Tàu sân bay USS Gerald R Ford Hải quân Mỹ |
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 24 tháng 4 dẫn trang mạng "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản ngày 23 tháng 4 đăng bài viết "Mỹ cần giúp đỡ Ấn Độ đánh bại Hải quân Trung Quốc?".
Theo bài viết, một báo cáo mới của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie chủ trương, Ấn Độ và Mỹ cần hợp tác chế tạo chiếc tàu sân bay lớp Vikrant tiếp theo của New Delhi, tàu sân bay động cơ hạt nhân INS Vishal 65.000 tấn. Tàu sân bay này dự kiến sẽ đưa vào biên chế trong thập niên 20 của thế kỷ này.
Tác giả Ashley Tellis của báo cáo nghiên cứu Carnegie nhấn mạnh: "Hợp tác chế tạo tàu sân bay này sẽ không chỉ tăng cường đáng kể năng lực tác chiến cho Hải quân Ấn Độ, hơn nữa sẽ còn thông qua một phương thức vượt trội để củng cố quan hệ chiến lược đang hình thành giữa Mỹ-Ấn trong vài chục năm tới".
Vào tháng 1 năm 2015, hai nước tuyên bố thành lập Nhóm công tác chung để chia sẻ công nghệ và thiết kế tàu sân bay. Lầu Năm Góc lựa chọn Thiếu tướng hai sao hải quân, quan chức phụ trách chương trình tàu sân bay, Thomas Moore đứng đầu phía Mỹ trong đàm phán. Đại diện phía Ấn Độ sẽ là Thiếu tướng Surendra Ahuja. Tuy nhiên, đến nay, Nhóm công tác còn chưa tổ chức một cuộc họp nào.
Ashley Tellis coi việc tuyên bố thành lập Nhóm công tác là động lực để New Delhi và Washington triển khai hợp tác mật thiết hơn. Ông dự đoán, xét thấy mối đe dọa của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ càng có khả năng xem xét tăng cường quan hệ quốc phòng.
Tàu sân bay INS Viraat hiện có của Hải quân Ấn Độ sắp nghỉ hưu |
Năm 2012, Trung Quốc đã biên chế chiếc tàu sân bay đầu tiên, đúng vào thời điểm ưu thế “được thiên nhiên ưu đãi” của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương bị Hải quân Trung Quốc thách thức nghiêm trọng, hơn nữa không có nước nào sẽ càng có khả năng được lợi từ việc hợp tác với Mỹ trên phương diện thiết kế và chế tạo tàu sân bay như Ấn Độ.
Ashley Tellis đã đưa ra 5 kiến nghị chung để các nhà hoạch định chính sách Mỹ cân nhắc:
- Nghiên cứu khả năng trang bị hệ thống cất cánh phóng điện từ máy bay hải quân cho tàu sân bay Ấn Độ.
- Tạo thuận lợi để Ấn Độ có được các loại hệ thống hàng không tiên tiến cho Ấn Độ, như cảnh báo sớm trên không E-2C/D Hawkeye, máy bay quản lý tác chiến và máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35C Lightning II, nhằm làm cho Ấn Độ có thể có được ưu thế tác chiến áp đảo lực lượng máy bay hải quân của đối thủ.
- Cân nhắc thay đổi chính sách hiện nay của Mỹ để cho phép triển khai thảo luận về công nghệ đẩy hạt nhân, từ đó giúp cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Ấn Độ áp dụng công nghệ phóng điện từ và khả năng thực hiện các mục tiêu khác.
- Ủng hộ Hải quân Ấn Độ cùng với Bộ tư lệnh Hệ thống biển Hải quân Mỹ (Navy Yard) và các doanh nghiệp tư nhân Mỹ liên quan xây dựng quan hệ đối tác để xác nhận thiết kế sản xuất tàu sân bay mới, thu hút tinh hoa kinh nghiệm chế tạo tàu sân bay của Mỹ và hợp tác tiến hành chạy thử trước khi biên chế tàu sân bay.
