CNN ngày 16/12 đưa tin, một tàu hải dương học của Mỹ hôm thứ Năm đã thả thiết bị lặn không người lái trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông và bị một tàu chiến Trung Quốc bắt giữ ngay trước mặt thủy thủ đoàn Hoa Kỳ.
Cuộc chạm trán mới nhất giữa tàu nghiên cứu hải dương học USNS Bowdtich với tàu hải quân Trung Quốc xảy ra khi tàu này cách khoảng 100 dặm ngoài khơi vịnh Subic, Philippines.
Tàu Mỹ đã dừng lại để thả 2 thiết bị lặn không người lái. Vào thời điểm đó, tàu hải quân Trung Quốc đã lặng lẽ theo dõi hoạt động của USNS Bowdtich, và lấy mất một chiếc thiết bị lặn không người lái của Mỹ.
Tàu USNS Browdtich, ảnh: CNN. |
Thủy thủ đoàn trên tàu USNS Bowdtich đã không nhận được câu trả lời từ tàu hải quân Trung Quốc khi phát thông báo trên loa rằng, thiết bị không người lái này là tài sản của Hoa Kỳ.
Khi bỏ đi, tàu Trung Quốc thông báo trên loa rằng họ quay lại các hoạt động của mình.
Tàu nghiên cứu của Mỹ và các hoạt động dưới nước thường bị giả định là hoạt động gián điệp.
Tuy nhiên trong trường hợp này, mục tiêu của tàu USNS Bowdtich chỉ đơn giản là đo lường các thông số kỹ thuật hải dương học. Lầu Năm Góc vẫn chưa chính thức nhận xét về vụ việc.
Mặc dù không rõ động cơ nào khiến Trung Quốc bắt giữ thiết bị không người lái của Mỹ, nhưng có thể liên quan đến việc Tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, CNN nhận định. [1]
Còn theo The Telegraph ngày 16/12, Hoa Kỳ đã có phản đối chính thức với Trung Quốc về vụ việc thiết bị lặn không người lái của mình bị tàu Trung Quốc bắt trộm ngay giữa vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
USNS Bowdtich thuộc sở hữu của Hải quân Mỹ, nhưng thủy thủ đoàn không phải quân nhân và họ đã ký hợp đồng hoạt động khoa học với các nhà khoa học.
Hoạt động của tàu nghiên cứu này nhằm thu thập dữ liệu hải dương học, bo gồm độ mặn, nhiệt độ và độ trong của nước. Hoạt động này cung cấp dữ liệu sonar quân sự cho Mỹ, vì sóng âm bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này.
Vụ bắt giữ làm dấy lên lo ngại Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự và hành xử leo thang ở Biển Đông từ khi quân sự hóa các đảo nhân tạo (trái phép). [2]
Nguồn:
[1]http://edition.cnn.com/2016/12/16/politics/chinese-warship-underwater-drone-stolen/