Ngày 9/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại chủ trì phiên họp lần thứ ba của Ủy ban.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực và sự chủ động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan (với vai trò là Cơ quan thường trực) trong thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban trong thời gian qua.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN vào kiểm tra chuyên ngành đã có một số kết quả tích cực.
Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản ổn định, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về cơ bản được giải quyết kịp thời,…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ảnh chinhphu.vn). |
Tính chi phí thông quan trực tiếp cho 1 lô hàng giảm 19 USD cho cả xuất và nhập khẩu. Tính tới 15/12/2017, ước tính doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai thủ tục thông quan; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ lưu kho bãi hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này còn xa so với mục tiêu khi mới chỉ thực hiện được 1/5 kế hoạch năm 2017.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, so với chỉ tiêu 22 thủ tục hành chính thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia được giao tại phiên họp lần thứ hai hồi tháng 7/2017, hiện mới chỉ có 8 thủ tục được triển khai, 14 thủ tục còn lại phải chờ đến hết quý I/2018 mới chính thức được thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia.
Cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tầm cỡ, những con sếu đầu đàn |
Dự kiến đến hết quý I/2018, chỉ có 25 thủ tục được đưa vào vận hành (trong đó có 22 thủ tục được giao thực hiện 6 tháng cuối năm 2017) chỉ chiếm 19% trên tổng số 130 thủ tục hành chính được các bộ đăng ký triển khai trong năm 2017 theo Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.
Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu;
Hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều. Một số lĩnh vực còn bị bỏ sót;
Hiện tượng chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn, trong 100 danh mục kiểm tra chuyên ngành thì một nửa số này không có tiêu chuẩn, quy chuẩn và tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ đạt 0,14%.
Việc duy trì kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan, diễn ra phổ biến ở các Bộ: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất tốt cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết qua khảo sát, trong thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành có một số khó khăn.
Năm 2018 Chính phủ đẩy mạnh hành động, liêm chính, kỉ cương, sáng tạo, hiệu quả |
Đánh giá chung thì 25% doanh nghiệp cho biết thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% bình thường và chỉ 8% cho biết dễ, rất dễ.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khó và rất khó đứng đầu là ngành văn hóa, chiếm 59%, y tế 40%, kiểm dịch động vật 36%, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm 29%, kiểm tra chất lượng 25%.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, như vậy ước tính cơ chế một cửa quốc gia chỉ tạo thuận lợi được 7-8% số doanh nghiệp khảo sát, còn “hành” tới 25% số doanh nghiệp.
“Lĩnh vực nông nghiệp, y tế rất nhiều thủ tục, liên quan tới kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực vật, như vậy thì làm sao mà Thủ tướng và Chính phủ yên lòng được.
Những báo cáo này đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẩn trương hoàn thiện, công bố sớm và có khuyến cáo rõ ràng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị.
“Sức ép của việc thực hiện các chỉ tiêu cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện kinh doanh của Nghị quyết số 01 của Chính phủ là rất lớn, không có chỗ cho sự chần trừ.
Tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, đi đôi với chống gian lận thương mại, không được lấy lý do chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước để níu giữ quyền lực của bộ ngành, để nhũng nhiễu gây khó dễ cho giao thương.
Năm 2018 phải có đột phá về thực hiện hải quan một cửa”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ và đặt ra trách nhiệm của các bộ trưởng và người đứng đầu các đơn vị có liên quan khi triển khai chậm cơ chế này.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2018, các bộ phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký tại Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020;
Tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung; chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN.
Phải chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia |
Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30-35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn phải bảo đảm hiệu quả trong quản lý Nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Bên cạnh việc yêu cầu các bộ hoàn thiện văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý/ kiểm tra chuyên ngành;
Bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu;
Thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành ngay tại khâu thông quan (trừ các loại hàng hoá có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, kiểm dịch, an ninh quốc gia).
Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, khi ban hành danh mục phải kèm theo mã hồ sơ phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam;
Phải công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra. Danh mục nào không có quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc phương pháp kiểm tra thì phải bãi bỏ.
Thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau.