Nhân lực liên quan đến cảng hàng không đang thiếu cả về số lượng và trình độ

01/02/2024 06:26
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Xây dựng và Phát triển Cảng hàng không, Quản lý và Khai thác Cảng hàng không là hai chuyên ngành mới được đào tạo từ năm 2022 tại Học viện Hàng không Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Học viện Hàng không Việt Nam là đơn vị duy nhất đào tạo hai chuyên ngành Xây dựng và Phát triển Cảng hàng không, Quản lý và Khai thác Cảng hàng không ở trình độ đại học.

Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: NTCC

Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: NTCC

Hai chuyên ngành đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực then chốt

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, phụ trách Khoa Xây dựng, Học viện Hàng không Việt Nam thông tin, hai chuyên ngành Xây dựng và Phát triển Cảng hàng không, Quản lý và Khai thác Cảng hàng không thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật công trình xây dựng, bắt đầu được Học viện tuyển sinh từ năm 2022.

Điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2022, 2023 lần lượt là 17,00 và 16,00. Năm học 2024-2025, dự kiến mỗi chuyên ngành có 60 chỉ tiêu.

Đào tạo hai chuyên ngành này, nhà trường kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hiện nay nước ta có 22 cảng hàng không, mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng lên 30 cảng hàng không và đến năm 2050 là 33 cảng hàng không.

Theo Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, hiện nay, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, xét về cả số lượng và cả trình độ lao động. Minh chứng là việc tuyển dụng đủ nhân sự cho dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đang gặp khó khăn.

Tại Việt Nam, hầu hết các chuyên gia xây dựng cảng hàng không đều được đào tạo từ các ngành, chuyên ngành khác nhau. Vì vậy, theo học hai chuyên ngành này, sinh viên có thể tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác cảng hàng không ngay sau khi tốt nghiệp.

Theo học những chuyên ngành này, sinh viên được trang bị đầy đủ khối kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp của người kỹ sư công trình xây dựng; đặc biệt là kiến thức tổng quan về hàng không, kiến thức chuyên sâu về xây dựng, phát triển, quản lý khai thác, bảo trì các loại công trình xây dựng nhà ga trong cảng hàng không, kết cấu hạ tầng sân bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và các công trình khác thuộc khu bay).

Người học khi tốt nghiệp có am hiểu chung về lĩnh vực xây dựng; tham gia được ngay những công việc cơ bản của người kỹ sư công trình xây dựng: Khảo sát, quy hoạch, thiết kế, phát triển dự án; giám sát, thi công công trình xây dựng và cảng hàng không (chuyên ngành Xây dựng và Phát triển Cảng hàng không); Quản lý khai thác, đánh giá chất lượng công trình; lập kế hoạch, thực hiện bảo trì, cải tạo công trình xây dựng và cảng hàng không (chuyên ngành Quản lý và Khai thác Cảng hàng không).

Ngoài ra người học tốt nghiệp có đủ năng lực phát triển nghề nghiệp, năng lực khởi nghiệp, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các đơn vị, tổ chức tư vấn, thiết kế, quy hoạch - phát triển, xây dựng công trình và cảng hàng không; tại các cơ quan quản lý, khai thác cảng hàng không; tại các viện/trường nghiên cứu/đào tạo về công trình xây dựng và hàng không.

“Tại Học viện, ngoài giảng viên của Khoa Xây dựng, còn có đội ngũ giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực hàng không tham gia đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ.

Tài liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy cho chuyên ngành phần lớn là theo chuẩn ngành quốc tế đã được Học viện tiếp cận và cập nhật, nhất là thông qua các khóa đào tạo, hỗ trợ từ các tổ chức hàng không uy tín trên thế giới.

Thêm vào đó, Học viện nằm ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, gần với các cảng hàng không lớn, công trình xây dựng lớn đang được triển khai như: Nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Long Thành,… Đây là môi trường tốt cho việc học tập, rèn luyện; có nhiều cơ hội được tiếp cận, tham quan thực tế cho chuyên ngành học.

