Có thể đưa ra cả tá kết luận về lý do vì sao Manchester United đang dẫn trước Man City 12 điểm (khoảng cách đã có lúc là 15 điểm trước khi Man City thắng Chelsea vào đêm qua).
Vậy khoảng cách giữa Manchester United và phần còn lại của giải đấu phải chăng đang cho thấy Premier League là giải đấu “độc quyền” của "Quỷ đỏ"?
Có vẻ như vậy, và điều đó được thể hiện không chỉ ở Premier League, mà còn ở Champions League. Kể từ năm 2004 tới 2011, ít nhất 3 đội bóng Premier League lọt vào vòng 16 đội, và có 5 lần tất cả các đại diện của Anh đều lọt vào vòng knock-out. Tiêu điểm là năm 2008, khi 3 đội lọt tới bán kết, và trận chung kết toàn Anh diễn ra tại Moscow.
Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi, nhất là qua 2 mùa gần nhất, chỉ có 2 đội trụ được qua vòng bảng. Điều đó thực sự rất khác xa so với cách đây 5 năm, khi Liverpool, Chelsea, Arsenal và Man Utd đều bỏ khá xa so với phần còn lại của Premier League và tất cả đều là những ứng cử viên vô địch Champions League.
Kể từ đó, tài chính hạn hẹp do xây sân Emirates đã khiến Arsenal dần trượt khỏi top 4 và mất đi nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới, trong mùa giải này nguy cơ đó hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Chelsea thay HLV liên tục và cũng vì thế lúc thành công lúc thất bại. Liverpool thì sau mùa 08/09 đến khá gần chức vô địch thì giờ đã văng khỏi nhóm dự Champions League và thậm chí chật vật để kiếm vé đi Europa League. Man City, đối thủ cạnh tranh lớn nhất lúc này của Man Utd, thì đang là nhà ĐKVĐ Premier League nhưng đã 2 năm bị loại từ vòng bảng ở châu lục.
Còn Manchester United? Họ chưa bao giờ kết thúc mùa giải ngoài top 3 kể từ khi Premier League ra đời.
Lý do?
Có cả tá lý do để lý giải vì sao Manchester United đến bây giờ vẫn đang thành công ở Premier League. Trong đó có lý do rằng họ có rất nhiều tiền để mua cầu thủ giỏi về thi đấu.
Nói về lý do này, thì đó là một cái may cho Man Utd. Vì sao lại là may? Sir Alex Ferguson là một huấn luyện viên vĩ đại, rõ ràng là như vậy, nhưng ông cũng là người gặp thời khi dẫn dắt Man Utd đi vào kỷ nguyên mà bóng đá đã được toàn cầu hóa. Premier League ra đời, công nghệ truyền hình phổ biến giải đấu này tới khắp thế giới, và khi Internet trở thành sản phẩm toàn cầu, cái tên Manchester United – một đội bóng thành công ở Premier League – đã đi tới từng ngõ ngách trên khắp hành tinh. Khi mà người hâm mộ CLB càng nhiều, Man Utd càng thu về lợi nhuận khổng lồ, và đó là tiền mà họ đã dùng để mua cầu thủ. Họ đã thành công trong giai đoạn mà cả thế giới tiếp cận được với bóng đá Anh, trong khi những đội bóng vĩ đại ở những thời đại khác lại không gặp thời cơ như thế.
Tuy nhiên, có một lý do khác quan trọng hơn, đó là khả năng chịu đựng những biến cố.
Bất kỳ đội bóng đá chuyên nghiệp nào cũng sẽ phải trải qua một giai đoạn biến động nhất định, vì những lý do chủ quan hay khách quan (ví dụ: 2 cuộc chiến tranh Thế giới). Do tình hình chính trị - xã hội nước Anh ngày nay đã ổn định, đa phần những biến động xảy ra ở các CLB là do nguyên nhân chủ quan.
Cách đây 7 năm, Man Utd đang trong giai đoạn chuyển giao |
Rất dễ thấy những ví dụ. Newcastle được bán cho Mike Ashley, nhân vật bị ghét nhất ở thành phố này. Chelsea chuyển sang tay của Roman Abramovich, người không hề làm cho tình hình CLB được yên ổn khi thay HLV liên tục. Liverpool cũng chuyển chủ sở hữu từ Hicks & Gillett sang ông John W. Henry và bỏ dở dự án xây SVĐ Stanley Park mà họ đã đổ khá nhiều tiền vào. Man City cũng vừa mới trải qua một giai đoạn đổi chủ từ Thaksin Sinawatra sang Sheik Mansour và vẫn chưa thể ổn định hoàn toàn. Còn Arsenal vẫn chưa hết chịu di chứng của dự án xây sân Emirates từ cách đây hơn 7 năm.
Manchester United cũng có biến động của riêng họ. Đó là giai đoạn trước và sau khi Malcolm Glazer đến và sở hữu Manchester United vào giữa thập niên trước. Và đó là giai đoạn mà Man Utd phải cạnh tranh danh hiệu một cách khốc liệt với Arsenal của Arsene Wenger và Chelsea của Jose Mourinho.
Chỉ có điều, trong khi các CLB vẫn ít nhiều chịu hệ quả từ những biến động của họ, Man Utd đã sớm vượt qua giai đoạn biến động ấy để tiếp tục thành công.
Sau 2 mùa giải Chelsea vô địch Premier League từ 2004/05 tới 05/06, Man Utd trở lại với 3 chức vô địch Ngoại hạng và 1 cúp Champions League, mà trong giai đoạn đó chứng kiến sự xuất hiện của Wayne Rooney, Edwin Van der Sar, Nemanja Vidic và đặc biệt là Cristiano Ronaldo. Những cầu thủ này đều tới Old Trafford trong khoảng giai đoạn nhà Glazer xuất hiện, và họ đều là trụ cột khi Quỷ Đỏ đoạt cú đúp danh hiệu năm 2008.
Sir Alex Ferguson suýt nghỉ hưu vào năm 2002 nhưng ông đã ở lại và Man Utd trụ vững qua thời kỳ biến động hậu-Glazer để tiếp tục thành công |
Bên cạnh đó, Man Utd còn có cả những cầu thủ xuất chúng khác, một số luôn sẵn sàng ra sân từ băng ghế dự bị. Michael Carrick, Patrice Evra, Carlos Tevez… song hành cùng những cựu binh như Ruud Van Nistelrooy, Gary Neville, Paul Scholes, Ryan Giggs. Chiều sâu đội hình đã được Sir Alex Ferguson xây đắp, và họ đã trụ vững qua giai đoạn khó khăn để đạt tới một thời điểm thành công khác.
Khó có thể nói điều đó sẽ xảy ra nếu như Sir Alex Ferguson nghỉ hưu theo đúng dự định ban đầu của mình, đó là sau mùa giải 2001/02. Và cũng may rằng uy tín của Fergie ở CLB đủ lớn để khiến những người Mỹ không dám động đến ông, và CLB trải qua một giai đoạn ổn định về con người.
Do vậy, sự “độc quyền” Premier League của Manchester United phần nhiều là do đội bóng này đã xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc dựa trên sự ổn định. Những đội bóng khác không có được điều này do họ phải lo vấn đề tiền nong (Arsenal, Liverpool, Man City thời tiền Arab…) hoặc do chính họ tự gây mất ổn định nội bộ CLB (Chelsea).
Nhưng liệu Man Utd có thể độc quyền Premier League được bao lâu nữa, khi Sir Alex Ferguson không phải là bất tử?
Hoàng Quân