Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc |
Trong thời điểm ban lãnh đạo cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra các phản ứng, phương Tây đang gia tăng gây sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 22 tháng 10, tại cuộc họp báo trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng thư ký NATO Rasmussen đã tiến hành "đánh động" đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của Trung Quốc.
Ông nói: "Lập trường của NATO rất rõ ràng, (các nước thành viên NATO) mua sắm thiết bị gì là công việc nội bộ, do nước thành viên tự quyết định. Nhưng, ở góc độ của NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa của các nước thành viên phải phối hợp với hệ thống của các nước thành viên NATO khác, cần có tính tương thích với nhau, điểm này rất quan trọng”.
“Chúng tôi tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ biết được lập trường này của NATO, cũng tin rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc lập trường này của NATO trước khi đưa ra quyết định mua sắm cuối cùng".
Theo báo Trung Quốc, hội nghị lần này đã tập trung vào các vấn đề như Afghanistan năm 2014 và hợp tác giữa NATO-Nga, hội nghị im ắng này đã gây chú ý cho truyền thông do có liên quan đến vấn đề "tên lửa Trung Quốc".
Tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9, Trung Quốc |
Ngày 24 tháng 10, trang mạng "Tuần san Thổ Nhĩ Kỳ" cho biết, ngày 23 tháng 10, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tiến hành hợp tác tên lửa với công ty Trung Quốc. Bà nhấn mạnh, công ty này của Trung Quốc hiện bị Mỹ trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ nên lựa chọn hệ thống tên lửa tương thích với các đồng minh NATO.
Theo hãng Reuters, ngày 24 tháng 10, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" với Thổ Nhĩ Kỳ, ông đồng thời cho biết, đã triển khai "đối thoại chuyên gia" với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.
Hãng AFP cho biết, việc Ankara tuyên bố cùng Công ty xuất nhập khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc khởi động đàm phán thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD vào tháng trước, đã gây tức giận cho các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ. Công ty Trung Quốc này 10 năm qua bị Mỹ tiến hành một loạt hoạt động trừng phạt, đồng thời bị chỉ trích bán vũ khí và công nghệ tên lửa cho Iran và Pakistan.
Tờ "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản cho biết, gần đây, NATO đã gia tăng sức ép phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm hệ thống tên lửa của Trung Quốc, có thành viên NATO coi hệ thống tên lửa của Trung Quốc là "virus".
Một Đại sứ thành viên NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Tôi không biết tại sao người Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhận thức được rằng, một sự thực đơn giản (theo quan điểm của NATO) là 20 năm tới, mối đe dọa an ninh sẽ đến từ Trung Quốc. Hệ thống tên lửa phòng không là vấn đề quốc phòng quan trọng nhất trong tương lai có thể dự kiến, trong khi đó Trung Quốc sẽ bị soi bởi kính phóng đại".
Gần đây, báo chí Trung Quốc ra sức tuyên truyền để mong kiếm được lợi nhuận lớn từ xuất khẩu vũ khí. |