Ông Tập Cận Bình. |
Đa Chiều ngày 23/5 bình luận, Mỹ nhất định sẽ không cam tâm đứng ngoài 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khi người phát ngôn Lầu Năm Góc xác quyết, bước tiếp theo Washington sẽ cho tàu chiến, máy bay do thám tiến vào phạm vi 12 hải lý bởi đó là không phận - vùng biển quốc tế. Động thái này của Hoa Kỳ nhằm bác bỏ yêu sách "lãnh hải 12 hải lý" mà Trung Quốc đòi hỏi (vô lý) với các đảo nhân tạo này.
Ngay từ tháng Hai năm nay, ông Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Obama và xác nhận, tháng Chín năm nay ông Bình sẽ sang thăm Mỹ. Theo thông lệ quốc tế, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa 2 quốc gia, thông thường các bên thường tránh xung đột, tranh chấp để tạo bầu không khí thân thiện. Với những chia rẽ hiện có, thông thường 2 bên sẽ lựa chọn cách xử lý "làm mềm vấn đề" thay vì leo thang căng thẳng. Nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện không như vậy.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc và đã nói chuyện Biển Đông với Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Vương Nghị, Phạm Trường Long thì máy bay trinh sát hải quân Mỹ tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây (bất hợp pháp) ở Trường Sa. Đa Chiều bình luận, động thái này cho thấy Bắc Kinh và Washington đã thất bại trong việc kiểm soát tình hình, nếu Biển Đông xảy ra va chạm với bất kỳ lý do nào cũng có thể leo thang thành xung đột quân sự. Khi đó Tập Cận Bình sẽ phải hủy chuyến công du Hoa Kỳ.
Đa Chiều cho rằng, hiện tại Trung Quốc đã qua giai đoạn "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy xây dựng sức mạnh quân sự và giành thế chủ động. Mao Trạch Đông từng nói rằng "lấy chiến tranh để kiếm hòa bình thì hòa bình còn, lấy thỏa hiệp tìm kiếm hòa bình thì hòa bình mất", Đa Chiều lưu ý, Bắc Kinh chủ động trong việc "ra đòn" ở Biển Đông là sự thể hiện "triết học chiến tranh" của Mao Trạch Đông.
Tờ South China Morning Post ngày 24/5 nói rằng, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bắn loạt đạn tiếp theo trên Biển Đông" khi ông công khai chỉ trích chính sách ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột trong khu vực. Phát biểu trong một buổi lễ tốt nghiệp của các tân sĩ quan Hải quân Mỹ ở Maryland, ông Joe Biden nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải và xu hướng giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ. Mỹ có vai trò duy trì và gìn giữ hòa bình trong các vùng biển, bao gồm Biển Đông.
Joe Biden là quan chức cấp cao của Mỹ phản đối gay gắt hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa: "Họ đang xây dựng đường băng, đặt các giàn khoan dầu, tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp, khả năng áp đặt vùng nhận diện phòng không. Việc bồi lấp xây dựng ở Trường Sa các bên khác có làm, nhưng không thể địch nổi Trung Quốc về quy mô. Căng thẳng đang dâng cao. Như tôi đã nói họ chạy rất nhanh, và các bạn sẽ đến đó để gìn giữ hòa bình".
"Đó là lý do tại sao 60% sức mạnh Hải quân Hoa Kỳ sẽ đóng tại châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020", Phó Tổng thống Mỹ nói. Trong một động thái có liên quan, tờ Sputnik News của Nga ngày 23/5 đưa tin, Hải quân Hoa Kỳ đang đặt mục tiêu trong vòng 10 năm tới có thể triển khai thiết bị lặn không người lái tiên tiến nhất ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông nơi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và nhiều lần thách thức, đe dọa máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ qua khu vực.
Thiết bị lặn không người lái thế hệ mới tiên tiến Hoa Kỳ chế tạo có khả năng cập cảng, nạp pin, upload dữ liệu và tải về các mệnh lệnh mới trước khi được thả đi một lần nữa. Việc sử dụng chúng sẽ khắc phục được 2 hạn chế cơ bản của tàu ngầm mini không người lái (UUV) là năng lượng và thông tin liên lạc. Hệ thống này nhỏ hơn và khó phát hiện hơn so với các tàu ngầm và các đối thủ ít có khả năng phát hiện chúng ở tiền duyên.