Năm 2014 không phải là năm chẵn cho những kỷ niệm lớn (84 năm thành lập Đảng, 69 năm thành lập nước, 19 năm gia nhập Asean…) nhưng là năm có nhiều sự kiện trong nước và quốc tế tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân và các nhà hoạch định chính sách.
Các sự kiện chiến tranh ở châu Phi, ở Ucraina, Trung Quốc đưa dàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông có thể cách xa nhau về địa lý song đều nằm trong mối liên hệ tổng thể về tham vọng lãnh đạo thế giới của các nước lớn mà các quốc gia vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam phải cảnh giác.
Theo thống kê năm 2013, Việt Nam về dân số đứng hàng thứ 14, về diện tích đứng thứ 65 trên tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về kinh tế, Ngân hàng thế giới World Bank xếp hạng Việt Nam (theo tiêu chí ngang giá sức mua) đứng thứ 42 trong 177 nền kinh tế toàn cầu, riêng tại Đông Nam Á Việt Nam xếp thứ 6 sau Indonesia,Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore.
Năm 1945 nước ta có khoảng 23 triệu dân và khoảng 5.000 đảng viên, ngày nay với chín mươi triệu dân, số đảng viên khoảng hơn ba triệu sáu trăm nghìn người. Tỷ lệ đảng viên trên dân số năm 1945 là gần 0.022%, còn hiện nay vào khoảng 4%, gấp gần 200 lần so với năm 1945.
Khi Đảng mới 15 tuổi, với số lượng đảng viên rất ít nhưng đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, xóa bỏ chế độ phong kiến, lập nên chế độ “dân chủ, cộng hòa”. Sức mạnh của Đảng không phải ở số lượng đảng viên mà ở chỗ mỗi đảng viên là một hạt nhân đoàn kết, chí công vô tư, đi đầu trong mọi hoạt động, làm gương cho quần chúng noi theo. Suốt gần nửa thế kỷ, từ năm 1930 đến 1975, đa số đảng viên đã thực hiện tốt vai trò gương mẫu, hy sinh quyền lợi cá nhân vì dân tộc, vì tổ quốc.
Không thể phủ nhận một thực tế, rằng vị thế quốc gia Việt Nam ngày nay có được chính là nhờ cuộc cách mạng mùa thu tháng Tám năm 1945, chính là nhờ máu xương của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã đổ trong chiến tranh vệ quốc, trong đó rất nhiều người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Về lý mà nói, với số lượng đảng viên như hiện nay, sức mạnh của Đảng phải tăng lên gấp nhiều lần so với năm 1945, thực tế có phải như vậy?
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhân quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và trung thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo. [1]
Lời dạy của Người đã chỉ rõ, sức mạnh của Đảng nằm ở sự trung thực và trong sạch, mất đi sự trong sạch, trung thực là mất đi sức mạnh.
Trong bài đăng trên tạp chí Cộng sản ngày 10/8/2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta”. [2]
Có thể thấy, sự lo lắng của Chủ tịch nước là hoàn toàn có cơ sở. Từ năm 1954 đến 1979, trong một phần tư thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng ba kẻ địch thuộc hàng mạnh nhất thế giới là Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Lịch sử nhân loại không tìm thấy bất kỳ dân tộc nào như dân tộc Việt Nam và tương lai nhân loại cũng khó có thể xuất hiện các ví dụ tương tự về khát vọng độc lập, tự do, về lòng yêu nước của một dân tộc dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản.
Đại từ nhân xưng “chúng ta” trong câu nói của Chủ tịch nước “Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta” cho thấy câu này không phải dành cho nhân dân mà dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.
Không một cá nhân nào, không một tổ chức chính trị, xã hội nào, không một chính phủ nào trong suốt những tháng năm tồn tại lại không hề mắc sai lầm. Cụ Hồ đã khóc khi nhận lỗi với quốc dân, đồng bào về cải cách ruộng đất và chính điều đó đã khiến nhân dân vẫn đặt niềm tin và Đảng, giúp Đảng mạnh thêm, dày dạn thêm trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành thống nhất non sông.
Nếu Đảng, nhất là người đứng đầu như Cụ Hồ không biết nhận lỗi và không biết sửa lỗi trước nhân dân thì không thể có chuyện người dân phá nhà lấy gỗ lát đường cho xe ra hỏa tuyến, không thể có hàng triệu thanh niên sẵn sàng hy sinh cuộc đời vì sự nghiệp mà Đảng lãnh đạo.
Niềm tin của người dân đối với Đảng chưa mất, Đảng Cộng sản vẫn là lực lượng chính trị mạnh nhất hiện nay, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng niềm tin của người dân với đội ngũ cán bộ, với từng đảng viên cụ thể thì đang suy giảm trầm trọng, đó cũng là một thực tế mà các vị lãnh đạo cao nhất đã nhận thấy không phải hôm nay mà từ nhiều năm trước.
Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 14 /1/2010 viết: “Không thể chấp nhận tình trạng trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước ta lại tồn tại những người cán bộ, đảng viên cơ hội, suy nhược bản lĩnh ý chí chiến đấu…”. [3] Ngày nay, những người như Bí thư Đảng Hội An chỉ là những điểm sáng hiếm hoi mà truyền thông đang cố tìm và cố suy tôn.
Tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao chất lượng đảng viên ngày nay lại thấp như vậy” phải bắt nguồn từ một giáo huấn trong trường học, rằng thanh niên, học sinh, sinh viên phải: “phấn đấu vào Đảng”. Một khi “vào Đảng” là mục tiêu của sự phấn đấu thì khi được kết nạp vào Đảng cũng đồng thời là lúc kết thúc quá trình phấn đấu, là bắt đầu quá trình theo cơ chế thị trường. Đúng ra phải nói ngược lại, phải dạy thế hệ trẻ: “vào Đảng để phấn đấu”, phấn đấu cho lý tưởng độc lập, tự do, công bằng, dân chủ. Vào Đảng là một sự tự nguyện, không phải mục tiêu của đời người, còn phấn đấu cho những lý tưởng cao đẹp, vì dân, vì nước mới là hành động suốt đời.
Người Việt vốn có truyền thống tôn vinh những người vì dân, vì nước, thế nên hầu hết thành hoàng làng đều là các vị tướng có công dẹp giặc, giữ yên bờ cõi. Truyền thống ấy cũng được dành cho những đảng viên cộng sản dành trọn cuộc đời cho độc lập dân tộc, no ấm của nhân dân mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Người Việt cũng rất thông minh, hiếu học, nước Việt tài nguyên phong phú, đó là nguồn nội lực không phải nước nào cũng có được.
Trong cuốn “One man’s View of the World” (tổng quan thế giới dưới con mắt một công dân), cựu thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu nhận định về Việt Nam như sau: “Với những con người thông minh như vậy, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, bờ biển dài và đẹp, đáng lẽ Việt Nam phải giàu mạnh từ rất lâu rồi”.
Quả thật với một dân tộc như thế, với một đất nước như thế, việc lãnh đạo không phải là quá khó nếu so với các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, như Singapore... Chỉ cần một lời nói phải, một tấm gương trung thực thì cả làng, cả xã sẽ tự nguyện noi theo. Tiếc rằng bây giờ không ít người lại đi học cách làm giàu bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên.
Muốn thay đổi, hãy nhìn lại thời kỳ cách mạng tháng 8 năm 1945, không cần quá nhiều đảng viên vẫn có thể lãnh đạo cách mạng thành công. Đất nước cần đội ngũ cán bộ công quyền trung thực, có tâm và có tầm trước khi cần các đạo luật, cần một đội ngũ lãnh đạo ít mà tinh hơn là một tập hợp các nhóm lợi ích. Luật pháp chỉ có giá trị trong một xã hội pháp quyền, một khi người phạm pháp chỉ bị xử lý kỷ luật Đảng mà không bị pháp luật nghiêm trị thì các đạo luật chỉ còn là hình thức, không nhất thiết phải có.
Bản thân thuật ngữ “đạo luật” bao gồm hai từ là “đạo” và “luật”, “đạo” đứng trước vì “đạo” quan trọng hơn “luật”. “Đạo” chính là nền tảng tư tưởng, chính trị chi phối tư duy của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”. [4]
Đặt Mác cạnh Giêsu, Cụ Hồ đã tiên liệu một điều không phải ai cũng nhận thấy, ấy là khi chủ nghĩa Mác ngang tầm với “Đạo”, trở thành một đạo như đạo Phật, đạo Thiên chúa… thì mới giành trọn niềm tin của dân, của các tín đồ. “Đạo” không mưu cầu kinh tế, “Đạo” không màng danh lợi, “Đạo” được con người suy tôn, được con người đặt trên đầu mình vì triết lý của đạo là mong mỏi của đời.
Điều mà người dân muốn là Đảng phải trong sạch, các đảng viên phải trung thực chứ không ai đòi hỏi các đảng viên phải nghèo, phải khổ. Người Việt không có tính cố chấp, bảo thủ, không một ai muốn chia rẽ, lòng dân rất chân thành. Muốn dân mến, dân tin thì không được để những tệ nạn, những khuyết tật hệ thống kéo dài thêm nữa, sửa chữa ngay hôm nay đã là muộn, xin đừng để đến ngày mai./.
Tài liệu tham khảo:
[4] http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1078/TUTUONGHOCHIMINHVECONGTACTONGIAO