Một vụ việc đang gây nghi ngờ về cách xử lý ở Bình Dương

07/05/2020 06:06
Sông Hương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Công an tỉnh Bình Dương sẽ yêu cầu định giá 43ha đất ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để xác định giá trị thiệt hại thực tế.

Ngày 5/5/2020, Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức buổi họp báo, để thông tin về vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây ra thất thoát và lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất Nhập khẩu Bình Dương.

Phát biểu tại buổi họp báo này, Đại tá Trần Văn Chính – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin, kết quả điều tra xác định khu đất 43ha đất tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là tài sản của Nhà nước, được giao cho Tổng Công ty Sản xuất – Xuất khẩu Bình Dương quản lý, sử dụng.

Lô đất 43ha ở Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương bị cơ quan Công an xác định có nhiều sai phạm (ảnh: CTV)
Lô đất 43ha ở Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương bị cơ quan Công an xác định có nhiều sai phạm (ảnh: CTV)

Việc này nhằm thực hiện chủ trương của tỉnh về đầu tư Dự án Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương.

Năm 2016, Tổng Công ty Sản xuất – Xuất khẩu Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư – Xây dựng Tân Phú (Tân Phú) với giá hơn 250 tỷ đồng. Giá này là do hai bên tự thỏa thuận với nhau.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, vụ chuyển nhượng đất đai này đã thực hiện không các quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản, được quy định tại điều 27 của Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, gây thất thoát số tiền gần 127 tỷ đồng, so với bảng giá đất quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tại thời điểm chuyển nhượng là năm 2016.

Cho tới nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương sẽ yêu cầu định giá, để xác định giá trị thiệt hại thực tế của lô đất này.

Ngày 7/4/2020, Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải (đều là lãnh đạo của Tổng Công ty Sản xuất – Xuất khẩu Bình Dương) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được quy định tại điều 219 của Bộ Luật Hình sự.

Cơ quan điều tra cũng khẳng định, cho đến nay, đã bàn giao lô đất 43ha này cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Ủy ban nhân dân phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một quản lý.

Cơ quan trung ương nên vào cuộc

Sự việc mà dư luận rất quan tâm đến khu đất 43ha khu đô thị Tân Phú không phải là do khu đất này liên quan đến vụ án “Vi phạm về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, mà lô đất được quan tâm ở khía cạnh khác. Đó chính là việc lãnh đạo tỉnh Bình Dương thể hiện ý định thu hồi lô đất này từ tay doanh nghiệp. Ý định này đó được thể hiện trong các tuyên bố khu đất này là “đất công” mà quan chức tỉnh Bình Dương đã nhiều lần phát biểu.

Ngoài ra, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến khu đất này không phải là giá trị của nó mà là những thông tin mâu thuẫn về khu đất, đặc biệt là nhiều thông tin sai sự thật dẫn đến việc “loạn thông tin”, nên cần có một phát ngôn chính thức, đúng đắn đến từ cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Bình Dương.

Song, với những thông tin như buổi họp báo đã công bố, một lần nữa làm không ít người thất vọng.

Cụ thể, thông tin của Công an tỉnh Bình Dương cho thấy, Công an tỉnh Bình Dương ban hành quyết định tố tụng về “thu giữ đồ vật tài liệu” là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Song, cơ quan này lại “thu giữ” của khu đất 43ha là không đúng với nội dung các quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu.

Bởi lẽ, đối tượng thu giữ là 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khu đất này không phải là đối tượng thu giữ nhưng lại được Công an tỉnh Bình Dương “thu giữ” và giao cho UBND tỉnh Bình Dương, dẫn đến việc hoài nghi rằng quyết định tố tụng trên là chính là biện pháp để thu lô đất 43ha của doanh nghiệp.

Điều đáng nói nhất là việc Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, Công ty Tân Phú chưa đăng ký biến động quyền sử dụng đất kể từ khi Công ty Kim Oanh mua 100% vốn góp của Công ty Tân Phú nên chưa đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất theo Điều 188 Luật đất đai.

Đây là một quan điểm hoàn toàn không có căn cứ pháp luật.

Khu đất này đã được, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú ngày 8/12/2016. Công ty Tân Phú đã được cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất ngày 1/3/2017. Theo quy định của pháp luật, Công ty Tân Phú là chủ sử dụng đất hợp pháp, có quyền đầy đủ đối với khu đất này, bao gồm quyền cho thuê, chuyển nhượng, thế chấp khu đất.

Khi Công ty Kim Oanh mua 100% vốn góp để trở thành chủ sở hữu của Công ty Tân Phú, thì chỉ có sự thay đổi thành viên góp vốn của Công ty Tân Phú, hoàn toàn không có sự biến động về sử dụng đất. Do đó, đòi doanh nghiệp phải “đăng ký biến động quyền sử dụng đất” khi có sự thay đổi thành viên góp vốn của doanh nghiệp là một đòi hỏi phi lý, không có căn cứ pháp luật.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fanci thì Công an tỉnh Bình Dương viện dẫn Điều 188 Luật Đất đai để cho rằng Công ty Tân Phú không có quyền thế chấp tài sản là viện dẫn sai, áp dụng sai pháp luật vào tình huống cụ thể này.

“Công ty Tân Phú là chủ sử dụng đất hợp pháp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 1/3/2017, có quyền thế chấp khu đất để vay vốn theo đúng Điều 188 Luật Đất đai. Việc lấy điều luật này để cho rằng, Công ty Tân Phú không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn là nói không đúng, viện dẫn sai quy định của pháp luật”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS Hà Nội cho rằng, việc nói doanh nghiệp phải “đăng ký biến động” quyền sử dụng đất khi có thay đổi chủ sở hữu vốn góp trong doanh nghiệp là vô căn cứ, không đúng quy định của pháp luật. Vì, chỉ đăng ký biến động khi thay đổi chủ sử dụng đất, chứ không đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi thay đổi… chủ doanh nghiệp.

Cần phải nói thêm, cho đến khi Công an tỉnh Bình Dương có quyết định “tạm giữ đồ vật, tài liệu” là 2 sổ đỏ của khu đất 43ha, khu đất này là quyền sử dụng đất hợp pháp của Công ty Tân Phú, không bị pháp luật hạn chế giao dịch. Vì vậy, Công ty Tân Phú hoàn toàn có quyền thế chấp, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Công ty chỉ bị hạn chế khi có quyết định ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, việc thế chấp hoặc đề nghị thế chấp khu đất để vay vốn là quyền hợp pháp của chủ sử dụng đất, pháp luật cho phép trong Bộ luật dân sự và Luật Đất đai. Điều này cho thấy những giải thích của Công an tỉnh Bình Dương là không đúng.

Như vậy, nhìn lại toàn bộ vụ việc này từ năm 2018 đến nay, từ khi khu đất bị gán cho từ “đất công”, hàng loạt những việc làm đến từ chính quyền tỉnh Bình Dương khiến cho doanh nghiệp lao đao. Việc “nói và làm” của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương có nguy cơ khiến vụ việc trở thành một “kỳ án”.

Do vậy, để tránh một vụ án oan sai, ngay từ lúc này rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo từ các cơ quan tố tụng trung ương là Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao. Đây là việc làm cần thiết để quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp được bảo vệ.

Sông Hương