Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đối với các môn văn hóa lớp 9 ở các tỉnh thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm nhưng năm nay vì dịch bệnh Covid-19 nên đến thời điểm này thì đa phần các địa phương chưa thể tổ chức được.
Khi học sinh đi học trở lại, Sở Giáo dục tổ chức thi thì liệu học sinh có đáp ứng được yêu cầu kỳ thi hay không? Chắc chắn chất lượng kỳ thi sẽ ảnh hưởng mà thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì điều đầu tiên phải hướng tới là điểm cao, giải cao.
Với thực tế dịch bệnh như thế này, có lẽ các Sở Giáo dục ở các địa phương nên bỏ thi kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đối với học sinh lớp 9 trong năm nay sẽ nhận được sự đồng thuận của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Dừng kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong tình hình hiện nay là cần thiết. (Ảnh minh họa trên báo Thiếu niên Tiền phong). |
Học sinh những năm gần đây không thiết tha với việc vào đội tuyển
Là người đã và đang ôn thi học sinh giỏi liên tục suốt hàng chục năm qua, chúng tôi nhận thấy kỳ thi này càng ngày càng không thu hút được học trò và giáo viên ôn thi cũng không mặn mà nữa.
Số lượng học sinh tự nguyện đăng ký ôn thi học sinh giỏi lớp 9 ngày càng ít và đa phần là nhà trường, các giáo viên bộ môn phải động viên thì học trò mới miễn cưỡng nghe theo, nhất là đối với những môn Khoa học Xã hội.
Vì sao học sinh lại không thiết tha với kỳ thi học sinh giỏi các cấp? Hiểu vấn đề này không có ai hiểu hơn những thầy cô đang trực tiếp ôn thi và các em học trò tham gia đội tuyển học sinh giỏi hàng năm ở các nhà trường.
Các em học sinh ngại tham gia đội tuyển vì sẽ mất rất nhiều thời gian ôn tập từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 năm sau (đối với thi vòng huyện) và tháng 3 (đối với vòng thi cấp tỉnh).
Khoảng thời gian đó, mỗi tuần ít nhất giáo viên sẽ ôn 2 buổi, trái buổi với học chính khóa và lượng kiến thức ôn tập thì nhiều vô kể nên cả khi ở lớp hay những lúc ở nhà thì thầy cô vẫn luôn giao bài tập rất nhiều- đó là điểm chung nhất của việc ôn thi học sinh giỏi.
Tất nhiên, với cường độ ôn tập như vậy nên học sinh mệt mỏi mà khó có thể tham gia ôn và học tập tốt các môn học khác, cũng như tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, vui chơi như các bạn bè không tham gia vào đội tuyển.
Thời gian năm học còn ít, chỉ nên tập trung dạy và học chính khóa |
Nếu đạt giải cao nhất của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì mỗi giải cũng được vài ba trăm nghìn đồng và không hề có ưu tiên gì cho việc thi tuyển sinh 10 vì việc cộng điểm cho học sinh giỏi cấp tỉnh đối với kỳ thi tuyển sinh 10 đã bị Bộ bãi bỏ mấy năm nay rồi.
Nhưng, nếu như học sinh không đạt giải thì nỗi buồn sẽ dai dẳng bám theo mãi, bị bạn bè trêu chọc mà việc học sinh không đạt giải thì nhiều lắm bởi thi học sinh giỏi thì các cấp tổ chức chỉ lấy khoảng 20-25% tổng số thí sinh dự thi để công nhận giải.
Trong khi đó, bạn bè không tham gia đội tuyển thì các em tập trung vào nhiều môn học khác, nhiều em đã chủ động chuẩn bị chu đáo cho các môn thi của kỳ thi tuyển sinh 10.
Nhưng, đối với học sinh tham gia đội tuyển thì chỉ tập trung được 1 môn (nếu là môn thi tuyển sinh 10) thậm chí là không chuẩn bị được gì cho tuyển sinh 10 đến khi kết thúc kỳ thi học sinh giỏi vì nhiều em thi những môn không nằm trong những môn thi tuyển sinh 10.
