Có công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hay không?

08/12/2019 06:23
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Nếu vẫn để một người nắm "nhiều vai" khác nhau như một số địa phương hiện nay đang làm thì không bao giờ có công bằng và tất nhiên uy tín của kỳ thi không có.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hiện nay chỉ còn duy trì đối với cấp Trung học cơ sở vì cấp tiểu học đã bỏ nhiều năm nay. Sau khi thi cấp huyện thì Phòng Giáo dục sẽ lựa chọn đội tuyển cho huyện mình và tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Tuy nhiên, có một số bất cập vẫn đang tồn tại ở một số địa phương là tính công bằng trong kỳ thi không phải lúc nào cũng được chú trọng. Một người có thể đóng nhiều vai khác nhau và cũng vì thế mà một người vui nhưng có hàng chục người buồn, chán nản.

Khi một người mà đóng nhiều vai thì tính công bằng của kỳ thi sẽ bị thách thức (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Khi một người mà đóng nhiều vai thì tính công bằng của kỳ thi sẽ bị thách thức

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Theo cơ cấu của Phòng Giáo dục và Đào tạo thì chỉ có 1 chuyên viên phụ trách chuyên môn cho cấp Trung trung học cơ sở. Trong khi đó, cấp học này trừ các môn năng khiếu ra vẫn còn hàng chục chục môn học và đương nhiên là các môn học này đều được tổ chức thi học sinh giỏi.

Chính vì vậy, chuyên viên phụ trách chuyên môn có ra đề thì cũng chỉ có thể là ra được 1 môn học. Các môn còn lại phải nhờ cậy vào các trưởng hội đồng bộ môn của huyện.

Trên danh nghĩa thì việc điều động, nhờ cậy trưởng hội đồng bộ môn cũng là điều phù hợp bởi vị này đảm nhận vai trò là người phụ trách 1 môn học trong cả huyện.

Thế nhưng, trưởng hội đồng bộ môn thì cũng là tổ trưởng chuyên môn của một trường học kiêm nhiệm mà vị này thường cũng ôn thi học sinh giỏi của trường mình.

Khi chấm thi lại cũng thường là trưởng hội đồng bộ môn phụ trách chấm môn học đó với 1 giáo viên khác nữa. Như vậy, vị trưởng hội đồng bộ môn thường đảm nhận 3 vai trò. Vừa là người ôn thi, ra đề thi và chấm thi học sinh giỏi.

Chúng tôi không khẳng định là đề thi bị lộ nhưng về mặt khách quan thì đây là điều không phù hợp chút nào.

Một khi mình đóng vai trò ôn thi cũng đồng nghĩa là nhận sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường và tất nhiên là Ban giám hiệu nào cũng mong muốn trường mình có nhiều học sinh giỏi để tăng thêm uy tín cho đơn vị mình.

Có công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hay không? ảnh 2Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều

Chính vì thế, cho dù không nói thẳng ra khi ôn nhưng làm sao tránh được tình trạng trưởng hội đồng bộ môn không định hướng cho học sinh của mình một cách rõ ràng về dạng đề, bài tập, nội dung của đề thi.

Khi chấm thi, dù có rọc phách thì người thầy vừa dạy trên lớp, vừa ôn học sinh giỏi, vừa ra đề lẽ nào lại không nhận ra học sinh của mình về nội dung, về nét chữ?

Nhất là đối với những môn xã hội thì việc nhận ra nét chữ, phong cách làm bài cực kỳ dễ dàng bởi mỗi huyện chỉ có vài ba chục học sinh mà thôi. Vì thế, chuyện rọc phách cũng chỉ là một hình thức để tạo sự khách quan mà thôi.

Khi một người đóng quá nhiều vai trong một kỳ thi đương nhiên là họ có rất nhiều lợi thế và thực tế là năm nào thì trường có trưởng hội đồng bộ môn ra đề thi cũng chiếm áp đảo học sinh đạt giải cao nhất và có học sinh tham gia đội tuyển thi cấp tỉnh.

Những trường khác dù buồn phiền, dù học trò buồn tênh sau mỗi kỳ thi thì giáo viên cũng chỉ biết an ủi học sinh chứ biết làm thế nào khi mà Phòng Giáo dục chủ trì thì những ý kiến của giáo viên cũng chẳng có trọng lượng gì trước những bất cập này.

Hơn nữa, trên danh nghĩa công tác coi thi, chấm thi nghiêm ngặt, bài đã rọc phách thì "làm sao" mà giáo viên biết học sinh nào là học sinh của mình.

Để đảm bảo tính công bằng không khó

Thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở là công việc thường niên của mỗi năm học, năm nào cũng ôn, cũng tổ chức thi. Chính vì vậy, nó cũng là một phong trào mà các nhà trường chú trọng.

Giáo viên được phân công ôn thi vừa vất vả và cũng áp lực vô cùng bởi thời gian đầu tư nhiều tháng trời mà quyền lợi cho giáo viên ôn thi gần như không có.

Có công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện hay không? ảnh 3Thầy giáo trung học "phát khóc" vì trò thi học sinh giỏi

Trường nào thương giáo viên thì cho vài trăm ngàn uống nước nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi với giáo viên nhiều địa phương thì đa phần đều không có. Giáo viên chỉ được thưởng một số tiền tượng trưng khi có học sinh đạt giải học sinh giỏi và phát vào dịp cuối năm học.

Chính vì vậy, việc đảm bảo sự công bằng cho các trường và giáo viên ôn thi là điều mà các Phòng Giáo dục phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Chính vì chuyên viên phụ trách chuyên môn chỉ có 1 người nên việc đảm bảo nhất là Phòng cần có một ngân hàng đề thi hàng năm.

Lãnh đạo Phòng chỉ cần định hướng và yêu cầu mỗi trường ra một đề thi, khi thi thì chuyên viên có thể lấy một vài đề của các đơn vị đảo với nhau thì tính công bằng, khách quan sẽ được nâng lên. Nếu không thì có thể thuê chuyên viên Sở ra đề cũng là giải pháp chấp nhận được.

Khi điều động giáo viên làm giám khảo chấm thi học sinh giỏi thì nên điều động những giáo viên không tham gia ôn thi đi chấm. Bởi vì đáp án đã có sẵn, kiến thức thì giáo viên đã nắm thì lo gì giáo viên không làm được nhiệm vụ này.

Hàng năm, vẫn có hàng trăm giáo viên ở địa phương được điều đi chấm thi tuyển sinh 10 và họ cũng đều làm tốt nhiệm vụ của mình.

Chấm thi tuyển sinh 10 còn nghiêm ngặt hơn rất nhiều chấm thi học sinh giỏi cấp huyện bởi bảo vệ, thanh tra vòng trong, vòng ngoài, rồi bài còn được chấm kiểm tra nữa

Nếu thi học sinh giỏi cấp huyện vẫn để một người nắm nhiều vai khác nhau như một số địa phương hiện nay đang làm thì không bao giờ có công bằng và tất nhiên uy tín của kỳ thi không có.

Khi không có sự công bằng thì khiến cho nhiều trường, giáo viên, học sinh chán ngán và họ cũng không bao giờ phục những trường có nhiều học sinh đạt giải vì trường đó có người vừa ôn, vừa ra đề, vừa chấm thi!

NGUYỄN NGUYÊN