Chỉ tịch thu phương tiện là đi chân thấp chân cao

13/03/2015 07:42
PHẠM MẠNH HÀ
(GDVN) - Chỉ tăng nặng chế tài mà không tăng được hiệu quả giám sát thực hiện chế tài, thì chẳng khác nào người ta phải đi khập khiễng với chân thấp chân cao.

Dư luận mấy ngày nay xôn xao về đề xuất xử lý tịch thu phương tiện giao thông của người tham gia giao thông có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia. Qua sự phản hồi thì thấy đa phần không đồng tình với đề xuất này.

Còn nhớ theo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 20/11/2012 tại Việt Nam, bốn ngành theo thứ tự là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng có tham nhũng nhiều nhất trong tất cả các lĩnh vực.

Đến ngày 9/7/2013 tại Hà Nội, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013, theo đó ở Việt Nam cảnh sát giao thông cũng lại là thiết chế bị tác động nhiều nhất bởi tham nhũng, tiếp theo là quản lý đất đai và dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Chỉ tịch thu phương tiện là đi chân thấp chân cao ảnh 1Văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật thứ 7001: Công văn số 58/CV-UBATGTQG?

(GDVN) - Thế nào là “vi phạm hành chính nghiêm trọng”? Người thừa hành công vụ phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ hay các quy định khác?

Và đến ngày 3/12/2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng 2014 (CPI 2014), Việt Nam đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý là điểm số CPI về tham nhũng của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014).

Như vậy ngành cảnh sát giao thông là thành trì chặn đứng tai nạn giao thông thì lại vẫn đang bị tham nhũng tác động mạnh mẽ. Và tất nhiên thành trì mà yếu thì sẽ không ngăn chặn được hiệu quả.

Ai cũng thấy thói thường của những người vi phạm khi bị xử lý là tìm cách xin bỏ qua, không được thì xin xử lý nhẹ nhất để ít bị thiệt hại nhất. Mà đó lại là quyền lực của người xử lý, nếu người vi phạm không muốn bị xử lý theo đúng luật là phạt bị thiệt hại nặng, thì sẵn sàng hối lộ người xử lý 1 khoản tiền thấp hơn mức phải phạt để bản thân chịu thiệt hại thấp nhất. 

Mà khi chỉ có 2 bên người vi phạm và người xử lý vi phạm với nhau thì việc nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm hay không là tùy thuộc sự tự giác của người xử lý, chứ không có ngăn chặn từ bên ngoài. Đây là tình trạng chung ở các lĩnh vực xử lý vi phạm, cho nên việc chỉ tăng nặng chế tài vô hình chung lại chỉ làm mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển.

Mà tham nhũng lại là mối nguy hại mà Đảng và nhà nước ta nhất quán phải bài trừ, vì hiểu rõ quy luật “thượng bất chính thì hạ tất loạn” mà tổ tiên ta đã truyền lại, trên không gương mẫu thì dưới sẽ không nghe theo, dẫn đến quốc gia suy yếu, nước ngoài nhòm ngó thừa cơ thôn tính.

Đồng ý rằng ở mức phạt thấp cũng là luật không nghiêm cho nên không đủ sức răn đe, mà phải ở mức nặng vừa phải giống như thuốc phải đủ liều mới khỏi bệnh. Tuy nhiên dễ thấy nếu quá liều thuốc sẽ có hại nhiều hơn lợi, ở đây là sự bất mãn không ủng hộ của người dân với chính sách pháp luật của nhà nước mà họ phải chịu hậu quả. Với phương châm giữ ổn định chính trị xã hội của Đảng và nhà nước ta thì sự bất mãn đó là cần phải loại trừ.

