Các cuộc tập trận của Hải quân Nga và Ai Cập ở Địa Trung Hải là một tín hiệu dành cho Mỹ và NATO rằng thời gian cai trị của họ trong khu vực đã hết.
Hải quân Nga và Ai Cập đã bắt đầu cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải mang tên "Nhịp cầu hữu nghị 2015" từ ngày 6-14/6 nhằm tăng cường khả năng phối hợp quân sự giữa hai nước để đối phó với các mối đe dọa chung.
Ảnh Rian. |
Nga đã điều tuần dương hạm tên lửa Moscow, tàu đệm khí Samum, tàu đổ bộ cỡ lớn Alexander Shabalin, tàu kéo MB-31 và tàu tiếp dầu Ivan Bubnov tham gia tập trận. Ai Cập huy động các tàu khu trục Taba, Damietta, tàu tiếp dầu Shalateen, hai chiếc F-16 cho cuộc tập trận này. Các tàu tham gia tập trận lấy cảng Alexandra của Ai Cập làm căn cứ.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tập trận được tổ chức nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Hải quân Nga và Ai Cập thông qua đó tăng cường an ninh và ổn định trên biển, trao đổi kinh nghiệm, phản ứng chung trước những thách thức trong khu vực, tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước.
RIA Novosti ngày 9/5 dẫn lời Alexander Khrolenko, một chuyên gia phân tích tại Russia Today cho biết, cuộc tập trận này còn gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Mỹ và NATO rằng thời cai trị của họ ở Địa Trung Hải đã kết thúc.
Ai Cập sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất tại châu Phi và thế giới Ả Rập với hơn 60 tàu nổi các loại, 4 tàu ngầm và 20.000 thủy quân, 24 trực thăng chống ngầm mua của Anh và Pháp, hai máy bay tuần tra hàng hải Beechcraft 1900c do Mỹ sản xuất. Lực lượng cảnh sát biển Ai Cập có hơn 100 tàu tuần tra cỡ 18-110 tấn. Khả năng chống ngầm của Hải quân Ai Cập cũng được giới chuyên gia đánh giá cao.
Hầu hết các vũ khí mua của Liên Xô trong những năm 1960 đã được Hải quân Ai Cập thay thế bằng các vũ khí tiên tiến của phương Tây trong thời gian Mỹ giành ảnh hưởng tới tại quốc gia này.
Tuy nhiên, sau một loạt các cuộc biểu tình chống lại Mỹ và các đồng minh dẫn tới đảo chính tại Ả Rập, châu Âu và châu Á, Ai Cập đã thay đổi, từ bỏ thời kỳ làm "món đồ chơi" trong tay Mỹ và bắt đầu làm sống lại các mối hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga, ông Khrolenko nhận định.
Địa Trung Hải vốn được xem là viên ngọc của nền văn minh châu Âu. Nằm ở sườn phía đông của Địa Trung Hải là hai các nước NATO Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon, Israel, Ai Cập và Libya. Tây Địa Trung Hải là các thành viên NATO Tây Ban Nha, Pháp, Ý và các quốc gia châu Phi độc lập Tunisia, Algeria, Morocco.
Khu vực này có rất nhiều lợi ích và các liên minh khác nhau, nhưng tất cả đều muốn giành ảnh hưởng lớn hơn. Do đó, sự tăng cường hiện diện của Nga trong khu vực này được xem là một sự xúc phạm và thách thức đối với Mỹ, NATO.
Sự hợp tác giữa Nga và Ai Cập tại Địa Trung Hải là điềm báo về sự trỗi dậy của một liên minh lớn trong khu vực này đối trọng với các nhóm của Mỹ và NATO. Việc tái lập quan hệ giữa Nga và Ai Cập được các chuyên gia đánh giá như là một cái tát đối với Mỹ.
Vào tháng 2 năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã đồng ý tăng cường hợp tác toàn diện./.