Tàu sân bay USS George Washington Hạm đội 7 Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. |
Trong lúc Biển Đông gia tăng căng thẳng vì hoạt động bồi lấp, cải tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt - Nam), Mỹ đang tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông thông qua nhiều kênh, trong đó Singapore sẽ trở thành trung tâm chi viện hậu cần quan trọng.
Ngoài căn cứ quân sự và đồn trú ở nước ngoài, thăm viếng cảng khẩu và diễn tập chung với các nước cũng trở thành trọng điểm triển khai sức mạnh quân sự Hoa Kỳ ở Biển Đông, học giả Trung Quốc hôm 27/5 bình luận.
Hôm qua Từ Dao, chuyên gia nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Ngoại giao và sự vụ quốc tế Trung Quốc thuộc Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc bình luận trên trang Quốc phòng của tờ Tin tức Bành Bái, quân đội Mỹ đã bắt đầu không ngừng điều chỉnh, tái cấu trúc, tăng cường và tối ưu hóa sự hiện diện quân sự cũng như hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông.
Từ Dao cho rằng, do vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng của Biển Đông, lâu nay hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực luôn là biện pháp quan trọng và hiệu quả để duy trì lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực.
Mỹ bố trí mạng lưới "căn cứ tiền duyên" rộng khắp Biển Đông, Singapore thành hậu cứ vững chãi
Xét về tổng thể Từ Dao cho rằng, Mỹ đã duy trì "quyền truy cập" vào các căn cứ quân sự của các nước ven Biển Đông và tích cực triển khai "căn cứ hành động tiền duyên" thay thế cho "điểm hợp tác an ninh". Trên thực tế sau sự kiên 11/9 quân đội Mỹ đã ý thức rằng, căn cứ quân sự quy mô lớn và đống quân vĩnh cửu tại một điểm chưa chắc đã là lựa chọn tối ưu để đối phó với các mối uy hiếp.
Ngược lại nên thuê căn cứ tạm thời, truy cập trong tình huống khẩn cấp, bố trí lực lượng và vật tư một cách linh hoạt, cơ động, bí mật đã trở thành hình thức đống quân mới được ưu tiên.
Chính phủ Mỹ đã không ngừng mở rộng hạ tầng quân sự mang tính lâm thời, quy mô nhỏ ở Đông Nam Á. Washington đã thỏa thuận được với Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia, Thái Lan cho phép máy bay quân sự, tàu chiến Mỹ có thể truy cập cảng khẩu, căn cứ của các quốc gia này để duy tu, bảo dưỡng và cung cấp hậu cần, vật tư kỹ thuật.
Từ năm 2010 trở lại đây, Mỹ đã thiết lập "căn cứ hành động tiền duyên" lâm thời quy mô nhỏ tại miền Nam Philippines. Trên đảo Mindanao Mỹ đã mở rộng nơi đóng quân và trạm do thám bán vĩnh cửu. Trên đảo Luzon Mỹ cũng đã thiết lập nơi đóng quân và đặt thiết bị, khí tài quân sự.
Sau khi Biển Đông nóng lên, Hoa Kỳ đang tích cực tìm kiếm quyền sử dụng lâm thời các căn cứ ven biển của Malaysia, Việt Nam, Indonesia nhằm tiếp tục phân tán lực lượng quân sự rộng khắp ven Biển Đông.
Chiến hạm USS Fort Worth (LCS 3) Hoa Kỳ tuần tra vùng biển quốc tế trên Biển Đông gần vị trí Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh CNN. |
Trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore đã được Mỹ lựa chọn làm trung tâm chi viện hậu cần trọng yếu nhất cho lực lượng quân sự của mình ở Biển Đông. Cảng Changi đã được đầu tư mở rộng cầu cảng nước sâu làm nơi cho hàng không mẫu hạm và tàu chiến Hạm đội 7 Thái Bình Dương neo đậu cố định.
Washington không ngừng đầu tư nâng cấp năng lực sẵn sàng cung ứng vật tư hậu cần, năng lực chỉ huy khống chế và huấn luyện tổng hợp, tạo ra cứ địa hậu cần vững chắc, kho đạn dược ngầm được giám sát tự động hoàn toàn tại đây.
Từ Dao cho rằng, hiện tại Mỹ đang duy trì 800 quân đóng tại Bộ Tư lệnh 15 tại căn cứ Changi, Singapore phụ trách toàn bộ công tác hậu cần kỹ thuật cho Hạm đội 7 hoạt động ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Năm 2006, Bộ Tư lệnh Hải vận quân sự Viễn Đông của Hoa Kỳ đã dịch chuyển từ Nhật Bản sang Singapore và đã thực hiện nhiệm vụ cung cấp hậu cần trên biển cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bằng 48 tàu quân sự.
Trung tâm chỉ huy cơ động không quân 515 và Đội huấn luyện chiến đấu cơ 497 của Hoa Kỳ đóng tại căn cứ không quân Paya Lebar, Singapore phụ trách toàn bộ các hoạt động tập trận, huấn luyện chiến đấu không đối không của quân Mỹ trong khu vực cũng như hiệp đồng tác chiến giữa Mỹ và Singapore.
