Nếu nói không cần Th.S, TS trong quản lí Nhà nước, theo tôi là hơi phiến diện

06/06/2022 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS, KTS Lê Thị Bích Thuận có những phân tích, đánh giá về những nội dung chưa còn chưa được nêu rõ trong Đề án đối với cán bộ được đào tạo sau đại học.

Liên quan đến Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030" đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt, có ý kiến cho rằng nội dung về việc cử cán bộ công chức viên chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước chưa được chặt chẽ về bố trí việc làm cũng như điều kiện ràng buộc....

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó tổng thư ký Tổng Hội xây dựng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và phát triển hạ tầng đã có một số góp ý về Đề án trên.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận (Ảnh: TV)

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận (Ảnh: TV)

Phóng viên: Bà có đánh giá như thế nào về Đề án mà Hà Nội đã phê duyệt?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận: Đây là một Đề án rất cần thiết cho sự phát triển của Hà Nội trong thời gian tới. Đề án được lập một cách công phu, các lý luận về việc đào tạo nhân lực tương đối là chặt chẽ, rõ ràng.

Tuy nhiên, Đề án chưa phân bổ kĩ tập trung đẩy mạnh về lĩnh vực nào, do đó tôi cho rằng cần tăng tỷ trọng trong đào tạo, nâng cao năng lực trong việc hoạch định các chính sách.

Tôi hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc - quy hoạch nên tôi quan tâm đến việc đào tạo chuyên ngành quản lý và phát triển đô thị, vì vậy tôi cho rằng việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ lĩnh vực này phục vụ cho công tác quản lý là rất cần thiết.

Trong Đề án đã có nội dung và kế hoạch đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ lĩnh vực quản lý đô thị, tuy nhiên có lĩnh vực mà Đề án chưa đề cập đến đó là đào tạo cán bộ chuyên ngành kinh tế đô thị .

Việc phát triển đô thị thời gian qua còn nhiều vướng mắc do cán bộ chuyên ngành này chưa nhiều hoặc có cán bộ đang thực thi chưa đủ năng lực về lĩnh vực này.

Kinh tế đô thị có vai trò quan trọng cho sự phát triển đồng thời là động lực cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, do đó khi quy hoạch đô thị thì phải lựa chọn được lĩnh vực đặc thù để hoạch định được nguồn lực cho phát triển đô thị.

Trong quản lý các đô thị, ngoài giao thông, vận hành hệ thống đô thị... thì còn có những kiến thức về quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị xanh là những hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị cần được đào tạo chuyên ngành và nâng cao kiến thức trong quá trình thực thi.

Vì vậy phải có đào tạo và đào tạo lại lĩnh vực về như công nghệ để phát triển đô thị (gồm công nghệ thông minh, chuyển đổi số...) với các nhóm vấn đề.

Phóng viên: Đào tạo đối với trình độ tiến sĩ cũng mất 3- 4 năm, vấn đề băn khoăn hiện nay là việc bố trí việc làm đối với các công chức viên chức đi học tiến sĩ ở nước ngoài về, hay điều kiện ràng buộc để họ phục vụ cơ quan đơn vị cũng chưa được nhắc đến trong Đề án, bà nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận: Thực tế, việc cử cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta cũng có nhiều vấn đề. Tại nhiều tỉnh thành phố cũng từng cử cán bộ đi đào tạo sau đại học nhưng họ không về nước để phục vụ lại đơn vị, cơ quan hoặc trở về nước thì họ làm cho các đơn vị khác để có thu nhập cao hơn.

Các tỉnh thành phố cũng từng có yêu cầu đối với công chức, viên chức được cử đi nước ngoài học tập hoặc nâng cao trình độ chuyên môn sau khi trở về nước phải công tác trong đơn vị khoảng 5 năm thì mới được chuyển đi nơi khác, hoặc nếu không làm thì đền bù kinh phí do Nhà nước đã bỏ ra để đào tạo.