Vì thế, đa phần học sinh ái ngại khi thầy cô vận động vào đội tuyển nhưng vì nể thầy cô rồi phải tham gia, phụ huynh cũng không thiết tha với việc con ôn thi học sinh giỏi vì họ biết năm lớp 9 thì điều quan trọng nhất là kỳ thi tuyển sinh 10 ở phía trước.
Không chỉ học sinh không có quyền lợi và giáo viên ôn thi học sinh giỏi cũng gần như chẳng có ưu ái gì. Việc quy đổi thành tích từ "giải Ba" học sinh giỏi cấp tỉnh thành sáng kiến kinh nghiệm đã bị bỏ từ lâu nay.
Vì thế, nếu học sinh đạt giải thì nhà trường thưởng cho giáo viên vài trăm nghìn động viên (Phòng, Sở không khen thưởng giáo viên) còn học sinh đạt giải thì được Phòng, Sở thưởng vài trăm nghìn đồng và 1 tờ giấy khen.
Vậy nhưng, năm nào các cấp cũng tổ chức rình rang, tốn kém và hình thức, kéo theo nhiều thị phi ở kỳ thi này.
Có nên tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 trong năm học này nữa không?
Có công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hay không? |
Khả năng hết tuần này thì học sinh từ Mầm non đến Trung học cơ sở ở nhiều tỉnh vẫn chưa thể đi học trở lại (Đồng Nai đã cho nghỉ) vì dịch bệnh. Nhưng, nếu có đi học trở lại thì quãng thời gian còn lại của năm học là không nhiều.
Học sinh đã nghỉ học 8 tuần liên tục nên dù là học sinh giỏi thì các em cũng không dễ gì nắm được kiến thức giống như thời điểm trước Tết Nguyên đán. Vì thế, nếu phải tham dự kỳ thi này, chúng tôi tin học sinh cũng khó có thể đạt được điểm cao vì học sinh đã nghỉ học quá lâu và cái chính là nhiều em cũng không thiết tha với kỳ thi này.
Đa số học sinh lớp 9 ở thời điểm này đã đang hướng về ôn tập trực tuyến đối với các môn thi tuyển sinh 10 sắp tới nên việc ôn những môn mà các em đã đạt giải cấp huyện cũng không được chú trọng.
Trong khi, nếu các Sở tổ chức thì phải triệu tập hàng ngàn học sinh của các huyện, thị trên toàn tỉnh về một đơn vị trường học ở tỉnh lỵ để tham dự kỳ thi. Nhiều tỉnh có diện tích rộng, địa bàn khó khăn thì việc di chuyển về tham dự kỳ thi cũng là điều đáng bàn trong lúc dịch bệnh còn chưa kiểm soát được.
Các Sở nên dừng tổ chức kỳ thi học sinh giỏi trong năm nay vì có vô vàn những khó khăn đang xảy ra. Dừng kỳ thi để đề phòng dịch bệnh, học sinh tập trung chuẩn bị tốt cho việc học chính khóa ở trên lớp và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10 sắp tới.
Nếu dừng, có lẽ học sinh và giáo viên cũng không oán thoán gì vì vừa thi học sinh giỏi cấp huyện xong thì nghỉ Tết nên Sở cũng không phải nghĩ đến chuyện học sinh mất công ôn tập, không tổ chức thì các em nuối tiếc kỳ thi.
Thực tế, không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo cũng nên bỏ kỳ thi này giống như cấp Tiểu học. Bởi, việc tổ chức một kỳ thi mà người thi, người trực tiếp ôn thi gần như không có quyền lợi gì. Trong khi đó, cả thầy và trò đều chịu áp lực vô cùng mà có những địa phương còn để xảy ra những tiêu cực khi tổ chức thì việc duy trì kỳ thi này đâu còn nhiều ý nghĩa!