Chính nhờ vậy, chất lượng đào tạo được khẳng định, cơ hội kết nối việc làm cho người học hiệu quả hơn”, thầy Lưu nhấn mạnh.

Rút ngắn thời gian tiếp cận nghề nghiệp cho sinh viên

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, chương trình đào tạo xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn xây dựng, phát triển cảng hàng không.

Quá trình đào tạo đa dạng, chú trọng tham quan trải nghiệm thực tập. Nhiều mô-đun kết hợp học tập thực tế giúp người học tiếp cận nhanh ngành nghề, tạo động lực học tập; định hướng rõ về nghề nghiệp và nhận dạng nhanh vị trí công tác sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên và giảng viên Học viện Hàng không Việt Nam tham quan nhà ga T3 - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sinh viên và giảng viên Học viện Hàng không Việt Nam tham quan nhà ga T3 - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Song song với đó, giảng viên đảm nhận chương trình hầu hết được đào tạo từ nước ngoài và tiếp tục được tuyển chọn và bồi dưỡng trong thời gian tới. Nhiều giảng viên đã hoàn thành và tham gia trợ giảng cho các khóa đào tạo quốc tế về hàng không được tổ chức tại Việt Nam.

Mặt khác, nhà trường tăng cường mở rộng hợp tác, tham gia và kết nối sâu rộng vào các dự án phát triển cảng hàng không, góp phần nâng tầm vị thế và chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên lẫn sinh viên đang theo học chuyên ngành.

Học viện có quan hệ và hợp tác tốt với nhiều tổ chức hàng không, cảng hàng không trên thế giới; có liên kết lâu đời với Tập đoàn Sân bay Paris (ADP); mối quan hệ trong ngành với các cơ quan hàng không, tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng công trình - hàng không và hầu hết các cảng hàng không trong nước.

Về yêu cầu chung của hai chuyên ngành này, theo thầy Lưu, người học cần có yêu thích về lĩnh vực hàng không - xây dựng và đạt yêu cầu đầu vào khi xét tuyển theo quy định của Học viện.

Nội dung đào tạo mang tính thực tiễn cao, môi trường học tập phù hợp là cơ hội thuận lợi để sinh viên từng bước được trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng, mở rộng mối quan hệ.

Em Lê Tất Thành - sinh viên năm hai chuyên ngành Quản lý và Khai thác Cảng hàng không, Thủ khoa đầu vào của Khoa Xây dựng, Học viện Hàng không Việt Nam chia sẻ: “Lựa chọn học ngành này vì em nghĩ đây là một ngành học tiềm năng, vì nhiều cảng hàng không sẽ được xây dựng và phát triển trong thời gian tới; hé mở nhiều cơ hội việc làm ổn định, thu nhập cao trong khi số lượng nguồn nhân lực này ở nước ta còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng học tập gắn với thực tế, chúng em được tham quan trải nghiệm, tìm hiểu thực tế tại Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhiều công trình khác.

Điều này giúp em có động lực học tập, tiếp cận nhiều công nghệ, đạt được những kiến thức “thực chiến” phục vụ nhanh cho công việc sau này, thay vì phải làm quen bắt nhịp lại từ đầu hoặc thông qua các lớp đào tạo trung gian.

Em cũng là sinh viên khoá đầu tiên tuyển sinh chuyên ngành Quản lý và Khai thác Cảng hàng không, quá trình học tập được tiếp xúc với nhiều kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực chuyên môn. Song, thầy cô, cán bộ giảng dạy luôn nhiệt tình hỗ trợ và hướng dẫn không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn kỹ năng và luôn tạo điều kiện để sinh viên được tiếp xúc thực tế”.

Thủ khoa đầu vào Khoa Xây dựng, Học viện Hàng không Việt Nam cũng đề cập, tùy thuộc vào chuyên môn của mỗi sinh viên, người học nên trang bị đầy đủ và bài bản những kiến thức liên quan đến kỹ thuật và tin học, những hiểu biết về pháp luật và tiêu chuẩn xây dựng, quản lý, phát triển cảng hàng không.

Lưu Diễm