Nếu công ty bố trí học sinh 17 tuổi thực tập làm việc quá 40h/tuần có sai luật?

05/06/2023 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Độc giả băn khoăn nếu công ty bố trí cho học sinh 17 tuổi đến thực tập, phải làm việc trên 40 tiếng đồng hồ/tuần, liệu có đúng quy định hiện hành?

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh và băn khoăn của độc giả liên quan đến thông báo của Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định về việc thực hiện kế hoạch thực tập tốt nghiệp cho học sinh trung cấp K2 Khoa Điện - Điện tử tại điểm trường Việt Hùng.

Theo độc giả băn khoăn, Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định kết hợp với một công ty cho học sinh đi thực tập ngày làm 8 tiếng. Nhưng trong thông báo đi thực tập người này lại thấy công ty có thể yêu cầu học sinh làm tăng ca và làm từ thứ 2 đến thứ 7 có nghĩa là làm quá 40 giờ 1 tuần.

Độc giả cho biết: "Theo tôi nhận thấy theo Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 thì: "Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Tuy nhiên, trong thông báo trường này kết hợp với công ty làm cả ca 2 từ 20h đến 5 giờ sáng hôm sau vậy có đúng pháp luật?".

Theo thông báo của Trường cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, công việc của các em học sinh thực tập tại công ty sản xuất, lắp ráp nam châm điện cho thiết bị sạc không dây điện thoại di động.

Thời gian thực tập là 8 tiếng/ca. Ca 1 từ 8 giờ đến 17 giờ; Ca 2 từ 20 giờ đến 5 giờ hôm sau (sau 2 tuần đổi ca 1 lần).

"Làm việc từ Thứ Hai đến Thứ Bảy hằng tuần, mỗi tháng làm 26 ngày công (được nghỉ các ngày Chủ Nhật)", trích nội dung văn bản.

Về phía công ty, văn bản thông báo nêu rõ, ngoài thời gian làm việc nêu trên, công ty có quyền yêu cầu học sinh làm việc thêm giờ nhưng không quá 3 giờ/ca làm việc, làm thêm...

Thông báo của Trường Cao đẳng kinh tế và công nghệ Nam Định về vệc về việc thực hiện Kế hoạch thực tập tốt nghiệp cho học sinh trung cấp K2 khoa Điện - Điện tử điểm trường Việt Hùng. (Ảnh: Độc giả cung cấp)

Thông báo của Trường Cao đẳng kinh tế và công nghệ Nam Định về vệc về việc thực hiện Kế hoạch thực tập tốt nghiệp cho học sinh trung cấp K2 khoa Điện - Điện tử điểm trường Việt Hùng. (Ảnh: Độc giả cung cấp)

Để làm rõ băn khoăn của độc giả trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Lã Duy Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Ông Lã Duy Tuấn cho biết, việc thực tập của học sinh theo quy định chung của nhà trường.

"Công ty đã thể hiện bằng văn bản với nhà trường, đơn vị cũng thể hiện văn bản với phụ huynh học sinh. Phóng viên muốn tìm hiểu, xác minh thì đến gặp phía công ty", ông Tuấn cho hay.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề trên, phóng viên đã tham vấn ý kiến một số luật sư và chuyên gia.

Luật sư Đỗ Thanh Tâm - Công ty Luật An Hoàng Gia (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, theo quy định của Bộ luật Lao động hiện nay vẫn chưa có quy định nào điều chỉnh vấn đề nhận sinh viên thực tập như trên. Tuy nhiên, theo quy định định doanh nghiệp được tiếp nhận thực tập sinh đang học tại các trường đại học, cao đẳng và nghĩa vụ của doanh nghiệp là tạo điều kiện cho sinh viên thực tập nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Việc nhận thực tập học sinh 17 tuổi được quy định bởi Luật Giáo dục 2019; Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục Đại học chứ không điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động 2019.

Cụ thể, Khoản 5, điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: "Trả tiền lương, tiền công cho người học, nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách trong thời gian đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận."

"Vì vậy, thời gian làm việc là thỏa thuận giữa nhà trường với công ty, được thể hiện bằng hợp đồng", Luật sư Tâm cho hay.

Đồng quan điểm với Luật sư Đỗ Thanh Tâm, bà Phạm Thị Minh Hiền (Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho biết, hiện nay trong Bộ luật Lao động 2019 nói riêng và các luật khác nói chung, vẫn chưa có quy định đối với người đi thực tập ở độ tuổi 15 đến chưa đủ tuổi 18.

Vấn đề thực tập chỉ được đề cập tại Điều 12 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018.

"Vấn đề trên không có quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp hay Luật Giáo dục Đại học. Việc này thuộc về thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhà trường, nếu muốn làm rõ sự việc, chúng ta cần có kế hoạch liên kết, đào tạo, thực tập của hai đơn vị này", bà Hiền cho hay.

Trong khi đó, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, nếu đối chiếu theo khoản 2 Điều 146 Bộ luật Lao động 2019, thời giờ làm việc đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần.

Như trong thông báo kế hoạch thực tập của trường thì việc công ty bố trí thời gian làm việc của học sinh này là làm việc 1 tuần với 6 buổi, 8 tiếng/ca (48 tiếng/tuần) có dấu hiệu quá thời gian làm việc theo quy định pháp luật hiện hành.

Tại Thông báo của nhà trường còn nêu: “Ngoài thời gian làm việc nêu trên, công ty có quyền yêu cầu học sinh làm việc thêm giờ nhưng không quá 3 giờ/ ca làm việc”.

Như vậy, nếu công ty muốn tăng thời gian làm việc của học sinh, thì phải đảm bảo thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 146, rồi mới bố trí thời gian làm thêm giờ và phải xét có thuộc danh mục công việc được làm thêm giờ hay không.

Căn cứ theo Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 quy định về "công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi", công việc của học sinh làm ở trên không thuộc danh mục các công việc, nơi làm việc cấm được quy định bởi điều này.

Mạnh Đoàn