Niềm vui đón nhận “của để dành”
Là trụ cột chính trong gia đình nhưng anh Phan Văn Hồng (ở tổ 3, thị trấn An Dương, huyện An Dương, Hải Phòng) đến giờ vẫn chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Anh Hồng chia sẻ: “Gia đình có 4 người, tôi ưu tiên tham gia bảo hiểm y tế cho vợ và 2 con để phòng khi đau ốm.
Mặc dù là lao động chính trong nhà, cũng rất cần có tấm thẻ bảo hiểm y tế để “phòng thân” nhưng nguồn thu nhập cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt nên tôi chưa tham gia bảo hiểm y tế cũng như bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Được sự quan tâm của cơ quan Bảo hiểm xã hội, chính quyền địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, tôi vừa được nhận tấm thẻ bảo hiểm y tế và sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện từ nguồn hỗ trợ của cán bộ, nhân viên Ngân hàng Vietcombank Việt Nam.
Đây là món quà có ý nghĩa rất thiết thực, giúp tôi bớt nỗi lo mỗi khi đau ốm, nhất là sau dịch Covid-19, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn".
Người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện An Dương phấn khởi nhận thẻ bảo hiểm y tế và sổ Bảo hiểm y tế do Ngân hàng Vietcombank trao tặng. (Ảnh: LT) |
Không chỉ anh Hồng, trong dịp cuối năm 2021, 170 thẻ bảo hiểm y tế và 420 cuốn sổ Bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng được trao đến tận tay các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại 3 huyện: An Dương, Vĩnh Bảo và Kiến Thuỵ.
Thời gian qua, từ nguồn vận động xã hội hóa và sự đóng góp của cán bộ, viên chức, người lao động, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng đã hỗ trợ hàng trăm người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, học sinh tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông Lương Thế Quý - Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện An Dương cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện An Dương có khoảng 187.000 người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ 95%), số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp.
Các trường hợp chưa tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp.
Đó cũng chính là khó khăn lớn của địa phương và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động khiến chỉ tiêu phát triển số người tham gia bảo hiểm y tế.
Hoạt động trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện không chỉ giúp địa phương sớm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nâng cao diện bao phủ bảo hiểm mà còn làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân.
Từ đó tích cực, chủ động tham gia để không là gánh nặng của gia đình khi ốm đau và có lương hưu khi về già.
Ông Phạm Tiến Thuật – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kiến Thuỵ chia sẻ: “Năm 2021, do những tác động khách quan, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu đạt 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế/
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn gặp phải, năm nay, địa phương, cơ quan Bảo hiểm xã hội nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển số người tham gia, trong đó lấy công tác tuyên truyền là trọng tâm và nguồn lực xã hội hóa là động lực”.
Xây dựng, đề xuất cơ chế hỗ trợ từ thành phố
Có thể khẳng định, nguồn lực xã hội hoá đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, lâu dài cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Chỉ ra khó khăn, thách thức của ngành Bảo hiểm xã hội trong phát triển số người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong gia đoạn hiện nay, ông Nguyễn Văn Thạnh - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng cho biết: Khó khăn trước mắt của ngành chính là tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc vận động, phát triển người tham gia đã khó nhưng cũng có không ít trường hợp do thu nhập giảm sút đành phải rời lưới an sinh.
Mặt khác, theo quy định về chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, từ ngày 1/1/2022, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Bảo hiểm xã hội quận Hồng Bàng vận động các nhà hảo tâm mua sổ bảo hiểm xã hội tặng người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. (Ảnh: LT) |
Trong khi đó, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (tăng gấp hơn 2 lần), như vậy kéo theo mức đóng cũng tăng khiến nhiều người cũng phải băn khoăn, suy nghĩ về việc tham gia và khi tham gia thì làm thế nào để duy trì đều đặn trong thời gian dài.
Năm 2022, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng phấn đấu phát triển mới 44.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số thành phố.
Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng xây dựng kế hoạch, đề xuất, đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố hỗ trợ thêm 10% mức đóng (ngoài 10% mức ngân sách trung ương hỗ trợ) đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng (người không thuộc hộ nghèo, cận nghèo), nâng tổng mức hỗ trợ lên 20%.
Đồng thời, đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn dự toán ngân sách thành phố năm 2022 để hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế đối với các trường hợp người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi.
Thực tế cho thấy, nếu được hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và cấp thẻ bảo hiểm y tế không chỉ giải quyết được “bài toán” về chỉ tiêu kế hoạch mà còn giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế, lương hưu, để không trở thành gánh nặng cho an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thạnh - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng nhấn mạnh: “Để người dân dễ dàng tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền sao cho người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu;
Xây dựng hệ thống đại lý thu ở cơ sở lớn mạnh về số lượng chất lượng, bên cạnh các đại lý thu bưu điện, xã, phường, thị trấn sẽ mở rộng ra các đại lý thu là doanh nghiệp;
Xây dựng các kênh tư vấn, hướng dẫn online để giải đáp tất cả các thắc mắc của người dân về chính sách bảo hiểm.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng giao chỉ tiêu, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, rà soát công tác triển khai phát triển số người tham gia tại các địa phương để kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn và có giải pháp khắc phục;
Tiếp tục phát động các phong trào “Mỗi cán bộ, viên chức, người lao động là một tuyên truyền viên giỏi” trong vận động người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để đánh giá thi đua hàng năm.