Năm học mới liệu có hết lạm thu?

27/07/2019 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - Đến hẹn lại lên, đầu năm học, ngành giáo dục lại thể hiện quyết tâm chống lạm thu. Quyết tâm là vậy tại sao lạm thu vẫn cứ xảy ra?

Ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản do Thứ trưởng Lê Hải An ký gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị thực hiện nghiêm các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, đáng chú ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính, thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm dụng, thu ngoài học phí.

Ảnh minh họa: vov.vn
Ảnh minh họa: vov.vn

Đáng nói, vấn đề lạm thu là câu chuyện không mới nhưng nó lại luôn thời sự khi bước vào đầu mỗi năm học.

Thậm chí, tình trạng lạm thu còn khiến cho chính sách miễn giảm học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học cơ sở được xem là tiến bộ, nhân văn trong Luật Giáo dục sửa đổi trở nên ít ý nghĩa với phụ huynh.

Như đại biểu Cao Đình Thưởng – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ chia sẻ tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vào tháng 11/2018: “Khi chúng tôi hỏi phụ huynh nhiều người bảo, học phí thì ít, phụ phí mới là lớn.

Thực tế, nhiều phụ huynh cũng không hào hứng lắm với việc bỏ học phí nhưng họ đặc biệt quan tâm đến việc thu các loại phí khác.

Đây là vấn đề đặt ra từ lâu và rõ ràng là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục xem xét để quản lý hiệu quả hơn”. [1]

Tệ nạn lạm thu trong trường học như dịch ghẻ, ngành giáo dục thể hiện quyết tâm xử lý, phụ huynh bức xúc, vậy tại sao không xử lý được triệt để?

Xử lý còn…nhẹ tay

Còn nhớ vào đầu năm học 2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh phụ huynh trường Tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức - Hà Nội) choáng váng trước 18 khoản thu đầu năm học.

Theo danh sách phụ huynh cung cấp cho phóng viên có nhiều khoản tiền vô lý có thể liệt kê như tiền Bảng tính thông minh 650.000 đồng; tiền bảo trì máy tính 150.000 đồng.

Cùng đó là nhiều loại quỹ như Quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; Quỹ lớp 300.000 đồng; Quỹ học tập 150.000 đồng.

Tiền trông giữ ngoài giờ (7.000 đồng/tiết, tuần 4 tiết, ) 1.008.000 đồng. Tiền học 2 buổi 900.000 đồng (100.000 đồng/tháng). Tiền vệ sinh 100.000 đồng.

Dù bước vào lớp 1 nhưng các con đã được nhà trường cho học tiếng Anh tăng cường thu 1.170.000 đồng, tiền sách tiếng Anh tăng cường 2 quyển 130.000 đồng.

Ngoài ra, còn tiền vở ô ly, vở luyện chữ đẹp, vở chính tả, sách buổi chiều, bảo hiểm. Tổng số tiền mỗi học sinh lớp 1 phải đóng lên đến 18 mục, tổng  lên đến hơn 7,5 triệu đồng.

Sau khi báo chí vào cuộc quyết liệt, Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Sơn Đồng thời điểm đó bà Nguyễn Kim Oanh – bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng nhưng vẫn tại vị. [1]

Chưa kể, rất nhiều trường hợp nhà trường bị phát hiện lạm thu, lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sửa sai bằng cách trả lại tiền cho phụ huynh và xem như chưa từng có sai phạm xảy ra.

Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn ra công văn rà soát việc thu tiền trái phép
Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn ra công văn rà soát việc thu tiền trái phép

Thành ra, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết liệt chỉ đạo nhưng khi sai phạm xảy ra ở các trường, chính quyền địa phương không xử lý lãnh đạo nhà trường, giáo viên vi phạm thì tính nêu gương, xử lý sai phạm đến cùng cũng không đến đích.

Vì thế, tính răn đe, làm gương không hiệu quả.

Lạm thu được đại diện phụ huynh... tiếp tay?

Khi dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) chưa được thông qua, tại nhiều hội thảo góp ý cho dự án Luật, đã có không ít ý kiến đặt vấn đề nên hay không giữ lại Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường công lập hiện nay.

Một trong những nguyên nhân khiến đặt ra vấn đề này là ở các cơ sở giáo dục công lập, nhiều trường học vẫn bất chấp các quy định tiến hành thu thêm hàng chục khoản thu khác nhau, dưới danh nghĩa là thu thỏa thuận, tự nguyện của cha mẹ học sinh. Các loại tiền quỹ lên đến con số tiền triệu.

Khi dư luận bức xúc thì phần lớn các thành viên trong Ban Giám hiệu của trường lại nói rằng, đây là các khoản thu theo đề xuất của cha mẹ học sinh, nhà trường hoàn toàn không có chủ trương thu các loại quỹ không đúng với quy định.

Ban đại diện phụ huynh trở thành công cụ giúp cho các khoản lạm thu ở trong các trường công lập nghiễm nhiên có đất sống.

Tài liệu tham khảo:

1/https://giaoduc.net.vn/gdvn/truong-son-dong-thu-18-khoan-hieu-truong-bi-canh-cao-dang-va-chinh-quyen-post192798.gd

2/https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-de-nghi-cach-chuc-ngay-hieu-truong-neu-de-xay-ra-lam-thu-post195142.gd

Nhật Minh