Trong tháng 7/2019, Học viện Quản lý Giáo dục đã từng tiến hành khảo sát với các học viên là cán bộ quản lý cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tại 3 tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nam.
Theo đó, với 367 ý kiến thu về, 100% các ý kiến đều cho rằng các trường phổ thông hiện nay còn nhiều lãng phí, trong đó tập trung nhiều lãng phí ở cơ sở vật chất, tài chính, thời gian.
Ngành giáo dục đang lãng phí quá nhiều |
Bên cạnh đó nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công lập đều có ý kiến cho rằng nguồn tài chính hạn hẹp, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Vậy tại sao lại có sự lãng phí? Khi tìm hiểu sâu vấn đề này sẽ thấy rằng việc lãng phí không chỉ do cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh của trường mà còn do cơ chế quản lý.
Có rất nhiều ví dụ về sự lãng phí trong giáo dục có thể nhìn thấy rõ. Thậm chí một số cá nhân còn lợi dụng điều này để trục lợi cho mình.
Nhìn từ miền xuôi đến miền ngược, từ những tỉnh thành phố lớn cho đến các tỉnh vùng cao không đâu là không có những biểu hiện lãng phí trong giáo dục.
Cô giáo N.T.H (Mường Khương, Lào Cai) thẳng thắn: “Có nhiều cuộc thi và phong trào được tổ chức rất hình thức. Chẳng hạn như cuộc thi tìm hiểu về xe máy điện, xe phân khối lớn.
Trong khi các học sinh của tôi toàn đi bộ đến trường. Như vậy có phải là lãng phí thời gian và kinh phí tổ chức các cuộc thi này hay không?”.
Nhiều công trình,trường học bỏ hoang gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước (Ảnh minh họa: Quân đội Nhân dân) |
Ở huyện Xín Mần (Hà Giang), có giáo viên phản ánh: Học sinh trong trường có quá nửa hộ nghèo thế nhưng năm nào phòng Giáo dục cũng chỉ đạo phải mua sách giáo khoa mới, đồ dùng học tập mới.
Tại các tỉnh miền xuôi đặc biệt là ở những tỉnh/thành phố lớn sự lãng phí trong giáo dục còn lớn hơn nhiều. Có thể lấy ví dụ như một số cuộc thi tổ chức trên mạng, các phong trào thi đua nặng về hình thứ. Rồi chuyện nâng hạng cho giáo viên, chuyện chứng chỉ tiếng Anh, tin học...
Có giáo viên hợp đồng tại Hà Nội, lương chỉ khoảng 1.2 triệu đồng/ tháng nhưng đành bấm bụng bỏ ra số tiền từ 3-5 triệu đồng để có chứng chỉ tiếng Anh, tin học theo đúng quy định. Vấn đề lãng phí ở đây là những tấm chứng chỉ đó chẳng được sử dụng cũng chẳng giúp nâng cao trình độ cho giáo viên.
Trong khi đời sống giáo viên nhiều nơi còn nhiều khó khăn với mức thu nhập thấp. Nhiều giáo viên mức lương còn thấp hơn cả lương phụ vữa. Thậm chí ngay tại Thủ đô Hà Nội có những giáo viên vẫn chỉ nhận trên dưới 1 triệu đồng.
Thế nhưng những con số lãng phí, thất thoát trong giáo dục vẫn như “trêu ngươi”cười đùa trên khó khăn của nghề giáo. Nếu số tiền trên được sử dụng hiệu quả hoặc dùng để tăng lương, nâng cao đời sống cho giáo viên thì thiết thực biết mấy.
Nhiều cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên bị phản ánh là vô bổ, nặng hình thức (Ảnh minh họa:hanoimoi.com) |
Phóng viên từng có dịp thăm những ngôi trường vùng cao phải “chạy đua”để đạt chuẩn Quốc gia. Đằng sau những căn phòng học quy mô,hoành tráng nhưng phủi đầy bụi là một góc giáo viên của trường phải chắt chiu từng giọt nước, từng nguồn điện để phục vụ sinh hoạt.
