Trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin gửi lời chia buồn ngay sau vụ xả súng vào một tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris hôm 7/1, các quan chức và bình luận gia khác ở Nga thì lên tiếng chỉ trích chính sách của châu Âu đối với quốc gia này.
"Thảm kịch ở Paris cho thấy rằng không phải Nga là mối đe dọa tới sự an toàn của châu Âu. Đây là sự đổ lỗi vô tội vạ. Mối đe dọa thực sự (của châu Âu) đến từ những tín đồ của khủng bố. Đó là thực tế", tờ Global Post dẫn lời Alexei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga viết trên Twitter.
Vêt đạn bắn thủng cửa kính của tòa soạn báo Pháp là một lời cảnh tỉnh. |
Giới chức Nga trước đó đã tỏ ra phẫn nộ trước việc Mỹ và các đồng minh châu Âu nhiều tháng qua chỉ trích chính sách đối ngoại của Kremlin là hiếu chiến. Chính phủ Mỹ và nhiều nước EU cũng đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow liên quan tới vụ sáp nhập Crimea hồi cuối tháng 3 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
Động thái trên của phương Tây theo Global Post chỉ làm tăng sự thách thức đối với Nga và thổi bùng tình cảm chống phương Tây tại quốc gia này. Và sự kiện ở Paris là một cơ hội mới nhất để họ thể hiện điều đó.
Igor Korotchenko, một nhà phân tích quốc phòng và bình luận gia ủng hộ chính phủ Nga nói rằng, vụ xả súng là bằng chứng cho thấy sự thất bại của lực lượng an ninh của Pháp cũng như thái độ sai lầm của châu Âu đối với các đối tác quốc tế của mình.
"Ở một mức độ nhất định, nếu châu Âu sẽ tiếp tục cô lập và không làm việc với Nga và các cơ quan an ninh của các nước khác, họ sẽ tự gây nguy hiểm cho sự an toàn của mình," ông Korotchenko nói với tờ Life News.
Georgy Mirsky, một chuyên gia có tiếng của Nga về Trung Đông cũng lên án gay gắt vụ tấn công tại Paris, nhưng ông tin rằng việc đả kích, châm biếm đạo Hồi của tờ Charlie Hebdo không nên có chỗ đứng trong báo chí tự do.
"Có những điều nhất định không được đụng chạm tới. Nếu không tôn trọng các ranh giới, mọi người sẽ phải trả giá bằng tính mạng của mình", ông Mirsky viết trên blog của đài phát thanh Echo Moscow. Theo ông, số lượng người Hồi giáo ở châu Âu đang gia tăng và nếu tiếp tục kỳ thị nhau, triển vọng hai bên có thể cùng chung sống sẽ trở nên rất mờ nhạt.
Bản thân Nga cũng đã nhiều năm phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ cộng đồng người Hồi giáo ở khu vực Bắc Caucasus bất ổn. Nga không còn xa lạ gì với những vụ tấn công khủng bố trắng trợn./.