Kết thúc năm 2018, hãng hàng không thế hệ mới Vietjet Air tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao và bền vững trên mọi chỉ tiêu trong bối cảnh GDP cả nước đạt tới 7,08%, ngành hàng không và du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng và thu hút đầu tư.
Vietjet đã đưa vào khai thác 16 tàu bay mới, với độ tuổi trung bình thấp nhất trên thế giới, chỉ 2,82 năm.
Năm 2018, Vietjet là hãng đầu tiên trong khu vực đưa vào khai thác tàu bay thế hệ mới A321neo có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tới 16%, góp phần tiết giảm chi phí vận hành.
Trong năm, Vietjet vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trên toàn mạng bay, thực hiện gần 118.923 chuyến bay với 261 nghìn giờ khai thác an toàn, hệ số sử dụng ghế đạt 88,06%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64% và các chỉ số an toàn khai thác bay, khai thác mặt đất thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tỉ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) đạt 84,2% ở mức tốt so với chỉ số OTP bình quân trên thế giới 78,69% (nguồn IATA).
Hãng đã mở rộng mạng đường bay quốc tế và nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé, tăng doanh thu phụ trợ từ các dịch vụ cộng thêm và tận dụng tối đa lợi thế chi phí nhiên liệu tại quốc tế thấp hơn trong nước (do chính sách thuế, phí). Trong năm 2018, Vietjet mở thêm 1 đường bay nội địa và 22 đường bay quốc tế.
Năm 2018, doanh thu vận tải hàng không đạt 33.779 tỷ đồng, tăng 49,8% so với năm trước và đạt 112,2% so với kế hoạch.
Lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế tăng trưởng 48,9% so với năm trước. Doanh thu phụ trợ đạt 8.410 tỷ đồng tăng trưởng 53,5% so với năm trước.
Cơ cấu doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu vận chuyển hàng không cũng có sự chuyển dịch, tăng từ 24,5% năm 2017 lên 25,4% năm 2018 do đẩy mạnh các hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế, hoàn chỉnh hạng vé SkyBoss đồng thời đa dạng hoá các dịch vụ cộng thêm cho khách hàng như dịch vụ ưu tiên, dịch vụ chọn chỗ ngồi, thực đơn bán hàng trên chuyến bay, v.v...
Tại thời điểm niêm yết vào đầu năm 2017, là 1 công ty đi đầu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế (Reg S), Vietjet đặt kế hoạch tăng trưởng cho 3 năm 2017-2018-2019, với mục tiêu tổng doanh thu đạt 147.782 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 đạt 7.801 tỷ đồng.
Kết quả vượt hơn dự báo trong bản cáo bạch khi chỉ trong 2 năm hãng hàng không thế hệ mới đã đạt doanh thu 95.879 tỷ đồng và 10.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 9.850 đồng cho năm 2018.
Vietjet có truyền thống trả cổ tức cao, đặt kế hoạch các năm trên 50%. Với kết quả tích cực, cổ đông đã quyết định mức cổ tức 2018 là 55%, bao gồm tiền và cổ phiếu.
Năm 2018, Vietjet đã tiếp tục bảo vệ thành công chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA” (chỉ có 8,6% số hãng hàng không trên thế giới đạt chứng chỉ này), và hoàn tất đánh giá theo tiêu chuẩn ISO 27001.
Cùng năm Vietjet được tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá chỉ số an toàn đạt 7 sao - mức cao nhất của các hãng hàng không trên toàn cầu.
Tổng số nhân sự của Vietjet đến 31/12/2018 là 3.850 nhân viên đến từ hơn 30 quốc gia để phục vụ chiến lược phát triển quốc tế, tăng 24,3% so với năm trước. Trong năm 2018, Vietjet đã đào tạo 68 học viên để trở thành phi công.
Đầu tháng 11/2018, Vietjet đã khai trương Học viện hàng không với tổ hợp buồng lái mô phỏng (Full Flight Simulator) hợp tác với Airbus.
Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu - EASA đánh giá và phê chuẩn buồng lái mô phỏng đạt tiêu chuẩn Châu Âu – bộ tiêu chuẩn hàng không hàng đầu thế giới.
Tính đến cuối năm 2018, buồng lái mô phỏng đã được khai thác huấn luyện hơn 910 giờ. Học viện đã tổ chức đào tạo 924 khóa cho 21.611 lượt học viên, trong đó có 157 khoá đào tạo phi công, 127 khoá đào tạo tiếp viên, 128 khoá đào tạo khoá đào tạo kỹ sư v.v...
Vietjet đã đạt nhiều giải thưởng uy tín trong năm 2018, đặc biệt được xếp hạng 22 trong Top 50 Hãng hàng không tốt nhất thế giới về các chỉ số tài chính của AirFinance Journal.
Sang năm 2019, với kế hoạch tiếp tục mở thêm hơn 20 đường bay quốc tế, chuyên chở gần 28 triệu lượt khách, Vietjet đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu vận tải hàng không lên 42.250 tỷ đồng và lợi nhuận từ vận tải hàng không là 3.800 tỷ đồng.
Kế hoạch tiếp tục đặt trọng tâm vào việc mở rộng các đường bay quốc tế giúp Hãng tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé, có lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước, cũng như tăng tỷ trọng doanh thu các mặt hàng phụ trợ vốn có tỷ suất lợi nhuận cao từ phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Cũng tại Đại hội lần này, ông Donal Joseph Boylan (sinh năm 1963) đã được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2017-2022.
Ông Boylan có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không và tài chính hàng không, ông kinh qua vị trí lãnh đạo cấp cao ở các định chế lớn, công ty niêm yết ở châu Âu và Hong Kong.
Đại hội cũng đã nghe báo cáo định hướng phát triển 3 năm tới của Vietjet. Trong giai đoạn 3 năm tiếp theo, Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế, xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, đào tạo, phát huy hiệu quả, lợi thế, kinh nghiệm của hãng hàng không.
Kết quả tích cực những năm qua và năm 2018 là cơ sở xây dựng kế hoạch kỳ vọng cho năm 2019, khẳng định chiến lược đúng đắn của công ty để tiếp tục đà tăng trưởng, tiếp tục sứ mệnh mang cơ hội bay tới tất cả người dân, phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ phát triển du lịch, mang lại những giá trị, hiệu quả cho nhà đầu tư, trở thành một hãng hàng không hoạt động an toàn, hiệu quả, tầm vóc khu vực và thế giới.