Tân Hoa Xã ngày 22/11 đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua Chủ Nhật đã đưa ra đề nghị 5 điểm với mục đích duy trì, thúc đẩy hòa bình ổn định ở Biển Đông. Tuy nhiên những gì Trung Quốc đã, đang làm và nói lại ngược lại với những kêu gọi này của ông Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ảnh: Reuters/Olivia Harris |
Thứ nhất, ông Lý Khắc Cường kêu gọi: "Tất cả các bên cam kết thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bảo vệ kết quả của Chiến tranh Thế giới II và trật tự quốc tế sau chiến tranh, trân trọng nền hòa bình phải khó khăn lắm mới đạt được, cùng nhau gìn giữ hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực, bao gồm Biển Đông".
Vậy xin nhắc lại rằng, Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định: “Nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác”. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định:
“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia…
Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Xét trong phạm vi Biển Đông thì cuộc chiến năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam và năm 1988 đánh chiếm 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam rõ ràng đã vi phạm Điều 2 Khoản 4 Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Những tuyên bố và hành vi của Trung Quốc trên thực địa về vấn đề Biển Đông hiện nay cũng đang cho thấy dường như họ muốn lặp lại điều này, đặc biệt là với tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân. Ngày 17/11 trước thềm APEC, ông Dân tuyên bố rằng nước ông "đã kiềm chế lắm" trong vấn đề Biển Đông vì không "thu hồi" các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh cho là bị các nước khác chiếm đóng?!
Việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà còn hủy diệt môi trường sinh thái, đe dọa tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông. Ảnh: Bãi đá Xu Bi bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp. |
Mới đây nhất, hôm qua 22/11 ông Dân lại một lần nữa thách thức dư luận với tuyên bố bất chấp luật pháp và công luận quốc tế rằng: "Xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự cần thiết là điều cần làm đối với quốc phòng Trung Quốc và đối với việc bảo vệ các hòn đảo và bãi đá".
Đề nghị thứ 2 được Thủ tướng Trung Quốc đưa ra là: "Các nước có yêu sách chủ quyền trực tiếp có trách nhiệm giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)."
Tuy nhiên chính Trung Quốc đã và đang né tránh các biện pháp hòa bình, đàm phán thân thiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Một là Trung Quốc vẫn kiên trì chủ trương "chủ quyền thuộc Trung Quốc" rồi đàm phán gì thì đàm phán khi đề cập đến Biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa, đẩy các cuộc đàm phán vào bế tắc.
Hai là, Trung Quốc tìm mọi cách trì hoãn việc đàm phán, ký kết COC để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ba là Trung Quốc đã tìm mọi cách từ chối tham gia phiên tòa Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, mặc dù đó là một biện pháp hòa bình, văn minh, hợp pháp.
PCA đã ra phán quyết tòa có thẩm quyền thụ lý và tiếp tục xử lý vụ kiện, bất chấp Trung Quốc có tham gia hay không. Trung Quốc vẫn tuyên bố không tham gia và sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa, vậy nước này đang tuân thủ pháp luật quốc tế ở đâu?
Đề nghị thứ 3 ông Lý Khắc Cường đưa ra: "Trung Quốc và các nước ASEAN cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, đẩy mạnh tham vấn để phấn đấu sớm kết thúc bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC trên cơ sở đồng thuận, đồng thời thực hiện các bước cải thiện các cơ chế tạo lòng tin và thúc đẩy hợp tác trong khu vực".
Đó chính là điều cả khu vực này đang mong muốn, nhưng DOC thì chính Trung Quốc đã và đang vi phạm nghiêm trọng với vụ hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng Năm năm ngoái và hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa hiện nay.
COC thì Trung Quốc tìm mọi cách chần chừ né tránh hết lần này đến lần khác. Chính ông Lưu Chấn Dân khi được báo chí chất vấn về COC cũng không thể đưa ra thời gian, lộ trình cụ thể cho bộ quy tắc này, trong khi ASEAN đã sẵn sàng từ lâu.
Tàu USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông theo đúng quy định của UNCLOS nhưng Trung Quốc vẫn phản đối gay gắt với khái niệm hết sức mơ hồ khi cho rằng tàu này "xâm phạm vùng biển phụ cận" đá Xu Bi. Ảnh: AP. |
Đề nghị thứ 4 của ông Lý Khắc Cường: "Các nước ngoài khu vực cần cam kết tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đóng một vai trò tích cực mang tính xây dựng để kiềm chế những hành động có thể gây căng thẳng trong khu vực".
Nội dung đề xuất này của phía Trung Quốc mang nặng tính chính trị và đa nghĩa, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Thế nào là "mang tính xây dựng"? Tại sao khi Tổng thống Mỹ kêu gọi các bên ngừng quân sự hóa Biển Đông thì ngay lập tức ông Lưu Chấn Dân đáp lại rằng:"Xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự cần thiết là điều cần làm đối với quốc phòng Trung Quốc và đối với việc bảo vệ các hòn đảo và bãi đá"?
Cuối cùng, ông Lý Khắc Cường cho rằng: "Tất cả các nước cần cam kết thực hiện và duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế". Nhưng chính hành động của Trung Quốc lại đang mâu thuẫn với luận điểm mà Thủ tướng nước này nêu ra.
Hoạt động tuần tra tự do hàng không hàng hải trên Biển Đông mà Mỹ tiến hành trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoàn toàn phù hợp với UNCLOS, tại sao Trung Quốc lại phản đối gay gắt và chính trị hóa các vấn đề pháp lý?
Mặt khác, nếu thượng tôn pháp luật, Trung Quốc không nên tự chế ra các khái niệm mù mờ không có trong hệ thống công pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng để ngăn cản tự do hàng không hàng hải, ví dụ như "vùng biển phụ cận" hay "vùng cảnh báo quân sự" mà nước này đang đưa ra xung quanh các đảo nhân tạo bồi lấp từ các bãi đá, các rặng san hô ở Trường Sa.
Do đó thiện chí và lòng tin chỉ có thể có được thông qua hành động chứ không phải lời nói, đặc biệt là một khi nói một đằng làm một nẻo sẽ càng làm mất thêm lòng tin cũng như uy tín của quốc gia nào lựa chọn cách hành xử đi trên luật pháp, coi thường công luận. Điều đó chỉ thêm phản tác dụng mà thôi.
Hy vọng Trung Quốc với vị trí, vai trò, tư cách thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hãy thể hiện sự thượng tôn pháp luật của mình và hành xử xứng đáng với vị trí, vai trò ấy.