Sau gần 40 năm đóng cửa, đây là lần đầu tiên, hầm chỉ huy tác chiến mở cửa cho khách trong nước và quốc tế tham quan. Hầm nằm tại khu A Hoàng thành Thăng Long, phía Tây đầu hồi nhà làm việc của Cục tác chiến. Căn hầm được xây dựng từ cuối năm 1964 đến năm 1965, diện tích 64m vuông, kết cấu nửa nổi nửa chìm bằng bê tông nguyên khối. Hầm chỉ huy tác chiến được đánh giá hiện đại nhất lúc bấy giờ, có hệ thống lọc bụi, chống nhiễu, hệ thống điều hòa và có khả năng chống được bom nguyên tử, tên lửa.
Phòng Trực ban tác chiến trong hầm rộng 34 m2, nơi tập trung hệ thống trang thiết bị máy móc,
bộ đàm, sa bàn...phục vụ cho công tác chi huy tác chiến những năm chiến tranh
Nơi đây, các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo thắng lợi 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, đỉnh cao là trận “Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 18/12 - 29/12/1972.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: “Toàn bộ không gian hầm Chỉ huy tác chiến, từ hệ thống vách, sàn gỗ, bản đồ bằng giấy đến tiêu đồ phòng không có đánh dấu đường máy bay B-52 đã được phục chế, 4 phòng thông tin được phục dựng nguyên mẫu”.
Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã sưu tầm, phục chế gần 200 hiện vật trong đó có một máy chỉ dùng để nghe điện thoại từ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh chống phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không”, việc khôi phục và mở cửa hầm chỉ huy tác chiến trong chiến tranh chống Mỹ để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước nhằm giáo dục, nâng cao đạo lý truyền thống cách mạng lòng tự hào dân tộc của nhân dân ta.
Ánh Nguyệt/An ninh thủ đô