Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 13 tháng 11 có bài viết cho rằng, Mỹ luôn thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận ở các diễn đàn của châu Á. Trước đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ ba tổ chức ở Kuala Lumpur không ra được Tuyên bố chung |
Nhưng, bài báo cho rằng, hành động này của Mỹ đã không có kết quả. Hội nghị ADMM+ này đã không ra được Tuyên bố chung, do Trung Quốc và “một số nước Đông Nam Á” cản trở.
Hãng tin BBC Anh ngày 13 tháng 11 cũng cho rằng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra vào ngày 4 tháng 11 đã không ra được Tuyên bố chung do liên quan đến vấn đề Biển Đông. Các bên đã không thể đạt được đồng thuận về việc đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung.
Khi đó, quan chức tham dự hội nghị phía Mỹ cho biết, đàm phán đổ vỡ là do Trung Quốc kiên trì yêu cầu Tuyên bố chung không được đề cập đến Biển Đông, trong khi đó, một số nước thì cho rằng làm như vậy không thỏa đáng.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngụy biện và đổ lỗi cho rằng, vấn đề Biển Đông không nên thuộc nội dung thảo luận của hội nghị, trách nhiệm không thể ra được Tuyên bố chung hoàn toàn nằm ở “quốc gia cá biệt ngoài khu vực”. Phát biểu kiểu ám chỉ ngầm này có đối tượng là ai thì cũng đã rõ ràng, họ có ý nhằm vào Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ ba ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 4 tháng 11 năm 2015 |
Một hội nghị do ASEAN làm chủ đạo không ra được Tuyên bố chung mới thấy được kẻ nào đã đứng đằng sau và kẻ nào mới là nhân tố phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định khu vực hiện nay.
Phải khẳng định rằng, vấn đề Biển Đông không chỉ là vấn đề riêng giữa Trung Quốc với từng nước ở Biển Đông, nó đã trở thành vấn đề chung của khu vực và quốc tế.
Theo tờ “Hoàn Cầu”, hiện nay, mục tiêu mới của Mỹ trong can thiệp vấn đề Biển Đông là tận dụng diễn đàn của Hội nghị cấp cao APEC sắp được tổ chức ở thủ đô Manila, Philippines.
Philippines đã “cam kết” với Trung Quốc rằng “Hội nghị APEC không thảo luận vấn đề Biển Đông” để tạo không khí cho người đứng đầu Trung Quốc đến tham dự (để Trung Quốc không bị mất mặt). Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa qua cũng đã tiến hành một chuyến thăm chớp nhoáng đến Manila vì vấn đề này.
Tuy nhiên, tờ “Philippines Star” ngày 12 tháng 11 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Philippines Benigno Aquino “vẫn có thể thảo luận vấn đề leo thang tình hình căng thẳng vùng biển tranh chấp của khu vực trong thời gian của Hội nghị APEC”.
Vấn đề Biển Đông sẽ là "vấn đề trung tâm" trong chuyến thăm châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines ngày 11 tháng 11 cũng cho biết, Philippines cam kết sẽ không đưa ra vấn đề Biển Đông tại hội nghị, nhưng không thể ngăn cản các nền kinh tế khác thảo luận bất cứ vấn đề gì tại các hội nghị song phương của họ.
Hãng tin BBC Anh ngày 13 tháng 11 dẫn lời Nhà Trắng cho biết, vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ là “vấn đề trung tâm” trong chuyến thăm châu Á vào tuần tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng dự tính sẽ không đạt được thỏa thuận mang tính thực chất.
Từ ngày 14 tháng 11 trở đi, ông Barack Obama sẽ lần lượt đến thăm Philippines và Malaysia, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ (ASEAN-US Summit).
Hãng tin AFP Pháp dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice chỉ ra, khi đó, thảo luận về vấn đề chủ quyền Biển Đông sẽ “xuyên suốt toàn bộ hành trình thăm châu Á của chúng tôi”.