Những học sinh ăn mặc phong phanh, cơm chẳng có mà ăn nhưng năm nào cũng phải bỏ mấy trăm nghìn đồng để mua sách vở mới chỉ để....đẹp mặt nhà trường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục:
“Có thể thấy trong giáo dục Việt Nam còn nhiều lãng phí, lãng phí nhân lực do đào tạo không gắn với sử dụng hoặc tuyển dụng không dựa trên vị trí việc làm, năng lực chưa đáp ứng. Lãng phí về cơ sở vật chất do chất lượng vật tư, phương tiện, thiết bị giáo dục thấp.
Lãng phí tài chính do đầu tư không đúng, mua sắm thiếu kế hoạch, hoặc mua những thứ không cần thiết. Lãng phí thời gian do thủ tục rườm rà. Lãng phí tư duy, cơ hội do không nhận ra cơ hội để đón bắt hoặc do thiếu quyết đoán.
Trong quản lý nhà trường, sự lãng phí tư duy, lãng phí phương pháp thể hiện ở chỗ chưa huy động được trí tuệ tập thể giải quyết các vấn đề của tổ chức, hoặc phương pháp làm việc chưa phù hợp.
Có thể thấy sự lãng phí đang hiện diện ở khắp nơi, mọi nơi trong các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng”.
Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa |
Vị chuyên gia này cũng đề xuất: Trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì giải quyết vấn đề lãng phí là việc làm cần thiết để có thêm điều kiện cho đổi mới.
Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các việc làm hàng ngày của lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường sẽ tác động đến học sinh để hình thành ở các em năng lực hình thành tiết kiệm.
Tại buổi Hội thảo: “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí” do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 chỉ ra những nguyên nhân gây lãng phí trong giáo dục:
“Có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng chủ quan thì tôi thấy chính là do trình độ con người rất yếu, không biết dự báo, không biết nhìn xa trông rộng…cũng phải nói thêm đây là sản phẩm của chúng ta.
Cũng phải nói thêm là bệnh thành tích, bệnh thích và chưa kể là thích tham nhũng vì cứ có dự án là có tiền. Đấy là một bối cảnh đẻ ra chuyện lãng phí mà trong đó có lĩnh vực giáo dục, phải khẳng định như vậy".
Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo và chỉ ra sự thất thoát, lãng phí trong giáo dục (Ảnh:L.C) |
Tiến sĩ Bùi Thị An cũng phân tích thêm: "Việc đẻ ra các trung tâm giáo dục, cũng phải nói có những lúc, có giai đoạn có những địa phương đáp ứng được nhu cầu, nơi vùng sâu vùng xa người ta không có điều kiện đến trường phổ thông để đi học được, thì những trung tâm này lại đáp ứng được chuyện đó.
Nhưng còn lại nhiều nơi mà đặc biệt là những thành phố lớn tôi thấy là quá lãng phí.
Trước thực trạng như hiện nay thì phải thế nào? Thực trạng thì mọi người đã rõ và lãng phí cả địa điểm, nhân sự, bộ máy thì cồng kềnh, dãn ra thì dễ nhưng thu hẹp thì rất khó".
Có thể thấy tình trạng lãng phí trong giáo dục là điều được chính những người trong cuộc và xã hội nhìn thấu.
Và có 1 nghịch lý rằng: Trong khi nhiều địa phương vẫn còn đang “kỳ kèo” thêm bớt 100.000 đồng – 200.000 đồng tiền lương cho giáo viên, tệ hơn còn tìm mọi cách để không đóng bảo hiểm cho người lao động thì vẫn còn đó những số tiền hàng trăm tỷ đồng cho những công trình bỏ hoang, cho những sự lãng phí vô tội vạ.