Dư âm của vụ tấn công bằng 59 quả tên lửa Tomahawk của Hoa Kỳ vào căn cứ không quân Syria cuối tuần trước vẫn chưa tan trong dư luận quốc tế lẫn trong nước.
Một trong những khía cạnh được mổ xẻ nhiều nhất là xác suất trúng đích của đợt tấn công, có được như mong muốn hay không, hay quá nửa là “đi thăm chuồng bò”?
Và nếu hiệu quả thấp như thế, có vai trò của lực lượng quân sự Nga trong chuyện này hay không?
Tomahawk là câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu quân sự
Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra năm 1991 đã làm đảo lộn nhiều tư duy quân sự của thế giới, về cách thức tiến hành chiến tranh trong điều kiện hiện đại của điều khiển học.
Tên lửa Tomahawk được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã trở thành câu hỏi đau đầu cho các nhà nghiên cứu quân sự thế giới về cách thức đối phó. Ảnh: SF Gate. |
Người lính vẫn được lấy làm trung tâm, nhưng không còn bắt buộc phải xông pha “sương gió tuyết rơi” với sức người là chính nữa.
Người lính trong thời đại của chiến tranh điện tử có trình độ cao, tác chiến với đầy đủ sự hỗ trợ từ căn cứ mặt đất, trên không.
Tất nhiên, giành chiến thắng vẫn chủ yếu ở yếu tố con người. Nhưng cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 đã bắt buộc giới chức quân sự các nước phải nghiêm túc suy nghĩ lại.
Từ đó, họ phải đặt ngành khoa học, công nghiệp quân sự nước nhà vào nhiệm vụ nghiên cứu chống các loại hình tấn công mới của chiến tranh hiện đại. Một trong những thứ vũ khí khét tiếng bị tập trung nghiên cứu nhiều nhất, là tên lửa Tomahawk của Hoa Kỳ.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tôi tin là Việt Nam cũng không nằm ngoài câu chuyện trên, cũng phải đi vào nghiên cứu để có phương án tốt nhất “không để Tổ Quốc bị bất ngờ.”
Trump phá thế thượng phong của Nga tại Syria, đẩy Putin vào thế bí |
Chính vì vậy, tôi cũng tin là việc chống đợt tấn công bằng tên lửa vừa qua của Hoa Kỳ, đối với lực lượng quân sự Nga không phải là không thể làm được.
Những nghi vấn xung quanh vụ này, ví dụ như nếu chúng bị bắn hạ, hoặc lái đi đâu đó cho nổ ở nơi vắng vẻ, “đồng không mông quạnh” thì ít nhất phải để lại dấu vết chứ?
Như vậy thì đây là một cơ hội ngàn năm có một cho truyền thông Nga đánh bóng khả năng phòng không của mình.
Đồng thời đây cũng là cơ hội bằng vàng cho truyền thông phương Tây vốn chẳng từ một sự kiện, một nhân vật nào… miễn là có lợi, để làm ầm lên.
Chẳng hạn như là “liên quân Hoa Kỳ tiêu tiền thuế của dân mà mua những vũ khí thiếu hiệu quả, tỷ lệ trúng đích không quá một nửa…”
Nếu không có dấu vết gì như vậy, chắc hẳn những quả tên lửa “biến mất” đó chỉ có lao xuống biển.
Tôi không phải là chuyên gia quân sự và vũ khí, sẽ không dám lạm bàn về góc độ kỹ thuật, chiến thuật gì đó.
Nhưng từ góc độ quan hệ giữa các quốc gia liên quan, thì cũng có một số điểm cần bàn thêm.
Tính pháp lý và thực tiễn của việc ra quyết định các hành động quân sự
Một trong những điểm người ta hay nói nhất là cú đánh của Hoa Kỳ là vào một căn cứ quân sự của Syria “một quốc gia có chủ quyền.”
Lý lẽ này còn được mở rộng hơn rằng “đây là một hành động chiến tranh chống lại một quốc gia có chủ quyền.”
Thông thường thì những phân tích sẽ được đi từ góc độ pháp luật quốc gia của nước có hành động quân sự, mà ở đây là nước Mỹ:
Lực lượng Hoa Kỳ có được tiến hành hành động đó không? Dù có lệnh của Tổng thống và có nhất thiết phải thông qua Quốc hội hay không?…
Thậm chí một hành động như vậy còn cần phải đưa ra, hoặc Hội đồng Bảo an hoặc cao hơn, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cộng sự trong phòng họp ra quyết định bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria, ảnh: CNN. |
Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất đã nổ ra như thế, giữa một bên là Iraq và bên kia là liên quân 30 quốc gia, được sự phê chuẩn của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng thực tế vẫn có những hành động tấn công mà chẳng cần đưa ra Liên Hiệp Quốc thậm chí còn chẳng cần đưa ra Quốc hội.
