Thảo luận về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá, dường như ở một số vấn đề quan trọng chưa chạm được vào bản chất của vấn đề và chưa có được những biện pháp xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.
Chờ thông tư hơn… chờ luật
Theo ông Vũ Tiến Lộc, luật hiện hành không có giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản, khiến cho người soạn thảo giống như “đẽo cày giữa đường”, không biết kiên định đường hướng nào.
Ông Lộc phân tích, thực tế cho thấy, một số văn bản được ban hành mà không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn đến những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản. Ví dụ như một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe của người lái xe.
"Dự thảo đã chú ý đến việc này, thông qua việc đưa nội dung chính sách thành một nội dung chính xuyên suốt quá trình xây dựng văn bản pháp luật, tuy nhiên không có chỗ nào trong dự thảo định nghĩa chính sách là gì, chính sách bao gồm những nội dung nào, căn cứ vào đâ u để đánh giá chính sách?
Toàn bộ các quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nhưng cả người soạn thảo lẫn người thẩm định đều không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu gì?", ông Lộc đặt câu hỏi.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình). Ảnh: TTBC. |
Bên cạnh đó, hiện các Bộ ngành vẫn là những cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu, tuy nhiên quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật khi bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước.
“Có một xu hướng tự nhiên nhiều chính sách vẫn dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhưng không có cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này”, ông Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lộc, nhiều luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của luật. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt.
“Người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn.
Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật, nghị định. Luật thì ở trên trời, thông tư thì dưới đất”, ông Lộc chỉ rõ.
Cần công khai dự thảo luật để toàn dân biết
Căn cứ trên những phân tích trên, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung ba nguyên tắc:
Một là, chỉ các loại văn bản cấp Bộ ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên, tương tự như cách làm của Luật Doanh nghiệp hiện nay hiện nay: Không cho phép Bộ ngành, địa phương không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh.
Hai là, văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn.
Ba là, có cơ chế để kiểm soát và xử lý trchs nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn
Đề cập tới sự sự tham gia của người dân và doanh nghiệp khi góp ý xây dựng luật, ông Vũ Tiến Lộc nói thẳng: “Về cơ chế lấy ý kiến, tôi cho rằng còn một số điểm trong dự thảo cần được chế đinh rõ thêm để việc lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp thực sự có hiệu quả và thực chất:
Thứ nhất, có một thực tế là hầu như không có cơ quan soạn thảo nào công khai dự thảo cuối cùng, mà chỉ lấy ý kiến công chúng cho các dự thảo ban đầu. Thậm chí, có không ít văn bản mà quá trình soạn thảo chỉ khép kín giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành. Hệ quả là người dân, doanh nghiệp nhiều trường hợp đã hoàn toàn bất ngờ khi văn bản được ban hành có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ có chứa những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó. Tôi đề nghị dự Luật phải có quy định bảo đảm khắc phục được tình trạng này, đặc biệt là việc bảo đảm công khai bản dự thảo cuối cùng.
Thứ hai, các cơ quan soạn thảo thường không khi nào cung cấp các thông tin liên quan tới dự thảo khi lấy ý kiến nhân dân, mà chỉ cung cấp bản dự thảo và hãn hữu lắm thì có thêm Tờ trình. Người dân và doanh nghiệp vì thiếu thông tin nên ý kiến có thể không đầy đủ hoặc không phản ánh đúng quan điểm thực sự của họ”.