Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc về kinh tế, lẫn quốc phòng, an ninh.
Vịnh là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hải sản và dầu khí. Trong vịnh có nhiều ngư trường lớn, cung cấp nguồn hải sản quan trọng cho đời sống của người dân hai nước.
Bờ vịnh Bắc Bộ phía Việt Nam dài khoảng 800 km, phía Trung Quốc gần 700 km. Phần vịnh phía Việt Nam có khoảng 2.300 đảo, đá ven bờ. Phía Trung Quốc có một số ít đảo nhỏ ở phía đông bắc vịnh như đảo Vị Châu, Tà Dương…
Đáy biển và lòng đất dưới đáy của vịnh có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí đốt. Vịnh này là cửa ngõ giao lưu từ lâu đời của Việt Nam ra thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, thương mại quốc tế cũng như quốc phòng an ninh của Việt Nam. Đối với khu vực phía nam Trung Quốc, vịnh cũng có vị trí quan trọng.
Vì vậy, cả hai nước đều rất coi trọng việc quản lý, sử dụng và khai thác vịnh, trước hết là vấn đề phân định ranh giới biển trong vịnh.
Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Quá trình đàm phán ký kết Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ
Vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ: Cụ thể là phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc, là hai quốc gia có bờ biển, vừa tiếp liền vừa đối diện, trong vịnh Bắc Bộ.
Để giải quyết vấn đề này, giữa 2 nước đã phải trải qua một quá trình đàm phán kéo dài gần 3 thập kỷ, kể từ năm 1974- 2000, qua ba vòng đàm phán: năm 1974, từ năm 1977-1978 và từ năm 1992 đến 2000.
Hai vòng đàm phán đầu tiên không có kết quả. Mãi đến sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, năm 1991, vòng đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ lần thứ 3 mới đi vào thực chất và có được những đồng thuận để tiến tới ký kết Hiệp ước phân định.
Trong thời gian 10 năm, từ 1991 đến 2000, đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trải qua 7 cuộc đàm phán cấp Chính phủ, 3 cuộc gặp không chính thức của Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, 18 cuộc đàm phán cấp chuyên viên Nhóm công tác liên hợp, 10 cuộc họp Tổ chuyên gia đo vẽ kỹ thuật phân định và xây dựng tổng đồ vịnh Bắc Bộ, 6 cuộc đàm phán về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ.
Ngày 25/12/2000, Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ được ký kết. Ngày 30/6/2004 hai bên đã trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ.
Hiệp ước gồm có 11 điều khoản, trong đó Việt - Trung khẳng định nguyên tắc chỉ đạo việc phân định là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hoà bình.
Hai nước cũng nhất trí thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị, giải quyết một cách công bằng hợp lý.
Trên cơ sở đó, Việt Nam và Trung Quốc xác định phạm vi phân định và xác định đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ đi qua 21 điểm có tọa độ địa lý xác định, nối các đoạn thẳng với nhau. Việt Nam được 53,23% diện tích vịnh, Trung Quốc được 46,77% diện tích vịnh.
Tuy nhiên, cho đến nay, trong dư luận vẫn tồn tại những nhận xét, đánh giá khác nhau về kết quả của việc phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thậm chí có người cho rằng, Việt Nam đã từ bỏ đường biên giới biển lịch sử trong vịnh Bắc Bộ theo Công ước Pháp Thanh 1887 để thỏa thuận một đường phân định mới bất lợi cho Việt Nam, cả về diện tích, lẫn tài nguyên thiên nhiên.
Bài học cho Việt Nam trong đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông |
Liệu những đồn đoán này có đúng không?
Để làm rõ sự thật này, trước hết, chúng tôi xin trả lời câu hỏi trong vịnh Bắc Bộ đã có đường phân định do lịch sử để lại không?
Theo Công ước Pháp - Thanh ký năm 1887: "các đảo phía đông kinh tuyến Paris 105°43', kinh độ đông, tức là đường bắc - nam đi qua điểm cực đông của đảo Tch'a Kou hay Ouan-chan (Trà Cổ) và làm thành biên giới cũng được cho là của Trung Hoa. Các đảo Go- tho và các đảo khác phía tây kinh tuyến này thuộc về An Nam.
Những người Trung Hoa phạm pháp hoặc bị cáo buộc phạm pháp tìm nơi trú ẩn tại các đảo này, sẽ bị, theo quy định của điều 27 của Hiệp định ngày 25/4/1886, tìm kiếm, bắt giữ và dẫn độ bởi Chính quyền Pháp".
