Nếu tổ trưởng chuyên môn chỉ còn 1 chế độ, vị trí khác cũng nên vậy để công bằng

11/08/2024 06:48
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công việc mà các tổ trưởng chuyên môn đang thực hiện ở các nhà trường phức tạp hơn rất nhiều nhiệm vụ được quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học để lấy ý kiến góp ý, đang thu hút sự quan tâm của giáo viên cả nước. Theo dự thảo Thông tư đang được xây dựng theo hướng bỏ phụ cấp chức vụ hoặc không giảm định mức giảng dạy đối với tổ trưởng và tổ phó chuyên môn.

Điều này cũng đồng nghĩa, những nhà giáo hiện đang kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường phổ thông chỉ được hưởng 1 trong 2 chế độ nêu trên. Vì thế, trong đội ngũ nhà giáo đang có những ý kiến trái chiều nhau.

picture11-9478.jpg
Ảnh minh họa.

Nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn được hướng dẫn tại Thông tư 32 chỉ mới là tên của những đầu việc

Theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học, tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

Nếu đọc qua những nhiệm vụ này, nhiệm vụ của tổ trưởng có vẻ nhàn quá, vậy tại sao suốt hàng chục năm qua Bộ lại cho những nhà giáo kiêm nhiệm tổ trưởng hưởng phụ cấp chức vụ từ hệ số 0,2 đến 0,25 (tùy cấp học) lương cơ sở?

Và, nếu chỉ có chừng ấy việc sẽ không có tình trạng nhiều giáo viên được bổ nhiệm làm tổ trưởng được vài tháng đến hết nhiệm kỳ (1 năm) đã phải làm đơn xin nghỉ.

Thực ra, công việc mà tổ trưởng chuyên môn đang thực hiện phức tạp hơn rất nhiều nhiệm vụ được quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

Chẳng hạn, chỉ riêng điểm a, Khoản 2 Điều 14 Thông tư 32 hướng dẫn nhiệm vụ tổ trưởng như sau: “Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường” đã chứa đựng rất nhiều đầu việc.

Với hướng dẫn này, tổ trưởng chuyên môn không đơn thuần “chỉ cần tổng hợp kế hoạch dạy học của giáo viên phụ trách môn học”. Bởi vì, hướng dẫn công việc đâu có đơn giản như vậy; đâu phải nhiệm vụ của giáo viên thì tổ trưởng lấy gì mà tổng hợp?

Ví dụ, theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường thì sẽ thấy tổ chuyên môn có nhiều kế hoạch giáo dục. Đó là: Kế hoạch dạy học các môn học; Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục. Hai kế hoạch này, bắt buộc tổ trưởng phải thực hiện.

Song hành cùng các kế hoạch này sẽ có Kế hoạch chuyên đề; Kế hoạch ngoại khóa; Khung kế hoạch dạy học; Phân phối chương trình môn học (Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn rất kĩ). Những kế hoạch này, tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng từ đầu năm học.

Trong các kế hoạch này, nếu tổ trưởng chuyên môn phân công cho giáo viên thì cũng chỉ có thể phân công làm Phân phối chương trình môn học. Nhưng, phân công nhỏ lẻ ra cho từng giáo viên thì khi tổng hợp còn mệt mỏi hơn vì mỗi người làm mỗi kiểu, khó đồng nhất. Vì thế, phần nhiều các tổ trưởng thực hiện luôn.

Có ý kiến lại cho rằng “việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa do cả tổ thực hiện, không riêng gì tổ trưởng” thì đương nhiên là cả tổ cùng thực hiện rồi. Có điều, giáo viên bộ môn chỉ phải thực hiện phiếu nhận xét sách giáo khoa và tiến hành bỏ phiếu là xong nhiệm vụ.

Đối với tổ trưởng thì cũng phải thực hiện các công việc như giáo viên nhưng họ phải thực hiện những công việc còn lại theo hướng dẫn của Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT.

Đó là: xây dựng Kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho tổ chuyên môn của mình; làm phiếu; tổng hợp biên bản nộp cho Ban giám hiệu; tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường. Rõ ràng, công việc của tổ trưởng chuyên môn khác hoàn toàn chứ không thể đánh đồng khái niệm được.

Thực tế cho thấy, nếu tổ trưởng chuyên môn chỉ đơn thuần thực hiện những nhiệm vụ trong Điều lệ trường học thì nhàn lắm. Nhưng, thực tế họ có vô vàn những công việc không tên khác mà không kế hoạch nào, công việc nào giáo viên cũng biết hết.

Đó là: kế hoạch phụ đạo; kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; kế hoạch tháng bộ môn; kế hoạch tháng; báo cáo tháng, báo cáo sơ kết, tổng kết; xây dựng nội dung họp và chủ trì họp tổ chuyên môn 2 lần/ tháng; dự thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh;

Dự kiến phân công nhiệm vụ năm học; phân công gác kiểm tra định kỳ; triển khai nội dung tập huấn; duyệt đề cương, kế hoạch ôn tập; đề kiểm tra định kỳ; kiểm tra nội bộ theo kế hoạch; kiểm tra hồ sơ sổ sách giáo viên định kỳ; lên lịch dự giờ và dự giờ giáo viên; xây dựng tiết chuyên đề…

Tổ trưởng Ngữ văn còn hướng dẫn hoặc viết bài phát cho học sinh, giáo viên, thậm chí là Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các ngày Khai giảng; Ngày Nhà giáo Việt Nam; ngày Tổng kết năm học; hướng dẫn học sinh viết thư UPU; hướng dẫn học sinh thi giới thiệu sách các cấp...

Ngoài ra còn phải tham gia rất nhiều những cuộc họp với Ban giám hiệu nhà trường trước các hội thi, trước các ngày lễ và những công việc đột xuất để về triển khai trong tổ. Những công việc này không có trong Điều lệ trường học.

Duy trì chế độ hiện hành cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn là cần thiết

Theo hướng dẫn tại khoản 3- Điều 4 của dự thảo Thông tư: “Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này. Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy”.

Theo dự thảo Thông tư lần này, trừ những giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.

Chúng tôi cho rằng Bộ nên duy trì chế độ phụ cấp chức vụ cho tổ trưởng và tổ phó chuyên môn bên cạnh giảm định mức tiết dạy như hiện nay. Bởi lẽ, trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường hiện nay khá nặng, nhất là những tổ ghép đang phải quản lý nhiều môn học, nhiều giáo viên.

Công việc của tổ trưởng thậm chí còn nặng hơn cả Bí thư, Phó Bí thư Chi đoàn, Chủ tịch Công đoàn nhà trường vì các chức vụ kiêm nhiệm này ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở hiện nay không quá vất vả bởi học sinh chưa đến tuổi đoàn nên các em là đội viên do tổng phụ trách Đội đảm nhận hết các phong trào của học sinh.

Trong khi, tổ trưởng chuyên môn là những người chịu trách nhiệm chính về hoạt động tổ chuyên môn, có rất nhiều việc định kỳ, đột xuất.

Hơn nữa, tại mục 1 Điều 3: Về phân loại viên chức, Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định theo chức trách, nhiệm vụ, viên chức được phân thành 02 loại: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý. Tại nội dung này quy định rõ viên chức quản lý là người được bổ nhiệm chức vụ viên chức quản lý có thời hạn… và được hưởng phụ cấp chức vụ.

Vì thế, nếu Dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ trưởng chuyên môn “nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy” thì các đối tượng khác trong trường học, như: kiêm nhiệm công tác Công đoàn; Đoàn thanh niên, thậm chí là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng nên thực hiện đồng nhất như vậy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI