Mở lớp viết truyện miễn phí với mong muốn học sinh không thấy “sợ” môn Văn!

27/08/2022 06:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với mong muốn xóa tan “nỗi sợ” và truyền ngọn lửa đam mê với văn học, nhà văn Bùi Ngọc Phúc dành nhiều tháng Hè mở lớp viết truyện miễn phí cho học sinh.

Truyền lửa nghề viết, mong học sinh nói “không” với văn mẫu

Giữa cái nắng oi ả của những buổi trưa Hè cuối tuần, hàng chục học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 lại được dịp thử sức với những “đề bài” của “thầy giáo bất đắc dĩ”.

Với mong muốn truyền ngọn lửa đam mê với văn học đến những bạn trẻ đang trong độ tuổi đến trường, nhà văn Bùi Ngọc Phúc - tác giả một số cuốn sách như “Cùng con qua các kỳ thi”; “Tư vấn tuyển sinh vào 10”... đã mở lớp viết truyện miễn phí trong mỗi dịp Hè.

Mặc dù có nhiều học sinh đăng ký, song, để đảm bảo chất lượng, nhà văn Bùi Ngọc Phúc chỉ nhận mỗi khóa khoảng 100 học sinh chia 4 lớp. Thậm chí, có phụ huynh ở miền Nam còn nhắn tin hỏi lớp học online cho con, nhưng nhà văn không thể đáp ứng, bởi “Viết truyện là lớp để phát triển sự sáng tạo, không thể dạy online được!”.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc. (Ảnh: Ngân Chi).

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc. (Ảnh: Ngân Chi).

Tranh thủ giờ giải lao của lớp học, người thầy giáo “không cầm phấn” mới bắt đầu tâm sự: “Là người hay viết sách về giáo dục, tôi hiểu, học sinh không hề chán học, không hề “sợ” môn Văn như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, để các con có thêm hứng thú với môn học này, thì trước tiên, môn học phải được xây dựng dựa trên sự phát huy tính sáng tạo, bên cạnh đó, bản thân các thầy cô cũng phải có phương pháp dạy thực sự phù hợp.

Giống như, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nói “không nên dùng văn mẫu”, nhưng muốn như vậy, chúng ta phải đào tạo và hướng dẫn các con cách làm việc sáng tạo trên cơ sở các văn bản Ngữ văn.

Song, hiện nay, vẫn còn tồn tại rất nhiều tình trạng giáo viên chấm bài văn dựa trên một ba-rem cứng nhắc, tôi cho đó là cái rất dở. Tôi thấy điều đó là quá chi li, vô tình làm mất tính sáng tạo, làm các thầy cô mất cảm xúc, học sinh cũng mất cảm xúc, tâm lý sợ sai, sợ sai rồi lại vô tình viết theo khuôn mẫu... Như vậy, làm sao có thể bỏ được văn mẫu?

Căn cứ vào đó, tôi mở lớp dạy viết truyện miễn phí cho học sinh nhiều lứa tuổi từ hè năm học 2018-2019. Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lớp viết truyện phải tạm ngừng hoạt động. Hè năm nay, khi dịch đã dần được kiểm soát, tôi mới tiếp tục mở lớp cho các bạn học sinh”.

Lớp viết truyện miễn phí vào cuối tuần là nơi để học sinh tự do sáng tạo, thả hồn vào những câu chuyện với góc nhìn của chính mình. (Ảnh: Ngân Chi).

Lớp viết truyện miễn phí vào cuối tuần là nơi để học sinh tự do sáng tạo, thả hồn vào những câu chuyện với góc nhìn của chính mình. (Ảnh: Ngân Chi).

Để đảm bảo chất lượng, nhà văn Bùi Ngọc Phúc cho biết, mỗi dịp Hè, anh chỉ có thể mở 4 lớp viết truyện cơ bản, với sĩ số độ trên dưới 30 học sinh. Trong đó, chia 2 lớp dành cho học sinh trung học cơ sở và 2 lớp dành cho học sinh trung học phổ thông, mỗi lớp sẽ được bồi dưỡng trong khoảng 10-15 buổi học.

Mặc dù mỗi lần thông báo mở lớp viết truyện miễn phí trên trang cá nhân Facebook, tác giả của những truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim ấy lại được phen “bối rối” và tiếc nuối, do có quá nhiều lượt đăng ký, mà bản thân lại không đủ sức để nhận hết toàn bộ học trò.

Chia sẻ về tiêu chí chọn học sinh, nam nhà văn lý giải: “Tôi hiểu rằng, lứa tuổi tốt nhất cho các con đến với lớp học viết truyện của tôi là từ bậc trung học cơ sở. Bởi lẽ, lứa tuổi tiểu học, các con đang phải làm tốt nhiệm vụ của môn Tiếng Việt, khi lên trung học cơ sở, các con mới làm quen với môn Ngữ văn. Chính vì vậy, đây là lứa tuổi tốt để tiếp cận.

Tuy nhiên, để đạt được “độ chín”, các con sẽ phải hết sức chăm chỉ. Đặc biệt, “có bột mới gột nên hồ”, vậy nên yêu cầu đầu tiên để theo được lớp, là các con phải đọc nhiều, thậm chí phải đi nhiều và trên hết là phải có sự say mê với viết lách. Đó là yêu cầu tối thiểu và các con đều đáp ứng rất tốt.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc đọc kỹ từng chi tiết trong mỗi sản phẩm của học sinh để góp ý, giúp học sinh tìm ra cách gọt giũa hợp lý nhất. (Ảnh: Ngân Chi).

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc đọc kỹ từng chi tiết trong mỗi sản phẩm của học sinh để góp ý, giúp học sinh tìm ra cách gọt giũa hợp lý nhất. (Ảnh: Ngân Chi).

Thoạt đầu, các con sẽ được làm quen với những “bài tập” đơn giản nhất, viết những gì thân quen nhất, thông thuộc nhất trong nhịp sống hằng ngày, như chủ đề gia đình, thầy cô, bạn bè, trường lớp... thậm chí, đó chưa phải là một truyện ngắn mà chỉ là một truyện kể, kể lại bằng thứ ngôn ngữ trong trẻo nhất. Các con cũng phải hình dung ra cách viết mỗi thể loại ra sao, chẳng hạn, viết một truyện ngắn như thế nào, tản văn như thế nào, phải có kết cấu, cốt truyện, có nhân vật, diễn biến, kết thúc...

Với tư cách một người thầy, tôi sẽ hướng dẫn các con sắp xếp cho mạch lạc và giúp các con dần dần tự viết truyện dựa trên thế mạnh của bản thân và phát huy một cách hợp lý nhất”.

Niềm vui khi thấy học trò đam mê viết, không “sợ” môn Văn

Mỗi khóa học với đối tượng học sinh khác nhau, người thầy giáo ấy lại dày công xây dựng giáo trình tương ứng, cho phù hợp với từng lứa tuổi và trình độ.

“Thực tế, các con nắm bắt nhanh hơn tôi nghĩ!” - nhà văn Bùi Ngọc Phúc bày tỏ - “Trong các lớp viết, tôi thấy cũng có những học sinh đã tiệm cận với những tác phẩm có thể “mài” thêm, thành những “viên ngọc sáng”, chỉ cần sửa thêm một chút là có thể đăng báo, có thể chia sẻ rộng rãi “đứa con tinh thần” của mình đến nhiều bạn đọc... Tôi cũng rất khuyến khích các con gửi bài đến các trang báo, tạp chí hay các cuộc thi như Đóa hoa đồng nội,... đó vừa là sân chơi giúp các con cọ xát, vừa mở ra những cánh cửa mới”.

Anh cho biết: “Sau các lớp học cơ bản, tôi sẽ chọn lựa khoảng 5-8 học sinh có tố chất, có đam mê, đưa vào hướng dẫn thêm trong một lớp học nâng cao, dạy theo chuyên đề. Tôi đang tính đến, mỗi chuyên đề sẽ mời một nhà văn nổi tiếng đến nói chuyện với các con”.

Mặc dù đứng lớp và được học trò gọi là “thầy giáo”, nhưng nhà văn Bùi Ngọc Phúc lại tâm niệm: “Ở lớp học này, không có gì được gọi là “khuôn mẫu”. Tôi không phải giáo viên dạy Ngữ văn, mà là nhà văn dạy viết. Mà nhà văn thì sẽ có ngôn ngữ khác nhau, nên cũng sẽ hướng dẫn để học trò tìm ra cá tính ngôn ngữ của riêng mình.

Các con đến với lớp học này sau khi đã khép lại cả một năm học chính khóa, nên sẽ luôn tạo cảm giác thoải mái nhất cho các con. Bài vở có thể nợ, miễn là các con vẫn nhớ để trả thầy trước khi hoàn thành khóa học”.

Có lẽ một phần vì thế, mỗi học trò của lớp viết truyện đều cảm thấy rất tự tin và thoải mái.

Học sinh Chu Bảo Châu - Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, em chưa từng viết gì đó, ngoài những bài tập làm văn trên lớp. Khi tham gia lớp học cũng là lần đầu tiên em viết.

