Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang diễn biến hết sức phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thực trạng này đã gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Giang nhất là trong năm 2017.
Phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em đó là chúng thường lợi dụng các nạn nhân là những người có hoàn cảnh khó khăn, có mâu thuẫn trong gia đình, vợ, chồng ăn chơi đua đòi, có nhu cầu cần việc làm, kiếm được nhiều tiền để ăn tiêu, hưởng thụ cuộc sống sung sướng...
Các đối tượng buôn bán người ra đứng trước vành móng ngựa (Ảnh: Công an nhân dân) |
Lợi dụng những điểm đó, các đối tượng thường chủ động tìm hiểu lai lịch, hoàn cảnh kinh tế gia đình và các điểm mâu thuẫn trong nội bộ gia đình các nạn nhân để giới thiệu cho các đối tượng, hoặc các đối tượng trực tiếp làm quen bằng cách tán tỉnh yêu đương, mua sắm điện thoại, quần áo đẹp, nạp tiền điện thoại cho các nạn nhân để lấy lòng tin.
Khi các nạn nhân đã tin tưởng thì các đối tượng tìm mọi cách rủ các nạn nhân đi chơi, hoặc rủ đi Trung Quốc lao động sẽ kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống.
Sau đó các đối tượng liên hệ câu kết với các đối tượng ở nước ngoài hoặc người thân quen ở nước ngoài thống nhất địa điểm đưa các nạn nhân vượt biên trái phép ra nước ngoài để bán.
Đối với các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, những học sinh lười học, đua đòi chơi bời hay bỏ học, các đối tượng thường dùng thủ đoạn tìm hiểu sở thích, sở trường của các em để xin số điện thoại, hoặc thông qua bạn bè của các em để xin số điện thoại.
Sau đó lên các trang mạng xã hội như Facebook hoặc Zalo để thể hiện mình là người giàu sang, phong độ, thậm chí còn là người cán bộ làm cho các cơ quan nhà nước hoặc là người có quan hệ rộng, quen biết nhiều người trong giới làm ăn, để tán tỉnh các em học sinh làm cho các em mê muội sau đó đi theo.
Sau khi các em tin tưởng vào những lời ngon ngọt, các đối tượng dùng tình cảm thân thiện đưa đi chơi, tham quan du lịch hoặc đi chợ phiên ở các chợ biên giới, khi các em mất cảnh giác thì đối tượng câu kết với các đối tượng bên ngoài đưa các em vượt biên trái phép và bán các em làm vợ hoặc vào các ổ mại dâm.
Để đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả đối với phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trên, cơ quan chức năng như công an, bộ đội biên phòng cùng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang tổ chức tuyên truyền cho người dân nắm bắt được phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhất là tội phạm mua, bán người để biết cách phòng ngừa.
Những buổi truyền thông phiên chợ đã và đang mang lại nhiều tác dụng cho cộng đồng nâng cao ý thức pháp luật (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Yên Minh) |
Thời gian qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tấn công trấn áp các loại tội phạm này.
Qua đó, giúp nhân dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của bọn buôn người, cảnh giác với những lời ngon ngọt, lừa gạt, lôi kéo phụ nữ, trẻ em, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và tố giác tội phạm buôn bán người, giúp cơ quan chức năng phát hiện và phá án.
Để ngăn chặn tội phạm mua, bán người trên địa bàn đạt hiệu quả cao, Hà Giang đã xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mà còn là của toàn xã hội.
Vì vậy, việc tuyên truyền cho mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn mới của đối tượng lừa đảo, buôn bán phụ nữ, trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống tội phạm mua, bán người.
Riêng đối với các trường học trên địa bàn xã, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm nhất là tội phạm buôn người trên cho cán bộ giáo viên và các em học sinh.
Nếu có thể thì đưa các hình thức thủ đoạn, hoạt động của bọn tội phạm trên lồng ghép vào các môn học, các chương trình, ngoại khóa, tổ chức tuyên truyền giảng dạy trong nhà trường để cán bộ giáo viên, học sinh năm chắc, biết tự bảo vệ bản thân mình.