LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những bất cập trong cuộc thi học sinh giỏi. Đồng thời, thầy đưa ra những kiến nghị để nâng cao hiệu quả của cuộc thi này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều người đề xuất bỏ thi học sinh giỏi, vì không công bằng, bệnh thành tích, một người đóng nhiều vai v.v...
Thế nhưng, một thực tế đang diễn ra trên rất nhiều địa phương, phụ huynh học sinh không muốn con mình tham gia thi học sinh giỏi.
Nhiều địa phương, tỷ lệ học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 giảm đến đến bất ngờ (Thành phố Hồ Chí Minh giảm 75%; năm học 2017-2018 gần 4.000, năm nay chỉ có 1.183 học sinh lớp 9 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức).
Tại sao vậy?
Các kì thi tuyển sinh trung học phổ thông càng ngày càng khốc liệt; nhiều người nhận xét, kì thi này còn áp lực hơn nhiều so với kì thi Quốc gia Trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, Sở giáo dục các địa phương, đã bỏ cộng điểm khuyến khích với học sinh đỗ học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhiều người đề xuất bỏ cuộc thi học sinh giỏi. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại |
Cuộc chiến “khốc liệt” vào Trung học phổ thông khi tỷ lệ chọi ngày càng cao, đã đẩy suy nghĩ, hành động của phụ huynh, học sinh tập trung vào các môn tuyển sinh (Toán, Văn, Anh).
Phần lớn học sinh lớp 9, chỉ tập trung vào các môn thi tuyển Trung học phổ thông; các trường Trung học cơ sở cũng chỉ tập trung vào “dạy” ba môn này.
Việc các Sở giáo dục thống kê điểm thi Trung học phổ thông của các trường Trung học cơ sở, qua đó đánh giá chất lượng “giáo dục” của các trường Trung học cơ sở, vô hình trung đẩy học sinh và nhà trường vào “cuộc đua” không đáng có này.
Vì thế ở khối lớp 9, tình trạng môn chính, môn phụ, thầy chính, thầy phụ càng sâu sắc. Không học, chắc chắn không thể có điểm cao trong các kì kiểm tra; vì thế đã đẻ ra tình trạng học lệch, mua điểm, chạy điểm, xin điểm… môn phụ, để cho con đạt học sinh giỏi.
Làm sao để hài hòa giữa phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát huy năng lực cho học sinh ngay từ Trung học cơ sở, tạo nền tảng định hướng nghề nghiệp cho học sinh?
Biện pháp đầu tiên phải giải quyết là nội dung đề thi học sinh giỏi lớp 9.
Bất cứ giáo viên nào đang dạy bộ môn Trung học cơ sở, đọc đề thi học sinh giỏi cấp Huyện, Tỉnh, đều có nhận xét đề thi quá khó!
Chính đề thi quá khó đó đã thúc đẩy giáo viên luyện thi, học trò bồi dưỡng, tập trung tối đa tâm trí cho bộ môn, mới hòng có kết quả.
Vì thế, tham gia học luyện thi học sinh giỏi, các em không còn tâm lực học môn thi Trung học phổ thông, buộc gia đình phải “can thiệp”, học trò phải bỏ thi.
Vì thế, đề thi học sinh giỏi lớp 9, không nên quá khó, chỉ cần các em học tốt nội dung chương trình Trung học cơ sở, vận dụng linh hoạt là làm được, không đòi hỏi phải ôn luyện nhiều.
Nội dung đề thi, phù hợp với phân phối chương trình thời gian thi. Tháng 3 thi, nội dung đề ra hết năm, buộc thầy và trò phải học trước, dạy trước.
Thứ hai, cần có chính sách cộng điểm khuyến khích phù hợp, không nên bỏ hẳn như hiện nay.
Thứ ba, tổ chức thi phải công bằng, minh bạch; không để xảy ra tình trạng một người đóng nhiều vai như báo chí phản ánh.
Danh hiệu học sinh giỏi các cấp, chưa hẳn đã phản ánh tiền đề thành công của một con người, một xã hội. Thế nhưng phong trào dạy tốt, học tốt, nó phản ánh thành công của một nền giáo dục.
Đừng để thi học sinh giỏi nhiễm bệnh thành tích, học sinh học giỏi vẫn là mong muốn của gia đình, xã hội.
Tài liệu tham khảo:
https://tuoitre.vn/tp-hcm-thi-sinh-thi-hoc-sinh-gioi-lop-9-giam-gan-3-4-2019031407560705.htm?fbclid=IwAR3xsI5Gfw5vFnUwOkFwpiln4tM_Pgy8Zlwy2UBglIGjYwwsxYbsNphItG0