Xét thế mạnh của bản thân tôi thấy mình cũng giỏi Toán, viết Văn cũng tốt nhưng cõ lẽ môn tiếng Anh thú vị hơn cả, càng học càng cảm thấy muốn tìm hiểu về nó, vì nếu giỏi tiếng Anh sẽ dễ tiếp cận với những triết lý sống, hay những kiến thức mới trên thế giới nhanh hơn những môn khác, vậy nên tôi quyết định thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ.
Cô Bùi Thị Thu Hằng - giáo viên dạy môn tiếng Anh và các em học sinh của Trường Trung học phổ thông Thanh Ba (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Ảnh Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ: “Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2003, tôi có làm phiên dịch tại một công ty Nước ngoài với thu nhập cũng khá.
Sau một thời gian tôi nhận thấy nếu tiếp tục công việc này thì kỹ năng tiếng Anh của tôi sẽ tốt hơn, nhưng đó là về cá nhân, còn với kỹ năng này mà làm giáo viên thì sẽ giúp được nhiều người hơn, có thể truyền cảm hứng cho các em, và nhiều lớp học trò được tiếp cận với kiến thức mà bản thân tôi đã học được.
Về công tác tại Trường Trung học phổ thông Thanh Ba (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) năm 2006, cô Hằng tham gia dạy các lớp tiếng Anh cơ bản, sau vài năm Ban giám hiệu nhà trường phân công tôi sang dạy những lớp nâng cao về tiếng Anh. Hiện nay tôi còn tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh của trường”.
Phương pháp giảng dạy.
Tiếng Anh là môn học thú vị nhưng lại đòi hỏi phải có năng khiếu nên nhiều học sinh rất ngại học môn này, nhưng bằng phương pháp giảng dạy, cô giáo Hằng đã giúp các em học sinh không còn ngại học.
“Mỗi học sinh có trình độ khác nhau nên việc đầu tiên là phải truyền cảm hứng để các em yêu thích môn học này, đây là việc rất quan trọng. Bản thân người giáo viên cũng là một động lực để truyền cảm hứng cho học sinh, giáo viên cũng phải chịu khó học hỏi và cũng phải thể hiện được sự hiểu biết của mình về mặt ngôn ngữ cũng như mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Khi học sinh nhìn vào tấm gương của thầy cô, cảm phục thì tự nhiên các em học sinh cũng sẽ yêu thích môn học đó”, cô giáo Hằng nói.
Người giáo viên cũng phải thuyết phục, giúp các em học sinh thấy được đây là môn học thú vị, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ tiếng Anh để các em được giao lưu, nói chuyện hoặc xem những phim có phụ đề cũng rất cần thiết.
Một giờ học ngoại khóa của Trường Trung học phổ thông Thanh Ba (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Tùng Dương. |
Cô giáo Hằng cho biết: “Với những chương trình ngoại khóa, tôi thường tìm hiểu rõ nội dung để chuẩn bị phương pháp dạy, ví dụ: Nếu các em thích một bộ phim của Nước ngoài thì tôi đã phải tìm hiểu trước về nội dung, cũng như mọi sự kiện xung quanh bộ phim đó để trao đổi, nói chuyện với các em trong khi xem, việc này sẽ giúp cho học sinh rèn luyện kĩ năng nghe, phát âm, từ đó sẽ thấy yêu thích môn tiếng Anh hơn.
Nhận thấy trình độ của một số em chưa tương thích với sách giáo khoa, nên làm thế nào cho các em thích học là một vấn đề rất khó, nhiều khi tôi vẫn phải áp dụng những phương pháp chăm sóc dần dần, tìm hiểu tâm tư, mỗi ngày dạy một chút để tạo cảm hứng cho các em.
Phương pháp cho học sinh gỡ điểm cũng khuyến khích các em chịu khó học hơn, vì thực chất có học bài thì thì mới gỡ được những điểm thấp, nhưng thực tế kết quả thu được là khuyến khích các em học tập, qua đó tôi nhìn nhận đánh giá sự chịu khó, thái độ học tập của các em, chứ không đơn thuần chỉ là nhìn vào điểm số.
Đối với những học sinh kém môn tiếng Anh, tôi thường tạo không khí cho giờ học thật thoải mái, khi các em lên bảng phát âm mặc dù không đúng nhưng tôi thường khích lệ và đánh giá các em theo tiêu chí mạnh dạn, tự tin dám thể hiện, đó là cái tôi đánh giá cao nhất”.
Mặc dù là dạy kiến thức nhưng giáo viên phải khơi gợi được niềm đam mê của các em, khuyến khích giúp các em tự tin, cô giáo Hằng luôn đưa ra những yêu cầu phù hợp với trình độ của từng em, qua đó sẽ đánh giá được thực chất và sẽ có phương pháp dạy phù hợp, nếu cào bằng trình độ thì dẫn đến những em yếu kém không theo kịp các bạn, dễ sinh ra chán nản, sợ học.
