình cũ; bài “Liên kết hóa học” là kiến thức của lớp 10. Tuy nhiên, hiện nay, các bài này được đưa xuống để dạy cho học sinh lớp 7.

Thứ hai, Trường Trung học cơ sở Lê Đình Trinh tổ chức dạy các môn tích hợp theo kiểu song song. Tức là, một tuần có 3 tiết chia ra Vật lý 1 tiết, Hóa học 1 tiết, Sinh học 1 tiết.

“Tôi lấy ví dụ, bài “Sơ lược bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học” phải học trong 6-7 tiết (tương đương học trong 6-7 tuần).

Bị ngắt quãng như vậy, học sinh dễ quên kiến thức nên giáo viên dạy phân môn Hóa thường xuyên phải ôn lại kiến thức cũ cho học sinh dù vẫn chỉ trong một bài. Chưa kể, tổ chức dạy song song thay đổi thời khóa biểu liên tục khiến học sinh nhiều khi bị rối”, cô Hường cho hay.

Thứ ba, giáo viên mất nhiều thời gian thiết kế đề kiểm tra. Đề kiểm tra bao gồm kiến thức của cả 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nên các thầy cô phụ trách từng phân môn đều phải cùng ra đề. Tùy vào khối lượng kiến thức học sinh đã được học để phân thành tỷ lệ phần trăm câu hỏi của từng phân môn. Dù chỉ chiếm một phần trong bài kiểm tra nhưng mỗi thầy cô đều phải tính toán xây dựng ma trận đề làm sao để lượng kiến thức từng môn có đủ các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Thứ tư, giáo viên gặp khó trong công tác chấm điểm, 3 thầy cô cùng chấm nhiều lúc bất đồng quan điểm.

Thường thì, các giáo viên sẽ có sẵn đáp án chấm mà chỉ cần căn cứ vào đó thì một giáo viên cũng có thể chấm cả bài làm của học sinh. Vì vậy, sau khi tổ chức kiểm tra xong, nhà trường sẽ chia lớp cho các thầy cô phụ trách chấm. Điều này tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa các khâu nhưng cũng gặp hạn chế nhất định.

Cụ thể, giáo viên chấm chỉ có kiến thức chuyên sâu một phân môn vì vậy khi chấm những câu trả lời của 2 phân môn còn lại không thể linh động được mà chỉ có thể chấm cứng nhắc theo đáp án sẵn có.

“Trường Trung học cơ sở Lê Đình Trinh vừa tiến hành cho học sinh kiểm tra giữa học kỳ 1. Sau khi hoàn thành khâu chấm và nhập điểm trên hệ thống, tôi thấy rằng phổ điểm của các em học sinh cả khối 6 và khối 7 đều chưa đạt được kết quả như mong muốn. Phổ điểm rơi vào trung bình khá; điểm giỏi, điểm xuất sắc rất ít.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cải thiện chất lượng học sinh, tôi mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho giáo viên, cung cấp đầy đủ trang thiết bị bộ môn để học sinh được thực hành”, cô Hương nói.

Anh Trang