LTS: Đồng cảm với những giáo viên dạy môn phụ, cô giáo Thuận Phương chia sẻ nỗi khổ của họ khi sự phân biệt môn chính môn phụ khiến họ bị coi thường, thậm chí bị nhiều học sinh còn coi nhẹ.
Cuộc sống kinh tế của những giáo viên dạy môn phụ cũng khó khăn hơn giáo viên dạy môn chính khiến họ phải xoay thêm rất nhiều nghề để kiếm thêm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.
Về lý thuyết thì môn học nào trong nhà trường cũng có vai trò và tầm quan trọng ngang nhau nhưng trong thực tế thì đang tồn tại suy nghĩ “môn chính” “môn phụ”.
Những thầy cô giáo dạy môn học được coi là môn chính không chỉ có thu nhập gấp dăm bảy lần những thầy cô giáo dạy môn phụ mà còn được mọi người “vị nể”, học sinh “e sợ”.
Ngược lại, những thầy cô giáo dạy “môn phụ” ngoài đồng lương bèo bọt, luôn bị mọi người coi thường, bị học sinh xem nhẹ dẫn đến việc các em không chịu hợp tác trong việc học gây nên nhiều nỗi buồn phiền và thất vọng cho các thầy cô giáo.
Giáo viên môn chính “sang chảnh”
Những thầy cô dạy Toán, Anh văn, Lý, Hóa ngoài giờ lên lớp đều mở lớp dạy thêm ở nhà. Người nhiều vài chục em, thậm chí hàng trăm em nên số tiền kiếm được hàng tháng có giáo viên lên tới vài chục triệu đồng.
Những thầy cô dạy ít hơn cũng gấp hai lần lương chính. Càng có thu nhập cao, người ta càng “say” kiếm tiền.
Tại trường học, vẫn còn sự phân biệt giáo viên môn chính giáo viên môn phụ. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Lúc này, không phải là kiếm tiền vì lương quá thấp, mà vì những nhu cầu xa xỉ hơn như nhà lầu, xe hơi, con đi du học, sắm sửa trang thiết bị đắt tiền, những chuyến du lịch thường xuyên…
Để không mất những món lợi từ dạy thêm, một số giáo viên đã giở đủ “chiêu trò” để chiêu mộ và giữ học sinh.
“Chiêu trò” không chỉ áp dụng với học sinh và chính cả với những đồng nghiệp của mình.
Như việc công khai thầy (cô) ấy dạy dở, những đơn tố cáo nặng danh cũng bắt đầu xuất hiện. Với học sinh, cho đề ôn tập "nhá đề" kiểm tra, dễ dãi trong việc cho điểm…
Giáo viên môn phụ vật vã kiếm sống
Ngược lại với những giáo viên được coi là môn chính, những giáo viên dạy Sử, Địa, Giáo dục công dân, Kĩ thuật, Thể dục… lại luôn vật vã kiếm việc mưu sinh để tăng thu nhập.
Có người chạy xe ôm sau giờ lên lớp, người làm thợ chụp hình, đi bán bảo hiểm, bán hàng đa cấp, chạy bàn đám cưới, làm ruộng, làm rẫy… Dù thế cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau.
Nỗi khổ về kinh tế lại chẳng thấm đâu với sự phân biệt, xem nhẹ của đồng nghiệp, thể hiện rõ nhất bằng việc phân công chuyên môn.
Nếu thiếu giáo viên các môn Toán, Lý, Hóa thì giáo viên dạy chính môn học ấy được dạy tăng tiết chứ tuyệt nhiên không có sự phân công dạy chéo môn như giáo viên Hóa dạy Toán, giáo viên Tin dạy Lý...
Riêng những môn học Sử, Địa, Giáo dục công dân, Kĩ thuật..., Ban giám hiệu sẽ phân bất kì giáo viên nào mình thích. Giáo viên Anh văn dạy Sử, Địa, giáo viên Toán dạy Giáo dục công dân, dạy Thể dục...
Họ thường suy nghĩ và lý giải những môn phụ thì ai mà chẳng dạy được.
Một số người còn tỏ thái độ coi thường đến mức xúc phạm và làm tổn thương đồng nghiệp.
Một cô giáo dạy môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông khi trao đổi việc học lơ là của con một thầy giáo dạy Toán, bất ngờ cô nhận được lời nói như gáo nước lạnh tạt qua người:
“Tôi nói thật với cô nhé! Tôi nói với nó chỉ nên đầu tư vào mấy môn chính để thi đại học, những môn phụ như thế không cần phải học nhiều”.
Sự xem nhẹ và ghẻ lạnh của học sinh
Bất kì giáo viên dạy môn học nào bị xem là môn phụ đều than phiền vì học sinh không chịu học.
Trên lớp, nhiều em không chú ý tập trung nghe giảng, có em mang vở Toán, Anh văn ra làm bài. Mỗi câu hỏi của thầy cô đưa ra hiếm hoi lắm mới có vài cách tay giơ lên.
Thầy cô cứ khan cổ trên bục giảng, trò lơ là không tập trung dưới lớp. Em ngồi nói chuyện, ăn hàng, lén mở điện thoại chơi game thậm chí nằm gục xuống bàn ngủ một cách say mê.
Giáo viên nhắc nhở, gặp phụ huynh trao đổi cũng chẳng thay đổi được gì bởi nhiều cha mẹ cũng đồng tình với cách học của con: “Môn ấy có thi đâu mà đầu tư cho mất thời gian vô ích”.
Trước thực trạng đó, giáo viên mất đi sự nhiệt huyết, sự cảm hứng để cho những tiết học thăng hoa chứ tuyệt nhiên cũng không thể trách mắng hay phạt học trò.
Chỉ tiêu nhà trường giao cho chất lượng học tập của học sinh môn đó phải đạt trên 90% từ trung bình trở lên nếu cứ thẳng tay sẽ không thể đạt kết quả quy định và như thế việc xếp loại của thầy cô cũng bị liên lụy.
Thế là, để tự “cứu” lấy mình, chính các thầy cô lại tạo cơ hội cho các em “không cần học vẫn đạt kết quả cao”.
Chẳng hạn, kiểm tra miệng lần một không thuộc cho nợ, lần hai không thuộc dặn về học lại để kiểm tra lần ba... cứ thế đến khi nào thuộc mới lấy điểm.
Trường hợp có em kiểm tra nhiều lần không thuộc, thầy cô cũng đành “cấy” vào cho hợp lệ.
Tới kì kiểm tra một tiết, kiểm tra học kì, có giáo viên bật mí cho các em học vài bài sẽ cho trong đề thi, hoặc coi thi thì làm lơ cho học sinh tự ý quay bài vào...
Hy vọng với sự đổi mới về nội dung học và thi sắp tới sẽ xóa bỏ được khái niệm môn chính, môn phụ như hiện nay.