"Lọt" báo cáo thanh tra SCB không đúng có trách nhiệm lãnh đạo NHNN giai đoạn đó

23/11/2023 10:06
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo LS Phan Xuân Xiểm, không quản lý tốt con người và nhiệm vụ được giao, đơn vị phải chịu trách nhiệm, vì nếu giám sát chặt chẽ, không thể xảy ra sai phạm.

Vụ án Vạn Thịnh Phát hiện đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, trong số 86 bị can của vụ án có 13 bị can từng là cán bộ và lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố.

Cơ quan điều tra cũng chỉ ra, toàn bộ đoàn thanh tra liên ngành bị mua chuộc để bưng bít “làm ngơ” cho sai phạm của Ngân hàng SCB. Đáng nói, Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Ngoài ra, các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của Ngân hàng SCB, người nhận ít nhất là hơn 100 triệu đồng và người nhận nhiều nhất 8,7 tỷ đồng. [1]

Nếu làm hết trách nhiệm, sai phạm sẽ được phát hiện sớm, giảm bớt hậu quả

Liên quan đến vụ án trên, Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Dù là cá nhân nhận hối lộ, thì vẫn thường gắn với các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng... Để những sai phạm, tiêu cực như vậy xảy ra, không thể không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý. Ở đây, rõ ràng là chuyện buông lỏng quản lý trong vấn đề kiểm tra, giám sát những hành vi thực hiện nhiệm vụ của cá nhân sai phạm”.

Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: T.P.

Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: T.P.

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng phân tích thêm: “Với số tiền 5,2 triệu USD, tương đương hơn 118 tỷ đồng, hoàn toàn không phải một số tiền nhỏ. Với một số tiền khổng lồ như vậy, chi tiêu chắc chắn cũng phải có bộc lộ qua mặt này, mặt khác, chẳng lẽ lại không có dấu hiệu, biểu hiện gì.

Tôi tin chắc, nếu cơ quan, tổ chức sát sao với cán bộ, đảng viên của mình, kiểm soát thật chặt chẽ, cũng sẽ phát hiện kịp thời và đặt dấu hỏi, tiến hành kiểm tra đối với cá nhân này. Để cán bộ, đảng viên của mình sai phạm nghiêm trọng như vậy, sau một thời gian khá dài mới phát hiện ra, rõ ràng, tổ chức đã có sự buông lỏng quản lý. Việc kiểm tra, giám sát nội bộ đối với cán bộ trong hệ thống chưa được làm một cách chuẩn chỉnh.

Vì vậy, dư luận hoàn toàn có thể nghi vấn tại sao sai phạm này tồn tại như vậy, mãi không phát hiện được.

Một dấu hỏi về việc giám sát, thanh kiểm tra nội bộ cũng được đặt ra: Báo cáo với nhiều thông tin sai như vậy mà trình duyệt các cấp không ai phát hiện? Tổ chức có trách nhiệm đã một là thờ ơ, hai là chuyên môn kém hay có gì khác nên mới để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy. Đơn vị không tránh khỏi trách nhiệm to lớn khi không quản lý tốt con người, không quản lý chặt chẽ công việc, nhiệm vụ được giao. Theo tôi, tất cả các quy định đều đầy đủ, nếu làm hết trách nhiệm thì không thể xảy ra tình trạng như thế”.

Phải làm rõ, xử lý trách nhiệm đến nơi đến chốn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm: “Nhiều người và cá nhân tôi quan tâm đến trách nhiệm liên quan của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giai đoạn đó ra sao. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, bởi vì cán bộ, công chức của mình nhận hối lộ lớn như thế, tình hình như vậy mà không biết, không phát hiện, không ngăn chặn, rõ ràng là có nhiều vấn đề người ta sẽ đặt dấu hỏi, nghi vấn.

Bộ phận thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước được quản lý rất chặt chẽ, để lọt "báo cáo" không đúng như vậy là do đâu?”.

Ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vnÔng Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

“Theo tôi, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giai đoạn đó cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không chỉ riêng những người liên quan đến công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, vụ việc đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng: Một là nhân viên nhận hối lộ quá lớn, hai là gây ra hậu quả cực kỳ lớn thì người đứng đầu giai đoạn đó phải chịu trách nhiệm. Và trách nhiệm đó đến đâu, cũng phải xử lý thật rõ ràng. Tôi tin các cơ quan chức năng sẽ làm rõ” - ông nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cũng bày tỏ: “Vụ án này thực tế tác động rất xấu về mặt xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều người, hậu quả rất lớn.

Vì sao lại có một ngân hàng mang “bệnh” như thế mà vẫn tồn tại được, để đến khi không còn che chắn được nữa thì như “ong vỡ tổ”, mới thấy được hậu quả? Ở đây, phải xem xét rất rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp”.

Ông Trần Ngọc Vinh - đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: N.Q.

Ông Trần Ngọc Vinh - đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. Ảnh: N.Q.

“Thực tế, ngành Ngân hàng thời gian vừa qua đã làm tốt nhiều việc, trong đó điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, qua vụ việc lần này, ngành Ngân hàng phải tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên trong toàn hệ thống.

Cần phải chấn chỉnh lại và quy trách nhiệm đến nơi đến chốn, lỗ hổng nào khiến một báo cáo thanh tra không trung thực có thể "lọt" khiến sai phạm của SCB không được ngăn chặn kịp thời” - ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Ngoài xem xét trách nhiệm hình sự, phải làm rõ các “lỗ hổng” trong công tác quản lý

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Có thể nói rằng vụ án xảy ra tại Tập đoàn vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB là vụ án kinh tế đặc biệt lớn. Điều đáng chú ý trong vụ án này là rất nhiều kỷ lục trong tố tụng hình sự bị xô đổ như số tài sản bị kê biên, phong tỏa, số tiền tham ô, số tiền nhận hối lộ, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội...

Tất cả những vấn đề này sẽ được làm rõ trong phiên tòa tới đây, sẽ xác định cụ thể trách nhiệm của từng bị cáo, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xác định trách nhiệm, vai trò của từng tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật...”.

Về phía trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Rõ ràng, để Ngân hàng SCB vi phạm pháp luật trong một thời gian dài có phần trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. Kết luận điều tra cũng chỉ ra rằng, đã có hành vi dung túng cho sai phạm, thậm chí một cá nhân nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD để bỏ qua sai phạm, khiến cho ngân hàng này tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà nước đối với ngân hàng thương mại.

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, tất cả các thành viên Đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đều có nhận tiền, nhận quà của doanh nghiệp này để bỏ qua sai phạm.

Chính vì hành vi vi phạm pháp luật của Đoàn thanh tra này nên Ngân hàng SCB vẫn tiếp tục hoạt động trái pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài các bị can đã bị đề nghị truy tố, kết luận điều tra cũng chỉ ra sai phạm của nhiều khâu, nhiều cấp, nhiều tổ chức cá nhân và kiến nghị với cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý tài chính trong lĩnh vực ngân hàng”.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Có thể nói rằng, vụ việc xảy ra đối với Ngân hàng SCB là bài học rất lớn cho công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng.

Cho dù vụ án này chưa có kết quả giải quyết cuối cùng, tuy nhiên, những nội dung đã được công khai qua kết luận điều tra trong những ngày qua cho thấy rằng, đã có những “lỗ hổng” trong công tác quản lý, có những cán bộ bị “mua chuộc” dẫn đến doanh nghiệp, ngân hàng thương mại cấu kết với nhau để thực hiện các hoạt động huy động vốn trái phép, sử dụng vốn trái phép, gây ra rủi ro cho nền kinh tế và cho nhiều tổ chức cá nhân.

Nếu những hành vi như thế này không được phát hiện kịp thời, không bị xử lý nghiêm minh, cán bộ tiếp tục bị mua chuộc, thì rõ ràng hậu quả đối với xã hội sẽ rất lớn, không biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Bởi vậy, ngoài việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong vụ án này thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm rõ các “lỗ hổng” trong công tác quản lý để kịp thời bổ sung, khắc phục để công tác quản lý về tài chính, tiền tệ, về ngân hàng được thực hiện tốt hơn, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Đối với các cán bộ được xác định là có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng cần xem xét xử lý kỷ luật ở mức nghiêm khắc để đó là bài học răn đe cảnh tỉnh với những người khác, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, giảm thiểu những rủi ro cho nền kinh tế và cho các tổ chức cá nhân trong hoạt động tín dụng” - vị luật sư phân tích.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/lo-hong-quan-ly-giam-sat-hoat-dong-cua-ngan-hang-trong-dai-an-van-thinh-phat-post661986.html

Thành An