Căn cứ vào nội dung này, rõ ràng là Công ước không nói rằng kinh tuyến 105°43’ Paris, tức là kinh tuyến 108°3’13’’ Greenwich, là ranh giới phân định biển cho toàn bộ Vịnh Bắc Bộ.
Bản đồ đính kèm Công ước vẽ ranh giới dọc theo kinh tuyến 105°43’ Paris từ cực đông đảo Trà Cổ ra biển và ngừng cách đảo khoảng 5 hải lý chứ không phải kéo dài đến cửa vịnh.
Như vậy, kinh tuyến 105°43’ Paris trong Công ước Pháp-Thanh chỉ phân chia đảo và phân chia lãnh hải ven bờ.
Xuất phát từ sự thật nói trên, trong quá trình chuẩn bị phương án đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ vòng 3, đoàn đàm phán Việt Nam, trên tinh thần khách quan, cầu thị, đã đề nghị phía Việt Nam không duy trì chủ trương cho rằng trong vịnh đã có biên giới theo Công ước Pháp Thanh 1887.
Thay vào đó, khi đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, Việt Nam thỏa thuận theo nguyên tắc của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Đó là nguyên tắc thỏa thuận, có tính đến mọi hoàn cảnh liên quan, để phân định vịnh Bắc Bộ đảm bảo tính công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, một số học giả cũng còn có những băn khoăn về cách vạch “đường trung tuyến” đã được thể hiện trên bản đồ kèm theo Hiệp ước này.
Họ cho rằng, trong phần lớn vùng biển hữu quan trong vịnh Bắc Bộ, bờ biển Việt Nam và Trung Quốc đối diện nhau, nên đường phân định đáng ra phải được vạch theo đúng đường trung tuyến.
Nhưng đường phân định dường như không theo đúng đường trung tuyến với tư cách là một nguyên tắc của phân định ranh giới biển.
Liệu nhận xét này có đúng không?
Để làm sáng tỏ vấn đề này, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu xem trong thực tiễn quốc tế, người ta đã vận dụng nguyên tắc này như thế nào?
Qua một số bản án của Tòa án Trọng tài quốc tế, nhất là vụ xét xử việc phân định biển Manche giữa Pháp và Anh, các thẩm phán bình luận rằng "trung tuyến là phương pháp thường được sử dụng trong phân định, nhưng không phải lúc nào phương pháp này cũng đảm bảo được nguyên tắc công bằng".
Nguyên nhân là trung tuyến sẽ được xác định tính từ các điểm cơ sở nhất định mà những điểm này thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện hữu của các vị trí địa lý được thống nhất lựa chọn, nằm dọc theo bờ biển của mỗi bên để tính toán xác định.
Chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia không ai được nhân nhượng |
Thông thường đường trung tuyến phải điều chỉnh do phải tính đến các hoàn cảnh, điều kiện có liên quan. Vì vậy khó có thể có một “trung tuyến” duy nhất và đích thực là trung tuyến theo đúng định nghĩa khoa học.
Trong một khu vực biển có thể có nhiều trung tuyến có điều chỉnh thích hợp, phụ thuộc vào phương pháp tính toán xác định của các chuyên gia kỹ thuật.
Luật sư Brice Clagett, Mỹ, một chuyên gia trong lĩnh vực phân định biên giới trên biển, từng nhận xét "việc vạch ranh giới phải dựa trên cơ sở địa lý, nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển chỉ là một thước đo phỏng chừng cho sự công bằng".
Dù tỷ lệ diện tích bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển, vẫn có thể tồn tại những sự bất công mà nguyên tắc tỷ lệ chiều dài bờ biển không phát hiện được.
Vì vậy cần phải xét đến các khía cạnh địa lý, quan trọng nhất là đường trung tuyến được vạch giữa những điểm nào và ảnh hưởng của các đảo của Việt Nam và Trung Quốc trong việc vạch và điều chỉnh đường trung tuyến.
Xuất phát từ những phân tích này và căn cứ vào những điều kiện địa lý cụ thể của vịnh Bắc Bộ, đường phân định vịnh Bắc Bộ cuối cùng là một trung tuyến có điều chỉnh là một giải pháp đáp ứng được nguyên tắc công bằng mà hai bên đã chấp nhận.
Cụ thể là ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ là một đường trung tuyến có điều chỉnh. Đảo Cồn Cỏ được 50% hiệu lực, đảo Bạch Long Vĩ được khoảng 25% hiệu lực.