Trước đó, Bắc Kinh cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á không nên thảo luận vấn đề Biển Đông.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice |
Bà Susan Rice cho biết, lập trường của Mỹ luôn là thông qua phương thức hòa bình, hợp pháp để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
“Giữa các nhà lãnh đạo khu vực, các nước đạt được thỏa thuận, xây dựng và thực hiện một bộ quy tắc ứng xử sẽ là một bước đi tích cực” – hãng tin AFP dẫn lời bà Susan Rice nói.
“Tuy nhiên, tôi không trông đợi trong chuyến thăm lần này sẽ có bất cứ kết quả mang tính thực chất nào”.
Trung Quốc đưa ra yêu sách tham lam “đường lưỡi bò” mà không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào làm căn cứ, họ còn phá vỡ nguyên trạng, ra sức bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông – hành vi phi pháp này đã gây bất mãn cho các nước láng giềng, vi phạm nghiểm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Mỹ cũng tuyên bố sẽ nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực.
Ngoài Mỹ và Philippines, một nước khác “đặc biệt tích cực” trong vấn đề Biển Đông đó là Nhật Bản. Tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản ngày 12 tháng 11 cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự định trong thời gian tổ chức Hội nghị APEC ở Manila, cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức hội đàm.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Hai bên sẽ “đi sâu thảo luận” vấn đề tàu khu trục USS Lassen Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông, đồng thời tiến hành thảo luận về tầm quan trọng của bảo đảm tự do đi lại.
Nhật Bản cũng đã vạch ra kế hoạch hợp tác với Mỹ tại một loạt hội nghị cấp cao Đông Á sắp tổ chức để “bao vây Trung Quốc” trong vấn đề Biển Đông. Theo báo chí Nhật Bản, ngoài APEC, ông Shinzo Abe còn có kế hoạch hợp tác với Mỹ tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức ở Malaysia vào cuối tháng này, tranh thủ viết vào nội dung liên quan đến tình hình Biển Đông trong tuyên bố của một loạt hội nghị, kêu gọi bảo vệ trật tự biển dựa trên luật pháp.
Theo bài báo, ông Shinzo Abe dự định hợp tác với Mỹ, lấy Philippines và Việt Nam làm trung tâm, tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi của ASEAN. Nhưng, Trung Quốc cũng tham dự các hội nghị này và họ có thể can thiệp như thời gian vừa qua.
Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản ngày 12 tháng 11 cho biết, vào sáng ngày 12 tháng 11, Thủ tướng Shinzo Abe đã tổ chức hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto khi ông này đang thăm Nhật, đã bàn về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng bất hợp pháp các căn cứ quân sự.
Ngày 12 tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Nhật Bản tiếp Chủ tịch Quốc hội Indonesia Setya Novanto |
Ông Shinzo Abe tuyên bố: “Rất quan ngại đối với các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, ASEAN đoàn kết nhất trí phát đi tín hiệu rất quan trọng”. Theo bài báo, ông Shinzo Abe bày tỏ thái độ trông đợi Indonesia tích cực tham gia.
Hai bên cũng đã thảo luận vấn đề Indonesia mua thủy phi cơ cứu nạn US-2 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Dưới sự khuyến khích của Mỹ và Nhật Bản, Indonesia đã thay đổi vai trò “trung lập” trước đây ở Biển Đông. Ngày 12 tháng 11, báo chí Mỹ, Nhật Bản và phương Tây đã xôn xao về việc Indonesia tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Đồng thời, ngày 11 tháng 12, tại Ủy ban ngân sách Thượng viện Nhật Bản, khi nói về khả năng điều Lực lượng Phòng vệ đến Biển Đông tiến hành hoạt động cảnh giới, giám sát, ông Shinzo Abe cho biết: “Cùng với việc cân nhắc các loại phương án lựa chọn, sẽ tiến hành nghiên cứu đầy đủ”.
Thủy phi cơ US-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |