Phó Thủ tướng nói: "Việc xây dựng, sửa đổi Luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tính ổn định, có "tuổi thọ dài" trước xu thế phát triển công nghệ hiện nay mà báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất".
Phó Thủ tướng đề nghị, ngay trong quá trình soạn thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông cần huy động sự tham gia của những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm.
“Có nhiều điểm trong luật, nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng về báo chí đã nói rất kỹ, vì vậy, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân cần phải xem công tác thực hiện thực tế đến đâu. Từ đó chủ động cung cấp thông tin cho báo chí đến tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua báo chí. Thái độ ứng xử nghiêm túc, đúng mực với các hành vi chưa đúng quy định pháp luật của cơ quan báo chí, hoặc chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng không có lợi”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sửa đổi Luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tính ổn định, có "tuổi thọ dài". |
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua không chỉ về số lượng, loại hình, đội ngũ người làm báo mà còn đưa được thông tin đến mọi nơi, cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển luôn có những bất cập cần phải tổng kết, đánh giá để khắc phục.
Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí 1999, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Bắc Son khẳng định báo chí đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu, là một trong những kênh truyền thông quan trọng của đời sống xã hội, là công cụ phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của các tầng lớp nhân dân, cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Qua hơn 15 năm thi hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập như chất lượng chưa tương xứng, chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.
Báo cáo của Bộ thông tin và Truyền thông cũng nhắc lại hiện tượng những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo điện tử, báo hình. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn. Không ít cơ quan chủ quản chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, dẫn đến buông lỏng, nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với báo thuộc quyền.