Tiếng Anh là môn học thú vị nhưng lại đòi hỏi phải có năng khiếu nên nhiều học sinh rất ngại học môn này, nhưng bằng phương pháp giảng dạy, cô giáo Hằng đã giúp các em học sinh không còn ngại học. Ảnh: Tùng Dương. |
Chia theo từng nhóm.
“Tùy cấp độ mà tôi đưa ra những yêu cầu phù hợp, đối với những em có trình độ thấp hơn thì tôi yêu cầu khoảng 10 từ mới là đạt, những em có trình độ cao thì số lượng từ mới phải nhiều hơn. Xét về mặt tâm lý thì các em đều hoàn thành mức yêu cầu của giáo viên đặt ra, đó cũng là động lực để giúp các em thích học hơn, không có cảm giác tự ti kém bạn.
Qua theo dõi với những phương pháp mà tôi áp dụng thì chỉ hết một học kỳ là hầu như các em đều có tiến bộ, không còn sợ học tiếng Anh như trước, các em đều mạnh dạn hơn trong cách thể hiện, mặc dù đôi chỗ còn sai nhưng về tinh thần dám nói, dám phát âm thì vượt trội”, cô giáo Hằng nói.
Một số thủ thuật làm bài mà tôi chia sẻ thì các em đều lắng nghe và áp dụng, điều đó cho thấy những phương pháp tôi dạy các em đã phần nào có hiệu quả, các em học tập với thái độ nghiêm túc hơn, chịu khó nghe và hỏi.
“Việc cho bài tập tiếng Anh về nhà thì có nhiều người không đồng tình, cho rằng đó là bắt ép học sinh, nhưng theo quan điểm của tôi các em đều là những người trưởng thành, nên các em phải có trách nhiệm với những việc mình đang làm.
Các em đang là học sinh thì việc của các em là phải học, việc làm bài tập về nhà thực ra là để kiểm tra ý thức, trách nhiệm của các em, các em phải có ý thức với chính công việc mà các em đang làm”, cô giáo Hằng chia sẻ thêm.
Qua trao đổi được biết hiện nay cô giáo Bùi Thị Thu Hằng tham gia dạy 3 lớp tiếng Anh với hơn 100 học sinh, trong đó có 1 lớp với những học sinh yêu thích môn tiếng Anh nâng cao. Dựa trên giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Hằng đã mạnh dạn đưa ra những phương pháp dạy phù hợp với các em.
“Đối với lớp có trình độ cao hơn thì tôi để các em tự do thảo luận về một vấn đề cụ thể, các em tự do nói, nêu quan điểm của mình nhưng bằng tiếng Anh.
“Để học sinh không ham thích môn Lịch sử, một phần do cách dạy của giáo viên" |
Đối với lớp có trình độ thấp hơn chút thì tôi đưa ra những gợi ý, các em có thể nói nhưng dựa trên cấu trúc của giáo viên đưa ra, như vậy sẽ phù hợp với trình độ của các em hơn”, cô giáo Hằng nhấn mạnh.
Đội tuyển thi môn tiếng Anh cấp Tỉnh của Trường Trung học phổ thông Thanh Ba dưới sự dìu dắt của cô giáo Hằng cũng đã đạt nhiều giải, năm học 2018 - 2019 có 2 giải nhì, 1 giải 3 và 8 em đạt giải Khuyến khích.
Gần đây nhất các em còn thi IOE (tiếng Anh qua mạng Internet), cũng có em vào đến vòng thi cấp Quốc gia, các em còn tham gia Câu lạc bộ nói tiếng anh cấp tỉnh, tham gia cuộc thi tiếng anh OSE cũng đạt giải cao.
Lời khuyên cho môn học khó.
Cô giáo Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ: “Các em cần phải cố gắng vì đây là môn học khá quan trọng, kỹ năng nghe và nói sẽ theo các em suốt cuộc sống sau này, giúp cho các em tiếp cận với kiến thức trên thế giới dễ dàng hơn.
Là môn học khó nên rất cần sự chăm chỉ, các em sau này có làm gì đi nữa thì tiếng Anh sẽ tạo ra một cơ hội để các em có được một nghề nghiệp tốt.
Cần trau dồi 4 kỹ năng như: nghe, nói, đọc viết. Về vốn từ vựng, các em nên nghe, đọc, qua đó các em vừa có thêm từ mới mà còn luyện được cách phát âm.
Kĩ năng nói cũng từ nghe mà ra, nghe nhiều sẽ nói được và phát âm chuẩn, các em có thể nghe các kênh truyền hình nước ngoài, xem những bộ phim ngắn, những chương trình này thường nói rất chậm, đôi khi còn có phụ đề nên rất thuận lợi.
Các em chịu khó đọc sách tiếng Anh nhiều hơn, ngoài luyện kĩ năng thì nó còn giúp các em có thêm hiểu biết, việc đọc sách này nên duy trì hàng ngày, có thể đọc đi đọc lại để hiểu và nhớ.
Về viết, các em nên bắt đầu từ cấp độ thấp, viết chính tả bằng những đoạn văn ngắn theo sách, rồi nâng dần lên đến viết bài luận dài hơn bằng những vốn từ mình đã biết”.