Theo báo cáo tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập.
Trong đó, số phòng học kiên cố là 545.375 (đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%), tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân của cả nước từ 83% trở lên (theo từng cấp học).
Tuy nhiên, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ kiên cố hóa vẫn thấp hơn bình quân của cả nước.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần tăng cường xã hội hóa giáo dục để giảm tải áp lực lên ngân sách nhà nước trong thực hiện kiên cố hóa trường, lớp. Đặc biệt, ở các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư, ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế và hỗ trợ tín dụng để thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục.
Nhu cầu cao nhưng khả năng tiếp cận nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Ngọc Dũng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Quang Vinh - Lưu Ngọc (Cao Bằng) cho biết: Năm 2010, trường nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong việc xây dựng ngôi trường mới, là nơi học tập của học sinh 2 xã Quang Vinh và Lưu Ngọc (sau sáp nhập thành xã Quang Vinh).
Theo đánh giá của thầy Dũng, trong địa bàn của huyện Trùng Khánh, xã Quang Vinh là khu vực có mặt bằng trình độ dân trí thấp, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn khi nhà ở của các hộ dân thường nằm rải rác ở các thung lũng, cách xa điểm trường lên đến chục cây số.
Không chỉ vậy, các con đường đi đến trường vô cùng hiểm trở, chủ yếu là đi men theo các ngọn núi, sườn đồi. Học sinh muốn đến trường phải đi bộ từ 2 - 3 giờ đồng hồ, vào những ngày mưa lũ thì còn vất vả và gian nan hơn, thậm chí nhiều em không thể đến trường vì các cung đường bị ngập lụt.
Thầy Dũng thông tin, trước khi Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Quang Vinh - Lưu Ngọc được đầu tư xây dựng trở thành một ngôi trường khang trang, số lượng học sinh đến trường còn rất hạn chế và tỷ lệ học sinh học hết lớp 12 của xã Quang Vinh rất thấp, chủ yếu các em học sinh học hết lớp 9 là dừng lại.
Kể từ khi có trường mới, đặc biệt là việc trường được xây dựng khu bán trú hỗ trợ các em học sinh được nghỉ lại tại trường đã giúp số lượng học sinh đến trường ngày một đông hơn, tỷ lệ học sinh học lên bậc trung học phổ thông cũng tăng đều qua mỗi năm.
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy chất lượng giáo dục tại các khu vực miền núi đang ngày càng cải thiện.
Theo chia sẻ của thầy Dũng, tỉnh Cao Bằng là khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhu cầu kiên cố hóa cho cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục rất lớn nhưng khả năng tiếp cận nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng thì lại còn nhiều hạn chế.
Thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của địa phương cùng những dự án đầu tư của nhà nước đã giúp trường nâng cấp cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng được điều kiện cho hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trường mới chỉ đáp ứng lớp học cho học sinh và vẫn còn thiếu nhà công vụ cho giáo viên.
“Năm 2023, trường tiếp tục được nhà nước đầu tư 6 phòng học bộ môn. Đối với phòng Tin học, trường được Tập đoàn FPT đầu tư hệ thống máy vi tính để học sinh được tiếp cận và học tập tốt bộ môn, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đầu năm học 2024, trường đã chủ động mua sắm, bổ sung các trang thiết bị cho phòng ngoại ngữ. Đối với 4 phòng bộ môn còn lại là Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Âm nhạc - Mỹ thuật, Khoa học xã hội chỉ mới kê bàn ghế, bảng đen và vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu của phòng học bộ môn.
Đối với giáo viên, vì trường vẫn chưa có nhà công vụ nên các thầy cô ở xa điểm trường còn bất cập trong việc đi lại, đặc biệt là hạn chế trong việc tìm kiếm không gian xem lại bài vở, nghỉ ngơi trong giờ giải lao”, thầy Dũng trăn trở.
Trong khi đó, Đắk Nông cũng là một tỉnh có vị trí địa lý không thuận tiện khi địa bàn bị chia cắt, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và phần lớn dân cư sống phân tán.
Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế và chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến việc tiếp cận giáo dục của học sinh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều trở ngại.
Theo chia sẻ của cô Phan Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong), việc phân bố dân cư rải rác không chỉ gây khó khăn cho công tác xây dựng đường xá, điện nước của địa phương mà còn ảnh hưởng, cản trở việc đến trường của trẻ đến tuổi đến trường khi phần lớn người dân đều làm nhà ở gần nương rẫy.
Do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, vì vậy công tác kiên cố hóa trường lớp chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của cô Huyền, từ năm 2013 cho đến nay, nhà trường luôn nhận được sự song hành của các tổ chức để hỗ trợ về cơ sở vật chất cũng như các phần quà, học bổng dành cho học sinh.
Điển hình năm 2015 trường được Tập đoàn VinGroup hỗ trợ 15 phòng học lắp ghép làm nhà ở bán trú. Năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông đã hỗ trợ xây dựng giếng khoan, nhà máy lọc nước và phòng thư viện. Năm 2024, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Gia Lâm phối hợp cùng Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 58 máy tính cho học sinh học Tin học.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong việc trao tặng các phần quà, học bổng cho học sinh mỗi năm. Điều đó đã góp phần giúp đỡ nhà trường làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh trong suốt những năm học vừa qua.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Hà Hữu Phong - Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu ( Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) cho biết, ngoài điểm trường chính đã được xây dựng cơ bản, trường còn một điểm lẻ tại cụm 8 - Thôn 7, cách điểm trường chính 10km, cách trung tâm xã gần 30km.
Hiện nay, điểm trường này đang có khoảng 200 học sinh và đều là đồng bào dân tộc Mông.
Theo chia sẻ của thầy Phong, cụm 8 là một trong những khu vực khó khăn nhất của tỉnh khi trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn vì dân cư chủ yếu làm nương rẫy.
Năm 2019, Trường Tiểu học La Văn Cầu được Công ty Cổ phần Thành Công Motor Việt Nam đầu tư và tài trợ xây dựng điểm trường tại cụm 8, thôn 7 (xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong) với 5 phòng học. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vì số lượng học sinh đến trường ngày một đông nên 5 phòng học đó không đủ đáp ứng hoạt động dạy và học trong trường.
Do đó, vừa rồi nhà trường đã xây dựng thêm 3 phòng học tạm để có thể đảm bảo, tiếp tục triển khai hoạt động dạy học cho các em học sinh.
Vì điều kiện kinh tế còn hạn chế, nhà trường chưa đủ khả năng để kiên cố hóa trường lớp nên học sinh Trường Tiểu học La Văn Cầu vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi.
“Vì đặc điểm dân cư trên địa bàn nằm rải rác và cách xa điểm trường từ 6-8km, học sinh muốn đến trường phải dậy từ sớm để đi bộ đến trường. Chưa kể, đường đi còn vô vàn khó khăn vì chủ yếu là đường xẻ đồi, xẻ núi, gia đình lại không có nhiều điều kiện để hỗ trợ phương tiện đến trường cho các em.
Vừa qua, nhà trường đã được nhóm sinh viên tình nguyện thành phố Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng dãy nhà bán trú để học sinh có điều kiện ở lại, Công an tỉnh Đắk Nông cũng hỗ trợ trường 3 triệu đồng/tháng để phụ thêm bữa ăn bán trú cho học sinh.
Tuy nhiên, vì nhân lực của trường còn hạn chế nên hoạt động bán trú trường vẫn chưa được tổ chức. Phí hỗ trợ bán trú từ Công an tỉnh nhà trường gửi lại phụ huynh để gia đình có thêm một phần kinh tế chăm lo con em đến trường", thầy Phong trăn trở.
Có thêm chính sách, doanh nghiệp có động lực để đầu tư
Báo cáo Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu: “Trong 10 năm qua, mặc dù nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung nhưng do số lượng các trường lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn chưa đáp ứng.