Tỷ lệ diện tích Việt Nam, Trung Quốc đạt được là 1.135:1, gần bằng tỷ lệ chiều dài bờ biển Việt Nam, Trung Quốc 1.1:1.
Do đó, Hiệp định vịnh Bắc Bộ đã được phân định phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế, hợp tình hợp lý, vì nó đảm bảo được sự công bằng mà hai bên chấp nhận được.
Vấn đề hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ: Đồng thời với việc ký kết Hiệp ước phân định, hai bên cũng đã thỏa thuận ký Hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung, với nội dung quan trọng được nêu tại phần II, Ðiều 3:
“Hai Bên ký kết nhất trí thiết lập Vùng đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước, nằm về phía Bắc của đường đóng cửa vịnh Bắc Bộ, về phía Nam của vĩ tuyến 20° Bắc và cách đường phân định được xác định trong Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (dưới đây gọi tắt là "Ðường phân định") 30,5 hải lý về mỗi phía”.
Đây là một thỏa thuận hợp tình hợp lý, thể hiện thiện chí của phía Việt Nam. Bởi vì, trong quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đã chủ động đề xuất việc ký kết Hiệp định Hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ mà phạm vi điều chỉnh của nó được gọi là “Vùng đánh cá chung” trong vịnh Bắc Bộ.
Trung Quốc lập luận rằng đây là giải pháp quá độ để tạo điều kiện cho ngư dân địa phương liên quan của hai nước đã từng đánh bắt cá trong vịnh Bắc Bộ theo truyền thống có thời gian chuyển đổi kế sinh nhai.
Quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông tới đâu? |
Sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ, phía Việt Nam đã đồng ý ký kết Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ, vì những lý do sau đây:
a. Hiệp định hợp tác nghề cá trong vùng biển đã có đường phân định cuối cùng cũng là một tiền lệ của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Nhiều quốc gia ven biển khi ký kết Hiệp ước Hoạch định biển cũng có tính đến việc áp dụng giải pháp quá độ này.
Bởi vì, suy cho cùng việc phân định vùng biển chồng lấn cũng xuất phát từ mục tiêu là tạo ra môi trường ổn định, bền vững cho việc khai thác hải sản có hiệu quả nhất, đảm bảo sự tồn tại, phát triển của cộng đồng ngư dân.
b. Việc ký Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ xuất phát từ chủ trương đúng đắn, trước sau như một, của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc duy trì và củng cố mối quan hệ mọi mặt với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc, theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thượng tôn pháp luật.
c. Việc ký kết Hiệp định này bắt nguồn từ truyền thống “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”; phát huy bản chất hòa hiếu, nhân văn của Dân tộc Việt Nam trong quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Nhân dân Trung Quốc được vun đắp, duy trì qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
d. Việc ký kết Hiệp định này không làm thay đổi nội dung của Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ đã được ký kết theo đúng nguyên tắc công bằng và hoàn toàn phù hợp với thủ tục pháp lý hiện hành của mỗi nước.
Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000 xác định một cách chuẩn xác, rõ ràng đường phân định, đi qua 21 điểm được thể hiện trên bộ hải đồ do 2 bên hợp tác thành lập, đã phân chia rõ ràng phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi nước.
Vì vậy, khi tính đến một hình thức hợp tác nào đó, dù là hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật hay an ninh, quốc phòng… hai bên đều phải tuyệt đối tuân thủ Hiệp ước phân định này.
Như vậy, khi đến hết thời hạn thi hành (tháng 6/2019, sau 15 năm thực hiện), Hiệp định Hợp tác Nghề cá vịnh Bắc Bộ sẽ chấm dứt hiệu lực.
Hai phía Việt Nam và Trung Quốc cần phải chấp hành đầy đủ nội dung Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000 để xử lý tất cả các quan hệ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng xảy ra trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, để các quyền và lợi ích chính đáng trong các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên đã được phân định dứt khoát, rõ ràng.
Bởi vì, 15 năm là thời gian đủ để cộng đồng ngư dân địa phương có liên quan đôi bên thích nghi với kế sinh nhai mới.
Nếu kéo dài thêm thì sẽ có thể “lợi bất cập hại”, thành quả của quá trình đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ có nhiều khả năng bị vô hiệu và tình trạng tranh chấp trong vịnh Bắc Bộ vẫn tiếp tục tồn tại, gây bất ổn đến môi trường sống, sản xuất của cộng đồng ngư dân, có tác động tiêu cực đến quan hệ chính trị giữa 2 nước.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chấm dứt khả năng hợp tác với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ trên những lĩnh vực khác nhau, dưới những hình thức mà hai bên có thể chấp nhận được.