Em thường xem phim và có cảm xúc để viết thành câu chuyện với góc nhìn của chính mình. Tham gia lớp học này chính là một trải nghiệm, mà em cảm thấy mình mở mang hơn rất nhiều”.

Học sinh Chu Bảo Châu (bên trái) chia sẻ, tham gia lớp học giúp cậu mở mang hơn nhiều. (Ảnh: Ngân Chi).

Học sinh Chu Bảo Châu (bên trái) chia sẻ, tham gia lớp học giúp cậu mở mang hơn nhiều. (Ảnh: Ngân Chi).

Học sinh Đinh Minh Thư (lớp 10) cũng không ngần ngại giãi bày: “Từ nhỏ, em đã rất thích viết, thích cảm giác đi lang thang khắp nơi, ngắm nhìn cảnh vật về nhà viết tản văn. Em cũng thích đọc sách nên có thiên hướng về ngôn ngữ, em đã từng tâm sự với mẹ là muốn tham gia một lớp học viết báo.

Bên cạnh đó, do từ khi em chuyển qua học ở trường quốc tế, mẹ lo kỹ năng viết tiếng Việt của em bị thui chột đi, nên đã đăng ký lớp học này. Và đó cũng chính là một quyết định rất đúng đắn của cả hai mẹ con.

Tham gia lớp, em cảm thấy khá hứng thú. Từ khi em bắt đầu viết, phải sử dụng nhiều chất xám hơn, không còn nhiều thời gian như trước, nhưng lại rất vui, không tốn thời gian vào những việc vô bổ, suy nghĩ vẩn vơ...

Em rất thích Văn, nhưng không phải những kiến thức “máy móc”, những lý thuyết đơn thuần như trong sách giáo khoa, mà muốn được học một cách tự do, thoải mái, đề cao tính sáng tạo.

Mùa Hè năm nay, tuy em bận rộn hơn những năm trước, nhưng em thấy đây thực sự là một mùa Hè xứng đáng!”.

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc góp ý cho học sinh Đinh Minh Thư hoàn thiện tác phẩm của mình. (Ảnh: Ngân Chi).

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc góp ý cho học sinh Đinh Minh Thư hoàn thiện tác phẩm của mình. (Ảnh: Ngân Chi).

“Em sẽ cố gắng viết thật nhiều, trau chuốt và thử sức đem gửi cho các nhà xuất bản, các tòa soạn báo... Em cũng rất hy vọng, có thể hướng đến viết chuyên nghiệp, để thử sức xem lời văn của mình đã đủ để cho công chúng đọc và cảm nhận được ý tưởng của mình hay chưa” - Minh Thư bộc bạch.

Tiếp lời cô học trò nhỏ, người thầy giáo gật gù: “Mở ra lớp học này, tôi càng thấy rõ hơn, không ít các bạn trẻ không những không “sợ” môn Văn mà còn có đam mê vô cùng lớn. Có bạn là học sinh chuyên Hóa, nhưng lại đi thi chuyên Văn, đó quả là dấu hiệu của một đam mê lớn.

Có những bạn còn ngay từ bây giờ, đã xác định không đi du học, mà lựa chọn một trường đại học trong nước để có thêm cơ hội ở lại, trau dồi và theo đuổi đam mê viết. Càng tuyệt vời hơn, khi gia đình cũng rất ủng hộ định hướng ấy... Có phụ huynh lại thường xuyên chia sẻ về sự thay đổi tích cực của con mình từ sau khi tham gia lớp... Đó là những niềm vui lớn đến từ những điều nho nhỏ ở lớp học mà tôi đang hướng dẫn.

Tôi hy vọng, thời gian tới, dù các con có bận học đến đâu, vẫn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê viết của mình, đó sẽ là hành trang rất quý cho các con cơ hội tiếp cận cuộc sống sau này”.

Chia sẻ về những dự định với lớp viết truyện trong các năm tới, nhà văn Bùi Ngọc Phúc bật mí: “Chính vì những năm qua, số lớp mở ra không đủ đáp ứng nhu cầu của học sinh, nên đã có nhiều phụ huynh nhắn tin riêng với tôi, gợi ý lập trại sáng tác vào dịp Hè cho các con.

Trong đó, có mời thêm các chuyên gia ngôn ngữ, văn học... cùng tham gia để chia sẻ. Tôi cũng đánh giá rất cao mô hình ấy, tuy nhiên, để tổ chức được một trại sáng tác, cũng không phải một điều đơn giản, cần sắp xếp chu toàn”.

Ngân Chi