Nhìn chung, các chương trình, dự án, đề án đầu tư trong thời gian vừa qua mới chỉ hỗ trợ một phần sự thiếu hụt cơ sở vật chất cho một số trường thuộc các vùng khó khăn, có điều kiện kinh tế kém phát triển mà chưa giải quyết được dứt điểm tình trạng kiên cố hóa cũng như chưa bảo đảm được điều kiện tối thiểu cho các hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong cả nước.
Tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm, thiếu các phòng chức năng. Phòng học ở nhiều địa phương đặc biệt là vùng khó khăn thiếu diện tích, công trình vệ sinh, nước sạch. Bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn hoặc bố trí chưa đúng quy cách, xuống cấp nghiêm trọng, diện tích sân chơi, bãi tập hạn chế".
Trước đề xuất của Bộ về việc xây dựng thêm nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư, ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế và hỗ trợ tín dụng để thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục, cô Phan Thu Huyền cho rằng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo rất thực tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục tại khu vực khó khăn nói riêng.
Hiện nay, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính có 1337 học sinh, được chia làm 37 lớp. Trong số 37 lớp học hiện có 16 phòng học đã xuống cấp và được cấp trên phê duyệt thanh lý để chuẩn bị cho công tác xây mới thêm hệ thống phòng học.
Vì chưa có phòng học bộ môn nên trường phải dùng tạm văn phòng nhà trường để làm lớp học thay thế.
Đối với nhà công vụ giáo viên, hiện nhà trường đang có 07 phòng được xây dựng từ những năm 2002 và 2005. Tuy nhiên, vì để chuẩn bị xây thêm phòng học mới nên sẽ phải dỡ bỏ các các phòng học này trong thời gian tới.
Về phòng thư viện cho học sinh và giáo viên cơ bản đã đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng do điều kiện về hệ thống phòng học còn đang thiếu nên phòng thư viện đang phải chứa thêm nhiều thiết bị, đồ dùng dạy - học khiến diện tích, không gian không đủ đáp ứng cho toàn thể học sinh của nhà trường.
"Dù đã được hỗ trợ kiên cố hóa trường, lớp song điều kiện hiện tại của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính vẫn còn nhiều bất cập, thiếu thốn, ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của thầy trò trên trường.
Vậy nên, nếu đề xuất của Bộ được Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần thu hút đa dạng nguồn xã hội hoá, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có thêm điều kiện kiên cố hóa trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở địa phương.
Trong thời gian tới, nếu nhà trường được đầu tư, tài trợ về cơ sở vật chất, trường mong muốn được kiên cố nhà vệ sinh cũng như được xây dựng thêm giếng nước để thầy - trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính có thêm nguồn nước sạch, nâng cao điều kiện dạy và học trong trường", cô Phan Thu Huyền bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Hoàng Ngọc Dũng cũng cho rằng, khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp khiến phong trào kiên cố hoá trường lớp chưa được đồng bộ thì cần tăng cường, huy động xã hội hoá giáo dục.
Bên cạnh đó cần tích cực lan tỏa phong trào xã hội hoá, muốn đẩy mạnh xã hội hoá thì cần phải thu hút đầu tư.
Theo thầy Dũng, để các khu vực khó khăn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của địa phương thì nhà nước cần xây dựng cơ chế thuận lợi để khuyến khích công tác xã hội hoá giáo dục cho các tổ chức.
“Ở những vùng khó khăn, điều kiện kinh tế kém phát triển, khả năng tiếp cận, thu hút nguồn đầu tư, tài trợ vẫn còn hạn chế nên thời gian qua phong trào kiến cố hoá trường, lớp học vẫn chưa được đồng bộ.
Nếu có thêm các chính sách ưu đãi về đất đai hay hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư vào việc xây dựng cơ sở giáo dục thì sẽ giúp các khu vực khó khăn đẩy mạnh công tác xã hội hoá. Từ đó giải quyết những bất cập, hạn chế đang tồn tại, gây ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.
Mặt khác, khi có thêm nhiều chính sách, các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực và được khuyến khích để cùng Nhà nước xây dựng chất lượng giáo dục", thầy Dũng nêu quan điểm.