Những năm gần đây, mỗi năm trung tâm hậu cần quân sự Mỹ tại Singapore cung cấp dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho trên 150 lượt chiến hạm, 400 lượt máy bay quân sự và hơn 30 ngàn binh lính.
Từ tháng 4/2013, chiến hạm USS Freedom phiên hiệu LCS-1 được Mỹ lần đầu tiên bố trí tại căn cứ Changi, từ tháng 12 năm ngoái chiến hạm LCS-3 cũng bắt đầu đứng chân đồn trú tại đây trong thời gian 16 tháng. Động thái này cho thấy lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Singapore đã có khả năng, năng lực chi viện tác chiến bao trùm toàn khu vực trong tương lai.
Phát triển "căn cứ hành động tiền duyên" tại Úc, thúc đẩy "ngoại giao chiến hạm" với Việt Nam
Vài năm trở lại đây quân đội Mỹ bắt đầu thay đổi phương thức bố trí lực lượng. Trước đó Mỹ xem Úc là "điểm hợp tác an ninh" nhưng ngày nay quốc gia đồng minh này đã trở thành nơi thiết lập "căn cứ hành động tiền duyên".
Mỹ đã nâng cấp năng lực giám sát, huấn luyện quân sự quy mô lớn tại Úc. Tháng 4/2012, Hoa Kỳ bắt đầu bố trí 200 lính Thủy quân lục chiến tại căn cứ hải quân Darwin miền Bắc nước Úc. Lầu Năm Góc có kế hoạch tăng tổng quân số đồn trú tại Úc lên 13 lần trong 5 năm để tiến tới mục tiêu thành lập Trung tâm chỉ huy quân sự Thủy quân lục chiến 2500 quân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leo Panetta thăm Việt Nam năm 2012 và đã ghé thăm cảng Cam Ranh. Ảnh: Kham/Reuters. |
Trước đó lực lượng Mỹ đóng tại Úc khoảng 2000 quân chủ yếu làm nhiệm vụ đảm bảo hậu cần, nhưng lần này là lần đầu tiên Lầu Năm Góc bố trí lực lượng tác chiến chủ lực ở Úc sau Chiến tranh Lạnh. Năng lực tác chiến của lực lượng Mỹ đóng tại Úc được nâng cao đáng kể là điều không cần bàn cãi.
Đồng thời Mỹ không ngừng mở rộng trung tâm huấn luyện tại vịnh nước nông phía Bắc nước Úc, trung tâm vũ khí không quân Delamere và trung tâm huấn luyện phòng hóa, tăng cường hoạt động đồn trú luân lưu và trao đổi huấn luyện máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1 và B-2 tại Delamere.
Theo Từ Dao, điều (Bắc Kinh) đặc biệt cần chú ý là sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông không chỉ dừng lại ở đóng quân đồn trú hay căn cứ quân sự, mà các hoạt động thăm viếng cảng khẩu, diễn tập quân sự chung với các nước đã thành một trọng điểm mới.
Một mặt, Hải quân Mỹ đã tăng cường (cái Từ Dao gọi là) ngoại giao chiến hạm với Việt Nam. Năm 2003 tàu hộ vệ USS Vandegri thăm thành phố Hồ Chí Minh đã mở đầu giai đoạn mới - tàu chiến Mỹ "lên bờ thăm Việt Nam".
Tần suất thăm viếng của các chiến hạm Mỹ sang Việt nam ngày càng tăng lên theo thời gian. Từ năm 2010 trở lại đây, tàu sân bay USS George Washington, các tàu khu trục mang tên lửa và tàu cứu viện Hoa Kỳ thường xuyên ghé cảng Đà Nẵng. Năm 2011, lần đầu tiên sau 30 năm chiến hạm Mỹ ghé cảng Cam Ranh.
Từ Dao cho rằng, hiện tại Lầu Năm Góc đang có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế 1 năm 1 lần thăm viếng Việt Nam, mỗi lần không quá 3 chiến hạm để nâng mức độ hợp tác quân sự với Việt Nam lên tầm cao mới.
Mặt khác, Mỹ luôn luôn xem diễn tập quân sự song phương là biện pháp hiệu quả giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng thao tác, năng lực hiệp đồng tác chiến cho các đồng minh và đối tác an ninh.
Những năm gần đây, diễn tập song phương đang được Hoa Kỳ chuyển hướng sang đa phương và địa điểm tập trung ở Biển Đông. Năm 2010, lần đầu tiên Hải quân Mỹ và Việt Nam tổ chức diễn tập chung ở Biển Đông, năm 2012 diễn tập thường niên "Vai kề vai" giữa Mỹ và Philippines cũng lần đầu tiên triển khai ở gần Scarborough trên Biển Đông.
Những thay đổi trong bố trí lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trên Biển Đông những năm qua, theo Từ Dao là rất đáng chú ý.