Nhà thầu Trung Quốc nhận được nhiều dự án quan trọng
Cuối tháng 4/2014, Bộ GTVT đã “chỉ mặt” hàng loạt các doanh nghiệp năng lực kém, trong đó có nhiều công ty của Trung Quốc. Với tổng số 57 công ty chất lượng chưa đạt yêu cầu, có 4 nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện thi công các công trình tại Việt Nam.
Các tiêu chí đưa ra để xếp loại nhà thầu của Bộ GTVT được dựa trên khả năng huy động nhân sự và máy móc thiết bị; khả năng đáp ứng tiến độ tổng thể và chi tiết; đáp ứng chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; giải quyết các thủ tục thanh, quyết toán; thực hiện bảo hành công trình.
Bốn nhà thầu Trung Quốc chưa đạt yêu cầu bao gồm: Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thi công đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông; Công ty Xây dựng Quảng Tây; Tổng công ty cầu đường Trung Quốc; Công ty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE – Trung Quôc).
Điều đáng nói ở đây là các công ty này đều đang đảm nhận rất nhiều các công trình trọng điểm và có vốn đầu tư lớn.
Tiên cử, là dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện. Đơn vị Chủ đầu tư là Cục Đường sắt Việt Nam. Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã bị đội vốn gần 100% (từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó).
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn 100%. |
Đây là lần đầu Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc nhận thầu với tư cách là tổng thầu EPC trên lĩnh vực đường sắt đô thị, nên việc điều hành tại công trường không tránh khỏi lúng túng.
Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc đã từng chịu trách nhiệm dự án đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái.
Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái có điểm đầu là nút giao Cái Mắm nối tiếp với đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; điểm cuối dự án là khoảng Km262+189 trùng với điểm đầu dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II.
Tổng chiều dài dự án khoảng 149,63km. Đường cao tốc có tiêu chuẩn loại A với vận tốc thiết kế từ 80-120 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là gần 53.000 tỷ đồng.
Ngoài Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc, Công ty TNHH Trung Hưng (ZTE) cũng là nhà thầu đảm nhận một dự án lớn của Việt Nam. Đó là dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội.
Dự án có tổng mức đầu tư 3.511 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2013. Được triển khai, ngoài việc nâng cao tốc độ và an toàn chạy tàu, ngành đường sắt sẽ tiếp thu được những giải pháp công nghệ về viễn thông tiên tiến, cũng như phương pháp quản lý thi công các công trình trên đường sắt, khai thác tạo tiền đề thuận lợi để đường sắt Việt Nam từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ và nâng tính cạnh tranh của vận tải đường sắt.
Hiện nay, Tổng công ty cầu đường TQ cũng đang phụ trách một loạt các chương trình trọng điểm, như dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được chia làm 10 gói thầu xây lắp chính và 7 gói thầu phụ trợ.
Và hợp đồng xây dựng gói thầu thi công cầu Cao Lãnh với Liên danh Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C (Việt Nam) với giá trúng thầu hơn 3.037 tỷ đồng (tương đương 145 triệu USD).
Cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 2.014,74m, bao gồm: Cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính 350m, chiều dài mỗi nhịp biên 150m.
Có thể thấy, các công ty TQ đều nhận được những công trình xây dựng có tầm và quan trọng. Hơn nữa, có lẽ chính vì vậy mà tại các địa điểm này cũng có rất nhiều lao động, nhân công là người TQ sang, vì số lượng hàng quá lớn, nhân công không đủ làm để cấp ứng.
Dự án TQ làm tổng thầu EPC, tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng không
TS Nguyễn Chỉ Sáng, viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, đã đưa ra bảng thống kê về thực trạng các nhà thầu ngoại trúng thầu tại VN. Cụ thể từ năm 2003-2013, VN có 20 dự án nhiệt điện thì 17 dự án đã rơi vào tay nhà thầu nước ngoài, trong đó 15 dự án là tổng thầu Trung Quốc (như Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh... - PV).
Hệ quả là tỉ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, ông Sáng cho rằng “tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%”!
Tương tự, với ngành ximăng, hiện có tới 23/24 do nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc làm tổng thầu với tỉ lệ nội địa hoá không vượt quá 3%, nhiều dự án 0%. Với nhà cung cấp từ các nước G7, tỉ lệ NĐH cũng đạt xấp xỉ 25%.
