Tờ Telegraph ngày 7/8 đưa tin cho biết, lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ phương Tây do Điện Kremlin vừa ban hành đã báo hiệu một quyết tâm chống lại những chỉ trích về việc tăng khả năng can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine của Moscow.
Thậm chí, một số nhà phân tích còn cho rằng Kremlin đang đưa ra những tín hiệu không minh bạch đợi dư luận lơ đãng sẽ tiến hành hành động quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
NATO ước tính Nga đã tái triển khai khoảng 20.000 binh sĩ trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với hệ thống pháo binh, phòng không, xe bọc thép ở dọc biên giới với Ukraine. Liên minh quân sự này cũng bày tỏ lo ngại rằng khả năng Nga chuẩn bị can thiệp quân sự vào tình hình Đông Ukraine đang rất cao.
Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng chỉ cần một đạo quân nhỏ được trang bị tốt, Nga có thể dễ dàng ngăn chặn hoặc đảo ngược cuộc xung đột tại Ukraine, lập một khu vực cấm như một nhà nước dưới sự bảo trợ của Nga trên lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, một sự can thiệp quân sự vào tình hình Ukraine trên danh nghĩa "sứ mệnh gìn giữ hòa bình" của Nga như Mỹ và NATO cáo buộc cũng ẩn chứa nhiều rủi ro không thể lường hết.
Nguyên do là trên cả mong đợi, quân đội Ukraine đang giành phần thắng trong cuộc xung đột ở miền Đông. Nếu không có sự can thiệp của Nga, việc phe ly khai bị đánh bại dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sự can thiệp của Nga vào Ukraine có thể mở đầu cho một cuộc đối đầu giữa nước này với NATO. |
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã lên kế hoạch sẽ kết thúc chiến sự ở miền Đông trước mùa hè năm nay và các tướng lĩnh của ông dường như cũng chứng minh rằng họ sẵn sàng chấp nhận thương vong cả về quân sự và dân sự để đạt được mục tiêu này.
Tình thế này đã đặt ra một câu khỏi khó cho chính quyền Putin trong việc tìm cách thức hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine mà không để lại hậu quả nặng nề cho chính mình hoặc cho phép cuộc nổi dậy này bị nghiền nát từ từ.
Nhiều chuyên gia đã nghiêng về khả năng Nga sẽ can thiệp quân sự như sự kiện Crimea, nhưng cho biết nếu xảy ra, nó sẽ là một trận chiến đẫm máu và kéo dài chứ không thể kết thúc nhanh chóng.
Nguyên do là quân đội Ukraine không còn mất tinh thần và bạc nhược như trước vụ sát nhập bán đảo mà đang chiến đấu ngày càng hiệu quả hơn.
Điều khiến các chuyên gia và nhà phân tích lo ngại nhất chính là nguy cơ leo thang thành một cuộc đối đầu vũ trang giữa Nga và NATO - cơn ác mộng đã ám ảnh các nhà hoạch định chính sách bấy lâu nay.