LTS: Chia sẻ những câu chuyện buồn liên quan đến việc học môn chính, môn phụ, thầy giáo Sơn Quang Huyến có đôi điều nhắn nhủ đến các giáo viên trong bài viết sau đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sáng nay, cô giáo H. dạy Sinh bước vào phòng nghỉ giáo viên, gương mặt buồn bã; chẳng ai nói với ai, giáo viên trong phòng nghỉ đều quay lại phía H., hỏi cùng lúc:
- Sao vậy em?
Chỉ chờ có thế, H. nước mắt chảy dài, buồn bã kể về hai tiết học mà mình vừa trải qua ở lớp sáu:
“Em hỏi bài cũ, học sinh C. lần thứ ba, vẫn không học bài, em hỏi, sao con không học bài cũ; C. trả lời sao, thầy cô biết không?
Bố mẹ em bảo, lo học Toán, Văn, Anh đi, chứ ba môn phụ quan tâm làm chi, nên em không học bài”.
Cả phòng cười vang, rồi gần như cùng nói:
- Môn phụ mà!
Chuyện môn phụ bi hài không chỉ do nhận thức sai lầm của phụ huynh, học sinh mà chính sự “tuyên truyền” của giáo viên môn Toán, Văn, Anh.
Cần loại bỏ tư tưởng môn chính - môn phụ trong nhà trường. Ảnh: TTXVN |
T. là học sinh học giỏi Toán nhưng rất thích môn Sử, phần vì tính tò mò, phần vì cách dạy hay của cô giáo, nên T. quyết định chọn thi học sinh giỏi môn Sử.
Thầy giáo dạy Toán đã nhiều lần nói trước lớp, những lời xúc phạm bộ môn Sử mà người viết xấu hổ, không dám viết lại lời kể của học sinh.
Chuyện các giáo viên dạy "môn chính", nói xấu "môn phụ", lôi kéo học sinh tập trung học môn của mình không phải hiếm.
Chính sách thi cử, xét tuyển của ngành giáo dục chỉ quan tâm đến một số môn như Toán, Văn, Anh, nếu có dùng các môn khác cũng chỉ là hệ số một; nên “môn phụ” càng sâu sắc trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh.
Giáo viên môn phụ nếu dạy thật, tổng kết thật, nhận được không ít “lời khen” của đồng nghiệp. Nếu học sinh ở lại, thi lại vì môn phụ, giáo viên sẽ bị chính đồng nghiệp cho là “chảnh”.
Tâm lý bao trùm giáo viên môn phụ, tổng kết đạt 100%, cho học sinh tập trung vào môn chính, môn thi tuyển sinh, nâng cao chất lượng cho nhà trường!
Thầy môn chính dạy thêm vì lương thấp, vậy cô môn phụ sống ra sao? |
Do coi thường môn phụ, không học môn phụ, kiến thức phổ thông của một bộ phận học sinh đang bị “hổng” đến mức báo động.
Chuyện kể rằng: Trường cho câu hỏi đố vui: Trong các từ sau, đâu là từ chỉ một loại động vật: Cà phê, cà cuống, cà mau, cà pháo?
Một học sinh giỏi Văn đã đứng lên nhanh nhất trả lời: cà mau ạ.
Khi hỏi tại sao cà mau lại là chỉ động vật? Học sinh trả lời: Có câu thơ: Mũi thuyền ta đó, mũi cà mau; cà mau có mũi, chỉ có động vật mới có mũi, nên cà mau là từ chỉ một loài động vật!
Những nhận thức sai lầm của giáo viên, đã gieo vào nhận thức của con trẻ chính-phụ trong giáo dục, góp phần hình thành nên nhân cách “méo mó” cho học trò khi trưởng thành; lý giải một điều nhỏ mà không nhỏ, người Việt mà không biết sử Việt; một đất nước có thể trường tồn khi mất đi lịch sử, văn hóa của dân tộc mình?
Môn học tự hào dân tộc đang bị coi là phụ, môn học đi vào thực tế cuộc sống đang bị xem nhẹ, làm sao phân luồng giáo dục?
Giáo viên môn phụ, không bao giờ dạy thêm, không ép học trò học thêm, vì vậy họ thường là “nhân cách hoàn hảo”, nhưng “hoàn cảnh” trong mắt học trò, phụ huynh.
Giáo viên dạy “môn phụ”, nhiều khi có “niềm vui” từ những “câu chuyện buồn giáo dục” để tiếp tục cống hiến đam mê của mình, xóa cái xấu, cái dốt trong học trò.
Để học sinh thích, yêu môn phụ, phương pháp dạy học phải sinh động; gắn bài học với thực tiễn cuộc sống; liên hệ kiến thức đã học để giải quyết vấn đề cuộc sống; tận dụng mọi thiết bị dạy học để làm thí nghiệm trực quan; sưu tầm tư liệu sinh động phục vụ cho bài giảng; gắn bài học với cuộc sống sinh động đang xảy ra.
Giáo viên môn phụ không nên tự “coi thường môn của mình”, dạy cho có, đến tháng lấy lương; chính thái độ “thiếu nghiêm túc” trong giảng dạy của giáo viên môn phụ, làm học sinh càng coi thường môn phụ.
Dù là phụ, nhưng cứ cống hiến, hy sinh vì giáo dục, vì học sinh thân yêu, thành quả trong học sinh không phải là phụ, giáo viên môn phụ vẫn cứ nên cống hiến hết mình.