Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, nhiều người từng là cán bộ, nhân viên của Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM), thuộc Bộ Công thương có đơn tố cáo ông Nguyễn Đình Tùng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng đã có nhiều việc làm sai phạm trong thời gian qua.
Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp - Bộ Công thương. Ảnh: Phan Thiên |
Theo đơn tố cáo, trong thời gian 4 năm kể từ khi nhậm chức, ông Nguyễn Đình Tùng đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để “thanh trừng” 34 người là cán bộ nhân viên trong Viện.
Điều đáng buồn là những người bị ông Tùng “thanh trừng” đều là những người đã làm việc lâu năm, có kinh nhiệm và bằng cấp chuyên môn cao.
Chưa hết, những người có trình độ thâm niên làm việc 10 – 15 năm đang làm giám đốc trung tâm, trưởng và phó phòng (có bằng cấp thạc sĩ, kỹ sư) cũng đều bị cách chức, giáng chức không rõ lý do.
Đỉnh điểm của vụ việc là vào ngày 25/02/2014, ông Nguyễn Đình Tùng ký 1 quyết định cách chứng 5 “lãnh đạo” các phòng ban, trung tâm của Viện, quyết định cũng không nêu rõ lý do cách chức, không thành lập hội đồng kỷ luật và được đề nghị bởi "bà Phó phòng Tổng hợp".
Không dừng lại ở việc "trù dập", theo đơn tố cáo, sau khi buộc thôi việc những người cốt cán của Viện, ông Tùng liên tục bổ nhiệm một loạt nhân viên mới là con cháu, người thân quen của mình (chưa có kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn) vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Theo đơn tố cáo, có 11 người ông Tùng bổ nhiệm về Viện thì có tới 8 người là cháu ruột, cháu họ và người thân quen của ông Tùng.
05 lãnh đạo cấp phòng, trung tâm của Viện RIAM bị cách chức chỉ bằng 1 quyết định và theo đề nghị của bà Phó Phòng Tổng hợp (?!). |
Phân tích về sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích:
1.Về nguyên tắc xử lý kỷ luật lao động:
Theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức thì khi xử lý cán bộ công chức, viên chức, người lao động phải đảm bảo các nguyên tắc: Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu người vi phạm có nhiều hành vi vi phạm pháp luật hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và chịu hình thức kỷ luật năng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm phân tích về những sai phạm của Viện trưởng Viện RIAM. Ảnh: Duy Phong |
Đồng thời, xem xét đến thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật là căn cứ để tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.
Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của viên chức trong quá trình xử lý kỷ luật.
Như vậy, vụ việc diễn ra ở Viện RIAM, nếu cấp dưới không vi phạm mà Viện trưởng xử ký kỷ luật là tùy tiện, vi phạm pháp luật
2. Về trình tự thủ tục:
Dù người vi phạm là người lao động trong doanh nghiệp/cơ quan /tổ chức, là cán bộ công chức hay viên chức thì thì việc xử lý kỷ luật phải tuân theo trình tự thủ tục rất nghiêm ngặt.
Trong đó, phải thành lập hội đồng xử lý kỷ luật có các thành phần theo quy định và phải có sự tham gia bắt buộc của tổ chức Công Đoàn theo đúng quy định tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về trình tự xử lý kỷ luật lao động hoặc Nghị định số 27/2012/NĐ-CP Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức hoặc theo Luật cán bộ, công chức (tùy vào từng trường hợp, đối tượng bị xử lý kỷ luật).
Việc không thành lập hội đồng, tùy tiện, đơn phương nhân danh người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động ra quyết định xử lý là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cán bộ công chức, viên chức cần phải bị lên án và xử lý đích đáng theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Quyết định số 15/QĐ-RIAM-TH ngày 25/2/2014 do ông Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng ký thì không có nội dung thành lập hội đồng xử lý kỷ luật. Như vậy, việc ra quyết định cách chức là vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý nghiêm minh.
3. Về thời giờ làm việc:
Bộ luật lao động, Luật cán bộ công chức, Luật viên chức đều quy định rất cụ thể về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ lễ tết, ốm đau, thai sản, tai nạn.
Trong trường hợp làm thêm giờ thì phải có yêu cầu, thủ tục theo đúng quy định, việc bắt người lao động làm thêm giờ một cách tùy tiện, không trả công đối với thời gian làm thêm giờ là vi phạm pháp luật.
4. Việc bổ nhiệm người vào các vị trí quản lý, chức vụ đứng đầu phải căn cứ vào yêu cầu công việc, năng lực chuyên môn và theo quy định của cơ quan, đơn vị và các văn bản pháp luật có liên quan.
Danh sách 11 người được ông Tùng nhận về thì có 8 người là cháu ruột, cháu họ và người thân quen ông Tùng, Viện trưởng. |
Việc tùy tiền bổ nhiệm, sắp xếp người thân vào các vị trí quản lý của Viện trưởng RIAM… không căn cứ vào các nguyên tắc trên là lạm dụng, tùy tiện và có dấu hiệu trục lợi cần yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra làm rõ, nếu có có căn cứ xác định hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sau khi đăng bài Một Viện trưởng bị tố "thanh trừng" cấp dưới, "dọn ổ" cho người thân, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn khiếu nại của một số tổ chức, cá nhân tại Viện RIAM (những người ký đơn gồm: Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Công đoàn Hoa Xuân Tiến, Phó Bí thư Đoàn Thanh Niên Đặng Văn Bình, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Hoàng Văn Đôn và Trưởng ban Nữ công Nguyễn Thị Hoa). Nội dung đơn cho rằng, bài báo đã không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ báo chí về xử lý đơn thư bạn đọc, dẫn tới nội dung thông tin một chiều, không đúng bản chất sự thật… Vì vậy những người khiếu nại đề nghị gỡ bỏ thông tin không đúng sự thật. Tuy nhiên, những người khiếu nại lại chưa đưa ra được các bằng chứng vững chắc để phản bác lại những nội dung mà bài báo đã đăng. Thực tế cho thấy, việc ông ông Nguyễn Đình Tùng cách chức một loạt lãnh đạo các phòng, trung tâm không đúng quy trình; việc bổ nhiệm hàng loạt người thân, quen vào các vị trí của Viện; mê tín dị đoan; ép làm thêm giờ... đều là những việc có thật và những người viết đơn khiếu nại nêu trên đều không có bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Hơn nữa, bài báo nêu những sai phạm của cá nhân ông Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng nhưng bản thân ông này lại không có ý kiến (kể cả việc từ chối trả lời phỏng vấn phóng viên khi đến xác minh đơn thư) và những người "không liên quan" lại ký đơn khiếu nại là việc làm không đúng đối tượng. |