Với học thuyết quân sự của mình, thường những nước lớn muốn đẩy xung đột ra xa biên giới quốc gia, chẳng hạn như chiến lược “Vượt trên ngăn chặn” được áp dụng chống các nước XHCN hồi thập niên 1980.
Cuộc tấn công không chỉ bằng quân sự, mà còn bằng các thủ đoạn khác về ngoại giao, tình báo, tung tin giả, bao vây kinh tế…
Đặc biệt là việc tạo vòng ảnh hưởng đối với các quốc gia có vị trí địa lý gần đối thủ, tạo nên những thế đứng có lợi về địa chính trị, địa quân sự…
Chính sách này là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ khối các nước XHCN Đông u hồi đầu thập nên 1990. Nhưng chính nước Mỹ khi thi hành cũng bị sa lầy ở một số địa bàn như Afghanistan, Iraq…
Nhiều khi chúng ta cũng không hiểu tại sao mà họ lại có thể áp dụng những chính sách mang tính “sen đầm quốc tế” như vậy – sẵn sàng can thiệp bằng mọi biện pháp, thủ đoạn vào nước khác?
Để hiểu được chúng ta cần hình dung ra lờ mờ về triết lý dân chủ Phương Tây, triết lý này mang tính phổ quát, nghĩa là họ mong muốn áp đặt cho cả các nước khác.
Nếu như không tấn công được bằng quân sự, hoặc can thiệp bằng các chiến dịch tình báo mờ ám chẳng hạn, thì có thể bao vây, trừng phạt về kinh tế, chấp nhận thiệt thòi cả cho các công ty trong nước.
Họ dựa vào thế mạnh, nước lớn, cường quốc mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Kể cả có trừng phạt, cấm vận về kinh tế, công ty của họ thiệt một phần nhỏ, nhưng có thể gây lao đao cho các nước khác.
Việt Nam và Cuba là hai ví dụ rất rõ ràng.
Khi cảm thấy bị đe dọa trực tiếp, trong khả năng của mình họ sẵn sàng tung đòn tấn công.
Kiềm chế chiến lược ngày càng đóng vai trò quan trọng
Năm 1981, Israel đã tiến hành một phi vụ không kích, dùng máy bay thọc sâu vào lãnh thổ Iraq, tấn công phá hủy một lò phản ứng hạt nhân mà Iraq sử dụng để phát triển vũ khí nguyên tử.
Sẽ là sai lầm lớn nếu Nga "đặt cược cửa Donald Trump" |
Vụ tập kích đường không thực sự là một thành công ngoạn mục – bay qua lãnh thổ nhiều nước Arab “thù địch,” thọc sâu vào lãnh thổ Iraq và phá hủy một mục tiêu chỉ cách thủ đô Baghdad… 12 dặm.
Sau vụ tấn công, Liên Hiệp Quốc đã lên án Israel và coi đó là hành động gây hấn.
Một nước lớn kề vai sát cánh Iraq là Pháp, nước cung cấp lò phản ứng cũng phản đối Nhà nước Do Thái về hành động này.
Tuy nhiên, một số nhân vật chính giới Hoa Kỳ lại ủng hộ Israel. Về phía mình, Iraq cũng không tỏ một thái độ thực sự gay gắt nào để có thể dẫn đến xung đột quân sự.
Đây là một hành động thể hiện tính kiềm chế trong quan hệ quốc tế, điều rất cần thiết trong một thế giới bấp bênh được kê lên những đầu đạn hạt nhân.
Trong bài viết “Trump phá thế thượng phong của Nga tại Syria, đẩy Putin vào thế bí” tôi có đề cập đến liệu có khả năng, Nga sẽ trực tiếp các phương tiện tấn công đường không của Mỹ để bảo vệ đồng minh Syria hay không.
Và tôi có dẫn chứng một ví dụ là, Mỹ đã từng bảo vệ bầu trời Tel Aviv trước sự tấn công của Iraq trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.
Lúc đó Israel nằm trong Liên quân cùng Hoa Kỳ và một loạt các nước Arab khác. Iraq tấn công Nhà nước Do Thái bằng cách bắn tên lửa Scud vào thủ đô nước này, nhằm kích động Israel phản công.
