Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phân tích căn nguyên dẫn đến đào tạo tiến sĩ kém chất lượng và đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng.
Phóng viên: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, thời gian qua, dư luận đang bức xúc trước những đề tài được cho là không xứng tầm của một luận án tiến sĩ mà vẫn được bảo vệ thành công. Có ý kiến cho rằng, vì tư duy “trọng bằng cấp” đã dẫn đến tình trạng người người đua nhau đi học tiến sĩ, rồi buông lỏng chất lượng. Giáo sư có quan điểm như thế nào về vấn đề trên?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Trước hết, có thể do truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay, vốn vẫn coi trọng những người có học hàm, học vị. Từ thời phong kiến, chỉ có cách duy nhất là đi học, thi đỗ đạt, được bổ nhiệm làm quan, được hưởng bổng lộc, nuôi được gia đình tử tế...
Đến khi chúng ta phát triển kinh tế, tư duy đó vẫn không thay đổi. Mặc dù chúng ta đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp nhưng tư duy ấy hoàn toàn không phải là tư duy công nghiệp.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho rằng, chuyện “ưu tiên” học hàm, học vị dẫn đến sự hão huyền trong việc đánh giá chất lượng thực của một con người; dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo vì lợi ích mà sinh ra tiêu cực. (Ảnh: NVCC). |
Tôi cho rằng, đó là một căn nguyên dẫn đến việc các gia đình muốn con đi theo con đường thi cử, rồi thi nhau đi học để có học hàm, học vị...
Mặt khác, về xã hội, chúng ta cũng mắc một sai lầm. Đó là nhiều khi, bổ nhiệm một người vào cương vị nào đó mặc dù không cần đến học hàm, học vị, nhưng vẫn “cài cắm” rằng có học hàm, học vị thì sẽ được “ưu tiên” hơn. Thế nên, mới dẫn đến chuyện, có khi một vị trí, chẳng hạn như lãnh đạo một địa phương, không cần phải có học hàm, học vị gì, chỉ cần có tài lãnh đạo, nhưng nhiều khi vẫn gắn vào “là tiến sĩ thì được ưu tiên hơn.”.
Chính những quan niệm, tư duy ấy đã khiến người ta trở nên rất háo hức với chuyện đi học để đỗ đạt vào danh vị này, danh vị khác. Và điều đó làm cản trở phát triển kinh tế. Đồng thời, cản trở quá trình bổ nhiệm cán bộ, tức là lại “ưu tiên” cho những “tiến sĩ giấy”, tiến sĩ “bằng thật - học giả”.
Thật nguy hại khi điều đó dẫn đến sự hão huyền trong việc đánh giá chất lượng thực của một con người; dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo chỉ vì lợi ích mà sinh ra chuyện tạo sức thu hút một cách tiêu cực với người học.
Phóng viên: Giáo sư có thể phân tích rõ hơn về câu chuyện các cơ sở đào tạo vì lợi ích mà buông lỏng chất lượng đối với tiến sĩ như thế nào không?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Từ tư duy “có học hàm, học vị thì sẽ được “ưu tiên” bổ nhiệm, được xã hội trọng vọng hơn”, dẫn đến câu chuyện mang tên “tiến sĩ giấy”, dẫn đến một xu hướng thỏa mãn được ý nguyện đó là mọi người đều tấp nập vào chuyện lấy học hàm, học vị. Rồi các trường, các cơ sở đào tạo cũng tranh thủ vào chuyện đào tạo theo số lượng, vì gắn với chuyện “miếng cơm, manh áo” của nhà trường đó.
Cơ sở nào thu hút được nhiều người đến học, đến nghiên cứu, đồng nghĩa với thu nhập của cơ sở đó cũng được tăng lên. Nhiều người học thì tất nhiên là nguồn thu cũng tăng, kể cả chuyện “bổng lộc không chính thức”, mà do những người đi học cung cấp - đó cũng là một loại tạo ra lợi ích của các cơ sở đào tạo.
