CĐSP hoạt động khó khăn, Tây Ninh kêu gọi xã hội hoá để lập phân hiệu trường ĐH

17/01/2024 11:46
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tỉnh Tây Ninh kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phát triển phân hiệu trường đại học trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Tỉnh Tây Ninh có thông báo kêu gọi đầu tư xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, tỉnh chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hoá thành lập phân hiệu trường đại học công lập trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Trên cơ sở đó, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng tiêu chí kêu gọi đầu tư xã hội hóa để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp. Theo dự thảo kêu gọi đầu tư xã hội hóa thành lập phân hiệu đại học tại Tây Ninh, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh sẽ được sáp nhập vào một đại học có đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm để thành lập phân hiệu đại học.

Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh đào tạo ngành sư phạm và ít nhất một ngành nghề phù hợp với định hướng của tỉnh theo đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” (ngành nghề cụ thể do các cơ quan, đơn vị tham mưu, đề xuất).

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Nguồn: Fanpage nhà trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Nguồn: Fanpage nhà trường.

Các tiêu chí thành lập phân hiệu đại học công lập gồm:

Thứ nhất, chuyển nguyên trạng, chức năng, nhiệm vụ, các mã ngành đào tạo, sinh viên, học viên; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, người lao động và người học của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh sang trường đại học. Đảm bảo mọi hoạt động của hai trường không bị gián đoạn, xáo trộn.

Thứ hai, đa dạng hình thức đào tạo; phương thức đào tạo theo hướng liên thông giữa các trình độ đào tạo (hệ liên thông, vừa làm vừa học), đào tạo chính quy, liên thông hình thức chính quy, vừa làm vừa học, liên thông hình thức vừa làm vừa học, văn bằng thứ hai…, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ vào thực tiễn, đào tạo trình độ đại học, hướng đến đào tạo trình độ sau đại học.

Thứ ba, ưu tiên đào tạo ngành sư phạm và y tế.

Thứ tư, phát triển cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với thế mạnh hiện có của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và từng bước mở rộng đào tạo các ngành thế mạnh của trường đại học, nhất là các ngành trọng yếu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại như công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán…

Nhà đầu tư được lựa chọn tham gia thành lập phân hiệu trường đại học công lập trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh phải đảm bảo các điều kiện về kinh nghiệm triển khai; chứng minh năng lực tài chính và tiến độ triển khai.

Theo đó, nhà đầu tư phải cam kết triển khai và đưa phân hiệu trường đại học vào hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày hoàn thành pháp lý sáp nhập Trường Cao Đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Nếu nhà đầu tư chậm triển khai và đưa vào hoạt động so với tiến độ thì Nhà nước thu hồi và không bồi thường chi phí đã đầu tư cho nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Quang Phú - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh bày tỏ:

“Hoạt động của nhà trường hiện nay chỉ mang tính chất cầm chừng, nếu muốn phát triển tiếp thì rất khó. Việc trở thành phân hiệu trường đại học sẽ là cơ hội để mở rộng quy mô đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Cũng theo thầy Phú, việc sáp nhập trường trở thành phân hiệu trường đại học cũng là hướng đi theo đúng tinh thần định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh bày tỏ mong muốn việc thành lập phân hiệu trường đại học sẽ nhanh chóng được triển khai và sớm đi vào hoạt động, tận dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất hiện nay của trường. Trong đó, phân hiệu trường đại học mới sẽ có ngành đào tạo sư phạm, y tế.

Với nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng yêu cầu của địa phương, hơn 60 xây dựng và phát triển, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm đã đóng góp lớn lao cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, góp phần cho sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2019 ra đời với quy định giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học trở lên, điều này khiến hoạt động đào tạo của khối các trường cao đẳng sư phạm bị thu hẹp (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non). Hệ quả là khối các trường cao đẳng sư phạm đối mặt bộn bề khó khăn, thách thức, không ít trường hiện chỉ hoạt động trong thế “cầm cự”.

Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện cả nước ta có 20 trường cao đẳng sư phạm (03 trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 17 trực thuộc các địa phương).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt. Theo đó, để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đa ngành hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng địa phương. Kế hoạch dự kiến đến năm 2030 không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: đào tạo từ 1 đến 2 tiến sĩ, 100 thạc sĩ trong nước có liên kết nước ngoài hoặc ở nước ngoài; đào tạo 200 thạc sĩ trong nước; tập trung các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, khoa học công nghệ, kinh tế, quản lý công, chính sách công, tài nguyên - môi trường, khoa học xã hội và nhân văn hoặc khoa học chính trị.

Doãn Nhàn