Tờ Japan Today hôm 16/11 đưa tin cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nêu cao vấn đề về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông trong chuyến thăm Philippines tham dự hội nghị APEC sắp tới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận sẽ tham dự hội nghị APEC tại Philippines trong tuần này. Tuy nhiên trước đó, Bộ Ngoại giao nước này cho biết ông Tập sẽ không thảo luận về vấn đề Biển Đông tại APEC vì đây không phải là một chủ đề trong một diễn đàn kinh tế-thương mại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Japan Today |
Hội nghị APEC năm nay thu hút sự chú ý rất lớn của giới quan sát quốc tế bởi nó có sự tham dự của cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng trong vấn đề Biển Đông.
Trong bối cảnh nhiều nước láng giềng quan ngại về những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy gây ra cuộc thảm sát đẫm máu tại Paris, việc APEC chỉ tập trung vào vấn đề thương mại là không thực tế, Curtis S. Chin, một cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á ở Manila cho biết.
"Không thể tách rời vấn đề kinh tế và phi kinh tế trong một thế giới kết nối như hiện nay. Sự thật là cuộc chiến chống lại IS và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc có tác động đáng kể tới sự phát triển ở khu vực Biển Đông", ông Chin nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp và bành trướng) đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Mặc dù Mỹ không có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này, nhưng Washington gần đây đã thúc đẩy các hoạt động tuần tra nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở một tuyến đường thương mại quan trọng bậc nhất thế giới.
Hải quân Mỹ gần đây đã điều tàu khu trục tên lửa và máy bay ném bom chiến lược B-52 tới khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp xây dựng (trái phép) ở Biển Đông như một sự phản đối các hành vi trên của Bắc Kinh.
Phía Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách né tránh thảo luận vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế bằng cách khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông không liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại.
Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cho biết, vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những "vấn đề trọng tâm" trong chuyến đi ba ngày của ông Obama đến Philippines, bắt đầu từ ngày 17/11.
Bà Rice cũng cho biết, ông Obama sẽ nâng cao vấn đề "an ninh hàng hải" và "tự do hàng hải" tại hội nghị APEC lần này. Philippines, quốc gia đã kiện Trung Quốc lên Tòa Thường trực Trọng tài tại The Hague, Hà Lan, đã hứa sẽ tôn trọng các đề xuất của phía Washington.
Trong một tuyên bố chính thức hôm thứ Sáu tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã lên án các hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ông Jose nói rằng mặc dù vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới có thể thảo luận về nó ở bên lề.
APEC được thành lập vào năm 1989 với 12 thành viên ban đầu. Hiện nay, tổ chức này đã kết nạp thêm 21 thành viên, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Mexico, Nga và Việt Nam. Các nước thành viên APEC chiếm 57% nền kinh tế toàn cầu và 40% dân số thế giới./.