Và nếu số lượng quá đông, thì xảy ra chuyện cơ sở đào tạo có thể “châm chước” chuyện chất lượng, mặc dù biết làm như vậy không đúng...
Nhưng chính chuyện “chất lượng kém” ấy lại càng thu hút đối với những người không cần thực tài, chỉ cần có danh vị tiến sĩ. Đó là nguyên nhân dẫn đến thực tế đào tạo chỉ để lấy bằng cấp, danh vị.
Tôi biết một số nơi “lách luật” để tạo ra những luận án tiến sĩ nhân bản. Chẳng hạn, quy định về luận án tiến sĩ phải có yếu tố mới thì với một đề tài chỉ cần một phương pháp nghiên cứu áp dụng ở huyện này, rồi lại áp dụng tương tự ở các huyện khác, vẫn cho ra lò một luận án mới. Như vậy, từ một đề tài khoa học, có thể sản sinh ra hàng loạt tiến sĩ mà không cần sáng tạo, cũng có yếu tố mới gì.
Tất nhiên, những người tự trọng sẽ không ai làm điều đó. Thậm chí, họ xấu hổ khi làm nghiên cứu sinh ở những cơ sở đào tạo tiến sĩ như vậy.
Tuy nhiên, không ít người lại thấy đây là một chuyện dễ dàng, xem đây một “mảnh đất màu mỡ”...Sự suy đồi về chất lượng chính là ở đó. Người ta không muốn phấn đấu về chất lượng, người ta không muốn phấn đấu vì danh vị tiến sĩ thực chất mà chỉ muốn làm cách nào để cam kết: “Ở đây, cứ đào tạo là thành tiến sĩ!”... Chính sự buông lỏng ấy đã tạo ra những lo lắng về chất lượng đào tạo tiến sĩ như hiện nay.
Phóng viên: Vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay, cần có những biện pháp như thế nào, thưa Giáo sư?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Làm thế nào để việc đào tạo tiến sĩ của Việt Nam ra khỏi tình trạng dư luận lo ngại như hiện nay, tôi nghĩ là không đơn giản!
Bởi, một khi quan niệm tiến sĩ đã hình thành và tồn tại lâu như vậy, chưa kể yêu cầu về tiến sĩ của một số cơ sở đào tạo còn “buông” như vậy, thì thực sự rất khó thay đổi.
Người ta vẫn có nhu cầu đua nhau đi học để nhắm đến một danh vị, để được “ưu tiên” trong bổ nhiệm...
Nếu những người lãnh đạo các cơ sở đào tạo tiến sĩ mà không ý thức được, chất lượng của tiến sĩ phải như thế nào, thì không thể thay đổi được.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải làm lại từ đầu, từ khẩu hiệu: “Giáo dục đào tạo là khâu then chốt trong phát triển”.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, để giảm bớt những luận án tiến sĩ kém chất lượng, phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thật kỹ càng. Đặc biệt, có rất nhiều lĩnh vực hẹp, liệu có thanh tra được hết luận án tiến sĩ ở các lĩnh vực khác nhau hay không? Đó cũng là một câu chuyện rất phức tạp...
Chỉ khi, bản thân nhà khoa học có thể đào tạo tiến sĩ ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đang đào tạo ai, thì mới giải quyết được vấn đề.
Tôi cũng từng là người đào tạo khá nhiều tiến sĩ, nhưng với những luận án tiến sĩ mà tôi hướng dẫn, yêu cầu phải có yếu tố mới hoàn toàn và yếu tố mới ấy phải ngang tầm quốc tế, chứ không phải chỉ ở phạm vi trong nước.
Đồng thời, tôi cho rằng, cũng cần phải xếp hạng những người như thế nào thì mới được đào tạo, phản biện luận án tiến sĩ. Lựa chọn thành viên hội đồng cũng cần phải tìm ra những người dũng cảm, vì mục tiêu chung, không có chuyện “tránh va chạm nhau”, khó người khó ta, dễ người dễ ta, như lâu nay vẫn tồn tại.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!