Tờ South China Morning Post ngày 9/10 đưa tin, Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh bị cáo buộc nhận 50 triệu USD Hồng Kông (6,45 triệu USD) của một công ty Úc mà không khai báo.
Đảng NeoDemocrat đã nộp đơn khiếu nại chống lại hành vi nhận tiền bí mật trên của ông Lương Chấn Anh lên cơ quan chống tham nhũng của thành phố. Động thái này có thể dẫn đến một cuộc điều tra chống lại nhà lãnh đạo này.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh. |
Động thái trên diễn ra sau khi tờ Fairfax Media của Úc hôm 8/10 cho biết, ông Lương Chấn Anh đã hai lần nhận tổng cộng 6,45 triệu USD từ công ty kỹ thuật UGL của Úc vào năm 2012 và 2013.
Số tiền này được cho là liên quan tới một hợp đồng ký kết vào tháng 12/2011, một tháng trước khi ông Lương Chấn Anh nhậm chức Đặc khu trưởng Hồng Kông. Tuy nhiên, ông Lương Chấn Anh đã không nêu việc nhận khoản tiền trên của UGL trong bản khai thu nhập cá nhân.
Công ty UGL đã mua lại công ty dịch bất động sản DTZ Holdings, nơi ông Lương Chấn Anh làm giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận chi trả này được dàn xếp riêng giữa UGL và ông Lương Chấn Anh để đảm bảo rằng ông không cạnh tranh với UGL trong hai năm tới và đồng ý làm "trọng tài và cố vấn" cho công ty này.
Sau khi tuyên bố được đưa ra, Lương Chấn Anh cho biết ông không làm gì cho công ty này sau khi nghỉ việc từ ngày 4/12/2011 và cho rằng số tiền này là để trả cho ông khi nghỉ việc chứ không phải để hợp tác sau này.
Tuyên bố cho biết, việc ông Lương nghỉ việc ở DTZ và việc kết thúc hợp đồng với UGL diễn ra trước khi ông được bầu làm Đặc khu trưởng. Các quy định kê khai hiện tại không có quy định nào yêu cầu ông Lương phải khai về khoản kể trên.
UGL cho biết, trong hợp đồng nghỉ việc của ông Lương Chấn Anh không có điều khoản nào quy định thu hồi các khoản chi trả kia nếu ông đắc cử đặc khu trưởng bởi vì các lãnh đạo công ty lúc đó cho rằng ông sẽ không thể thắng cử.
Tuy nhiên, tiết lộ đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của truyền thông Hồng Kông trong bối cảnh những người biểu tình đang kêu gọi nhà lãnh đạo này từ chức. Vụ việc cũng nhanh chóng được xem là một bê bối chính trị./.