- Khuyến khích nhà máy đóng tàu Ấn Độ và giới doanh nghiệp Mỹ ký kết hợp đồng tư vấn và bản ghi nhớ, để trợ giúp Ấn Độ áp dụng công nghệ đóng tàu tiên tiến khi chế tạo tàu sân bay có đường băng khổng lồ mới.
Tàu sân bay INS Vikramaditya Hải quân Ấn Độ, mua của Nga |
Trong những kiến nghị trên có một số kiến nghị có thể bị coi nhẹ, chẳng hạn để cho Ấn Độ mua máy bay chiến đấu F-35C, bởi vì Ấn Độ vẫn đang tiến hành chương trình "máy bay chiến đấu đa năng tương lai" (PMF), hơn nữa cho dù đã gặp trở ngại, cũng không có nhiều khả năng từ bỏ chương trình này.
Tuy nhiên, các kiến nghị khác xem ra tương đối thực tế, chẳng hạn trang bị hệ thống phóng điện từ cho tàu sân bay Ấn Độ. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, Frank Kendall gần đây nói với hãng tin Reuters Anh rằng: "Tôi bày tỏ lạc quan đối với triển khai hợp tác trên phương diện này".
Mặt khác, mặc dù nói miệng "ba hoa chích chòe", nhưng cốt lõi của vấn đề ở chỗ: giữa hai nước không có quan điểm chiến lược chung. Đơn giản là mối đe dọa Trung Quốc còn chưa đủ để giới tinh hoa về chính sách đối ngoại của Ấn Độ - nước có sự lo ngại sâu sắc - tin chắc cần thiết đắc tội với Bắc Kinh để đi sâu hợp tác với Mỹ.
Mối đe dọa Trung Quốc là một trong những luận điểm thường thấy của các nhà phân tích ở Washington, nhưng, những luận điểm này không thông suốt trong phân tích trên rất nhiều cấp độ. Cuối cùng, giữa Ấn-Mỹ có thể thực hiện hợp tác công nghệ ở cấp độ nào đó, nhưng, chỉ cần New Delhi và Washington không thể đạt được thống nhất trên phương diện lợi ích an ninh cốt lõi của mỗi bên ở châu Á, triển vọng kết thành quan hệ đối tác chặt chẽ hơn của hai nước sẽ là xa vời.
Trước đó, ngày 2 tháng 4, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kendall cho biết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ chế tạo tàu sân bay. Ông nói: "Họ (Ấn Độ) sẽ tự quyết định cần công nghệ gì". "Nếu họ cần, tôi cho rằng, họ nhận được công nghệ tàu sân bay nào đó của chúng tôi sẽ không có bất cứ trở ngại căn bản nào". Tuy nhiên, ông hoàn toàn không nói rõ Mỹ dự định cung cấp những công nghệ cụ thể nào cho Ấn Độ.
Máy bay chiến đấu F-35C hạ cánh trên tàu sân bay USS Nimitz, Hải quân Mỹ |
Máy phóng điện từ của Mỹ do Công ty General Atomics Mỹ chế tạo, trang bị cho tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới Gerald R. Ford CVN-78. Mỹ là quốc gia duy nhất áp dụng loại công nghệ này trên tàu sân bay trong giai đoạn hiện nay. Quốc phòng của Ấn Độ lệ thuộc nghiêm trọng vào mua sắm từ bên ngoài, 2 tàu sân bay thông thường hiện có đều là hàng cũ của nước ngoài.
Sau khi lên làm Thủ tướng, ông Narendra Modi ra sức thúc đẩy hiện đại hóa hải quân, chi tiền để đảm bảo tàu sân bay nội đầu tiên INS Vikrant có thể đi vào hoạt động đúng thời hạn. Truyền thông Ấn Độ trước đây cho biết, sau tàu sân bay INS Vikrant, Ấn Độ có kế hoạch tiếp tục chế tạo thêm 1 chiếc tàu sân bay, có thể sử dụng động cơ hạt nhân.