Tất nhiên khả năng hợp tác đó không còn mang ý nghĩa tạm thời, quá độ nữa, mà là sự hợp tác dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi, đặc biệt là phải dựa vào đường phân định vịnh Bắc Bộ của Hiệp ước phân định năm 2000 để xác định quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi bên khi tiến hành bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào.
Giá trị pháp lý và ý nghĩa thực tiễn
Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xác định rõ phạm vi, tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước tiến hành bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển bền vững vịnh Bắc Bộ, duy trì ổn định, tăng cường tin cậy và phát triển quan hệ chung giữa hai nước.
Các thỏa thuận quốc tế này cũng đóng góp rất có giá trị cho luật pháp và thực tiễn trong việc phân định ranh giới biển nói chung và ranh giới biển trong vịnh nói riêng, phù hợp với nguyên tắc phân định ranh giới các vùng biển, thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển nằm đối diện hoặc kế cận mà UNCLOS đã quy định.
Đây thực sự là một bài học quý giá cho việc đàm phán giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ, nhất là những tranh chấp trên các vùng biển và hải đảo trong Biển Đông trong tình hình hiện nay.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia luật biển và dư luận, việc ký kết Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ hai nước.
Lần đầu tiên Việt - Trung Quốc có một đường biên giới trên biển rõ ràng, bao gồm biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ có giá trị quốc tế, được thỏa thuận vạch ra phù hợp với nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982 và thực tiễn quốc tế.
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, hai bên đã cùng nhau giải quyết, xử lý một cách có tình có lý mọi hoạt động khai thác hải sản trong vịnh Bắc Bộ; đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ngư dân hai bên từng bước chuyển đổi kế sinh nhai, đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài của họ.
Điều quan trọng nữa là bằng việc triển khai thi hành Hiệp ước này đã giúp cho các cơ quan quản lý, cũng như các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, rút ra được những bài học có ý nghĩa thực tiễn cho quá trình tổ chức thi hành Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ.
Như vậy, kể từ sau khi Cơ quan quyền lực cao nhất của hai nước đã phê chuẩn, trong vịnh Bắc Bộ đã có đường biên giới rõ ràng, được xác định cụ thể bằng các tọa độ địa lý, hai bên đều hoàn toàn có quyền triển khai tất cả các hoạt động trong phạm vi vùng biển được phân định thuộc các quyền hợp pháp của mình, không bên nào được phép gây khó khăn, cản trở và phá hoại, trừ trường hợp đã được quy định tại Điều VII, Hiệp ước phân định đó là:
“Trong trường hợp có các cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định quy định tại Điều II của Hiệp định này, hai Bên ký kết phải thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thoả thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ khoáng sản nói trên cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác”.
Vùng chồng lấn, vấn đề hoạch định ranh giới biển và thực tiễn Việt Nam |
Và, với nội dung này, nếu bên nào đơn phương tiến hành khai thác dầu khí hay bất kỳ loại khoáng sản nào ở vùng giáp ranh mà cấu trúc của mỏ dầu khí hay khoáng sản đó nằm vắt qua đường ranh giới đã được phân định là đã vi phạm Hiệp ước đang có hiệu lực.
Cần phải lên án và có thể áp dụng các biện pháp xử lý theo đúng quy định của Hiệp ước phân định, phù hợp với Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.
Tất nhiên, trước khi lên tiếng phản đối hay trước khi tiến hành ngăn cản các hoạt động đơn phương này, các cơ quan quản lý có liên quan cần nắm vững và cung cấp các bằng chứng cụ thể, chính xác, không thể tùy tiện phản ứng và tiến hành các hoạt động cản trở các hoạt động khai thác đó nếu chưa có đủ bằng chứng đủ sức thuyết phục.
Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và chia sẻ phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 11/4/2019, trong họp báo thường kỳ tại Hà Nội, khi báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước các thông tin trên mạng xã hội cho rằng giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được đưa vào hoạt động tại khu vực vịnh Bắc Bộ: "Các cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin như vừa nêu”.
Tuy nhiên, "Hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của hiệp ước trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông".
Thiết nghĩ đó mới là cách ứng xử thận trọng, đúng mực; thể hiện đầy đủ trách nhiệm của một bên ký kết; đồng thời cũng là điều lưu ý đối với các lực lượng chức năng của Việt Nam trong việc phải chủ động theo dõi, thu thập và cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác để phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông nói chung và trong vịnh Bắc Bộ nói riêng.