Khi một nước Arab bị Nhà nước Do Thái tấn công, sẽ làm nổ ra xung đột Do Thái – Arab và phá vỡ liên minh quân sự chống Iraq.
Tình thế đó bắt buộc Hoa Kỳ phải bắn hạ gần như tất cả những quả tên lửa bắn vào Israel, không để xảy ra thiệt hại nào đáng kể.
Tình thế của năm 2017 ở Syria đã khác.
Mặc dù Nga “danh chính ngôn thuận” là đồng minh của Chính phủ Bashar al-Assad; nhưng không có sự đối đầu chính thức về quân sự giữa nước này với các nước Phương Tây.
Thậm chí còn có sự hợp tác (dù khá hạn chế) giữa Nga và phương Tây trên mặt trận chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Russia Beyond The Headlines. |
Đòn tấn công quân sự vào Syria, lý lẽ của Mỹ là những cáo buộc Chính phủ al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học tàn sát chính dân chúng của mình.
Dù thế nào chăng nữa, đây trước mắt là quan hệ giữa hai nước, Hoa Kỳ và Syria.
Nga có thể bày tỏ lập trường ủng hộ đồng minh của mình, lên án hành động tấn công, nhưng không dễ để can thiệp trực tiếp vào tình thế bằng một hành động quân sự.
Để làm được điều đó, thường phải có việc ban bố tình trạng chiến tranh, tức là tuyên chiến giữa hai quốc gia.
Và việc bất cứ một nước thứ ba nào đứng về một trong hai bên lâm chiến để hình thành liên minh chống nước kia, cũng đồng nghĩa với tuyên chiến với nước đó.
Trong tình thế ấy, hành động kiềm chế của Nga là đáng nể - ít nhất là trên truyền thông thế giới không thấy có thông tin về việc nước này có tổ chức “phá” cuộc không kích của Hoa Kỳ bằng cách này hay cách khác hay không.
Tôi tin là Nga có thừa khả năng để làm việc đó, đặc biệt trong hoàn cảnh Hoa Kỳ đã báo trước về cuộc tấn công.
Từ góc độ nào đó, sự kiềm chế của Putin biến hành động của Trump thành một sự nông nổi nhất thời, không hơn không kém.
Gạt ra bên cạnh những vấn đề không đáng làm to chuyện là điều rất cần có trong cái thời Thế chiến lần thứ ba có thể hủy diệt một nửa địa cầu bất cứ lúc nào.
Ngay cả khi bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trực tiếp máy bay của mình, mà sau đó Nga và Thổ vẫn cứ nói chuyện lại được với nhau, nữa là lần này, mức độ nghiêm trọng là thấp hơn nhiều.
Chúng ta cần hiểu, hoặc là Nga có “chống” được vụ “xài” Tomahawk của Hoa Kỳ, cũng không dại gì mà công bố.
Hoặc đơn giản hơn, chuyện chưa hẳn là nghiêm trọng, vậy thì vì sao mà lại phải “chống?”
Trong tương lai, khó có thể có một vụ tấn công tiếp tục như thế nữa, nếu như không có tiếp một buộc tội về vũ khí hóa học đối với Chính phủ Syria ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Còn nếu có, ở vào địa vị của mình tốt hơn Nga sẽ phải đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an hoặc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nếu không có những hành động tương tự, đồng minh của nước này sẽ cảm thấy bị bỏ rơi.
Không nên ca ngợi mọi hành động chiến tranh, nhưng có một “điểm sáng” trong vụ việc.
Đó là Hoa Kỳ thông báo trước cho đối phương biết để tránh các thương vong về người, với mục đích chỉ phá hủy hạ tầng kỹ thuật, tức là mang tính cảnh cáo là chính.
Người Việt Nam chúng ta có mối quan hệ tình cảm đặc biệt với nước Nga, thì rất nên có được cách nhìn nhận tỉnh táo trước sự việc:
Các bên đã hết sức kiềm chế, không có lý gì chúng ta chỉ bằng tình cảm đặc biệt đó, lại cổ súy cho một xung đột tiềm tàng mới có thể nổ ra trong tương lai – mà giữa hai siêu cường có vũ khí hạt nhân: Nga và Hoa Kỳ.
Không bao giờ Putin lại hành động chỉ để thỏa mãn tình cảm bồng bột kiểu như vậy.