Một góc nhà máy Tân Rai. |
Còn với 2 nhà máy bauxite đầu tiên của VN là Tân Rai và Nhân Cơ, đều do nhà thầu Chalienco (Trung Quốc) làm tổng thầu, tỉ lệ nội địa hóa hiện chưa tới 2%, trong khi năng lực của các nhà cung cấp trong nước đã có thể đáp ứng từ 50-70% năng lực thiết bị.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí VN khẳng định: Nếu DN Trung Quốc trúng thầu EPC thì các DN Việt Nam không có việc gì để làm, họ mang sang cả người Trung Quốc làm các công việc giản đơn để không phải thuê lại nhà thầu phụ VN.
Loạt dự án thủy điện của nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ
Cách đây hơn 2 năm, hiệp hội Năng lượng VN kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng, đặc biệt nhấn mạnh tới những yếu kém của các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 (giai đoạn 2006-2010) đều bị chậm tiến độ như các nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ…; Nhà máy Điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1.
Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương… đều bị chậm; có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2 - 3 năm.
Lý do chậm, do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.
Dự án thủy điện chậm tiến độ (Ảnh minh họa). |
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN nói thẳng: "Chất lượng thiết bị của Trung Quốc không bằng thiết bị của các nước phát triển, do đó dẫn đến việc triển khai các dự án vừa chậm trong xây dựng vừa chậm trong quá trình hoàn chỉnh để đưa dự án vào vận hành".
Các dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu họ đều đưa toàn bộ người Trung Quốc sang làm, không thuê kỹ sư, công nhân của VN, do đó không tận dụng được lao động nội lực, tạo công ăn việc làm cho các địa phương có dự án.
Thực tế, hiện nay rất nhiều dự án điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ, thiết bị, vật liệu của Trung Quốc. Nhiều vấn đề nảy sinh đối với các dự án điện mà nhà đầu tư chọn nhà thầu EPC Trung Quốc, như bị chậm tiến độ và đã có trường hợp, nhiều sự cố xảy ra trong quá trình vận hành do sử dụng thiết bị và công nghệ Trung Quốc.
Không bất ngờ
PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm Bộ môn cầu đường, Trường ĐH GTVT Hà Nội cho biết: "Tôi không bất ngờ, vì cách đây nhiều năm, những năm 2007 đến 2010, người ta cũng đã kêu ca rất nhiều về một số nhà thầu TQ, đặc biệt trong khu vực TP.HCM".
Theo ông Toản, tới thời điểm này, mức độ tham gia của các nhà thầu TQ càng ngày càng nhiều. Ở ngoài Bắc những công trình to, như đường cao tốc này, cao tốc kia, đều có nhà thầu TQ tham gia.
Thậm chí, theo quan sát của ông, đối với các công trình giao thông, đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, còn có nhà thầu xây lắp của Pháp, Đức nhộn nhịp tham gia, sau một đợt đấu thầu thì họ xin rút lui hết, vì họ không có cách nào để cạnh tranh về giá.
Nhà thầu Việt Nam cần tăng cường khả năng cạnh tranh. |
"Nó rất mâu thuẫn với nhận định của nhiều chuyên gia là giá công trình của ta (ví dụ đường cao tốc) đắt hơn thế giới nhiều nhưng các nhà thầu đến từ các nước phát triển lại không thể thực hiện được", ông nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, để hạn chế tình trạng nhà thầu TQ chưa đủ năng lực nhưng trúng thầu các dự án quan trọng tại Việt Nam, cần phải có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ các nhà thầu TQ, hạn chế các nhà thầu Trung Quốc có năng lực kém vào tham gia đấu thầu.
Thứ hai, ngay các nhà thầu VN cũng phải điều chỉnh, tăng cường khả năng cạnh tranh, năng lực của mình.
Thứ ba, tình trạng lót tay, đi đêm có không, quản lý thế nào, làm sao để kiểm soát?
Thứ tư, khi phát hiện những nhà thầu như vậy thì phải thẳng thắn loại bỏ những nhà thầu năng lực yếu kém, không đạt yêu cầu. Tất nhiên, ở đây không thể không nói tới trách nhiệm thẩm định thầu.