Tuy nhiên nhiều thạc sĩ, tiến sĩ học xong sẵn sàng chấp nhận trả kinh phí đào tạo để được đến một nơi khác có thu nhập cũng như vị trí phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, cũng có bất cập như việc khi cử công chức, viên chức đi học thì vị trí công tác của họ đã có người khác thay thế. Vì vậy, khi học xong thạc sĩ, tiến sĩ có thể sẽ được chuyển sang một công việc khác, ví như cùng là quản lý đô thị nhưng là vị trí khác chưa phải đúng với chuyên môn học được cử đi đào tạo.

Đáng lẽ, Đề án phải nêu rõ vấn đề này để khi công chức viên chức đào tạo sau đại học xong, sẽ được sử dụng đúng người, đúng việc. Đây cũng chính là lí do tại sao nhiều công chức viên chức thích đi học tại chức, vì họ vừa học vừa giữ được vị trí việc làm.

Phóng viên: Từng có nhiều năm nghiên cứu, quản lí trong lĩnh vực đô thị, bà có đánh giá sao về nguồn nhân lực này tại Hà Nội?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận: Lực lượng thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý phát triển đô thị là rất hiếm ở Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội cũng vậy. Trong thời gian qua, hầu hết các chuyên gia muốn học thạc sĩ, tiến sĩ là phải tự bỏ kinh phí để đi học và phải chủ động thời gian để học mà vẫn phải đảm nhiệm công tác quản lý.

Tôi từng đào tạo rất là nhiều các thạc sĩ, tiến sĩ nhưng khu vực Hà Nội có rất ít chuyên gia tham gia đi học sau đại học so với các tỉnh thành phố khác.

Việc cán bộ đi học tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ 800 triệu đồng, còn trong nước là 300 triệu đồng, tôi cho rằng đây cũng chỉ là mức hỗ trợ chứ chưa thể đủ được, tuy nhiên cần có những ràng buộc liên quan như việc tiếp tục làm việc tại cơ quan sau khi học về hoặc vị trí công việc trong tổ chức sau khi hoàn thành học tập.

Thực chất, nếu nói không cần thạc sĩ, tiến sĩ trong quản lí nhà nước là hơi phiến diện, bởi vì những người học sau đại học ngoài việc họ được cung cấp về chuyên môn vững chắc hơn, thì họ sẽ có cái nhìn tổng quát hơn và có phương pháp luận hơn trong các vấn đề quản lý.

Việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong tất cả các lĩnh vực là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực quản lý phát triển đô thị lại càng cần thiết. Bởi vì đô thị của Việt Nam vẫn phát triển chậm so với thế giới. Các lĩnh vực mới như việc phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu... thì lúc nào chúng ta cũng cần.

Phóng viên: Dư luận đặt ra câu hỏi là tiến sĩ là trình độ đào tạo để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, còn cán bộ công chức chủ yếu thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, quản trị lĩnh vực. Nếu công chức viên chức được phân công đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ thì rất cần thiết nhưng để học lên tiến sĩ có cần không, thưa bà?

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận: Tôi thấy rằng, chúng ta càng đào tạo nhiều thạc sĩ, tiến sĩ thì cách nhìn cách hiểu vấn đề càng rõ hơn, sự đóng góp cho xã hội càng tốt hơn chứ. Không phải việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ chỉ là để công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Tôi cho rằng hiện nay cơ quan quản lý vẫn có những hạn chế về trình độ chuyên môn, xã hội tức là họ học xong đại học vào làm công chức viên chức ngay, dẫn đến tình trạng có người chưa đủ sâu sắc nên khi được giao nhiệm vụ sẽ trở nên cửa quyền…. Vì vậy việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo bồi dưỡng chuyên môn là rất cần thiết, kể cả đi học các lớp ngắn hạn hay dài hạn đều có tác dụng.

Tuy nhiên, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề học để "thăng quan, tiến chức" mà cần phải xem xét việc không phải cứ đi học nhiều chứng chỉ, bằng cấp cao thì sẽ có công việc ở vị trí cao hơn.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Mạnh Đoàn