Thế nhưng tăng mức phạt nặng mà kỉ luật lại không nghiêm, tức là việc thi hành phạt không được tăng cường giám sát một cách có hiệu quả, để cho người vi phạm hối lộ được lực lượng xử phạt mà thoát được mức phạt nặng đã đề ra, để rồi mức phạt nặng đề ra đó không được áp dụng trên thực tế làm cho người vi phạm vẫn tiếp tục nhờn luật và coi thường cả luật lẫn lực lượng chức năng khi lách luật được bằng cách hối lộ, thì lại vẫn “thượng bất chính thì hạ tất loạn”, vi phạm vẫn được tái diễn không ngăn chặn được.

Như vậy việc chỉ tăng nặng chế tài mà không tăng được hiệu quả giám sát thực hiện chế tài, thì chẳng khác nào người ta phải đi khập khiễng với chân thấp chân cao vậy, cho nên việc tiến lên sẽ rất khó khăn, và như vậy thì công việc chống vi phạm sẽ tiến rất chậm chạp, có khi lại dậm chân tại chỗ nếu hai cái chân đó thấp cao khập khiễng quá nhiều đến mức không thể tiến được.

Chỉ tịch thu phương tiện là đi chân thấp chân cao ảnh 2"Tịch thu phương tiện rất dễ đẩy dân vào bước đường cùng"

(GDVN) - “Tịch thu tài sản của dân là giải pháp cực đoan. Nếu xét về tâm lý xã hội, rất dễ đẩy dân vào bước đường cùng”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho biết.

Hiện nay qua các phương tiện truyền thông thăm dò sự phản ứng của dư luận và các chuyên gia pháp luật đã cho thấy đa phần không ủng hộ với đề xuất tịch thu phương tiện tham gia giao thông của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, vì cho là quá nặng và bất hợp lý về mặt lý luận lẫn tính đồng bộ pháp luật. Như vậy là liều thuốc đã quá cao, sẽ dẫn đến không được nhân dân đồng lòng ủng hộ, để luật khả thi.

Như vậy nguyên nhân của tình trạng vi phạm an toàn giao thông hiện nay không phải là do mức phạt thấp, bằng chứng là phản ứng của dư luận cho rằng mức phạt nâng lên vậy là quá cao. Cho nên nguyên nhân của tình trạng vi phạm chỉ còn là ở việc giám sát thực hiện các mức phạt đã có sao cho có hiệu quả, không để tình trạng hối lộ để lách luật làm cho luật “không thiêng”, mà luật đã “không thiêng” thì dù có tăng nặng lên bao nhiêu cũng không có hiệu quả răn đe.

Tuy rằng đã có lực lượng thanh tra kiểm tra giám sát việc xử phạt, nhưng thật khó mà có sự thường xuyên như hình với bóng được, lại là con em trong ngành dễ nể nang. Vậy nên có quy định nếu người vi phạm hối lộ mà chủ động tố cáo có bằng chứng người xử lý vi phạm nhận hối lộ thì người vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm xử lý nộp phạt và người xử lý vi phạm sẽ phải vừa bị kỉ luật vừa phải nộp phạt. Còn người xử lý vi phạm nếu làm đúng quy trình xử phạt thì được trích thưởng. 

Như vậy người chịu thiệt hại cuối cùng là người xử phạt mà nhận hối lộ, thì sẽ buộc được người xử phạt không dám mạo hiểm nhận hối lộ cho nên không cho người vi phạm hối lộ mình, và đồng thời lại khuyến khích được người vi phạm chống tham nhũng thì sẽ được miễn trách nhiệm xử lý xử phạt, vì chỉ có người trong cuộc mới phát hiện tham nhũng kịp thời và hiệu quả. Quy định như vậy sẽ khắc phục hiệu quả được lỗ hổng truyền kì trong việc giám sát xử phạt từ trước đến nay.

Vì vậy để ngăn chặn vi phạm gây tai nạn giao thông như hiện nay thì nhà nước ta cần tạo đôi chân cân xứng về chế tài và giám sát xử lý chế tài, có như vậy việc giữ gìn an toàn giao thông mới có những bước tiến mạnh mẽ nhanh chóng.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.

PHẠM MẠNH HÀ